Hoạt động của giới trí thức luôn gắn liền kiến thức, trong đó sách vở là công cụ, phương tiện hữu hiệu. Giới trí thức trẻ ngày nay không chỉ tiếp cận kiến thức qua sách giấy. Họ tiếp nhận tri thức qua nhiều công cụ, phương tiện số. Trong bối cảnh đó, ngành xuất bản cần chuyển đổi để phù hợp với xu thế thời đại.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ tư năm 2021 (do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trong hai ngày 25 và 26/11 tại Hà Nội), tọa đàm “Vai trò và thách thức của lĩnh vực xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số” được tổ chức.
Buổi tọa đàm diễn ra hôm 25/11 với sự tham gia của ông Vũ Trọng Đại – Tổng giám đốc Alpha Books; TS Đặng Hoàng Ngân – nhà nghiên cứu tâm lý, tác giả sách; TS Phạm Hùng Hiệp – Đại học Phú Xuân; thạc sĩ Hoàng Anh Đức – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia.
Các diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh: Y. N. |
Sách số mới chiếm 1-2%
Là người làm việc trong lĩnh vực xuất bản, ông Vũ Trọng Đại nói về lịch sử ngành sách và sự ra đời của sách số. Sách giấy gắn với xuất bản từ thế kỷ 15, khi Gutenburg phát minh ra máy in. Từ đó, sách giấy là công cụ tư tưởng, nội dung, gắn liền với nhiều cuộc cách mạng chuyển đổi…
Cùng sự phát triển của kỹ thuật số, sách điện tử ra đời. Khoảng năm 2012, ebook là một làn sóng ở Việt Nam. Một số đơn vị tham gia lĩnh vực ebook như Alezas, Viettel, Waka… Sau 10 năm, thị trường ebook đã sôi động hơn.
Ngày nay, sách giấy có thể được số hóa, là sách nói, biến thành những bài học trực quan. “Lâu nay, chúng ta nói tới xuất bản là nghĩ tới sách giấy. Thời đại 4.0 này, xuất bản không chỉ có sách giấy”, Tổng giám đốc Alpha Books Vũ Trọng Đại nói.
Các cuốn sách giấy chứa đựng tri thức. Trước kia, nội dung tri thức được chứa đựng trên đá, đồng, tre, gỗ, mai rùa… Giờ, tri thức được chứa đựng trong những file, không gian mạng.
Về sự cần thiết của sách số, TS Phạm Hùng Hiệp nói với nhiều người sách giấy chạm tới cảm xúc; với ông ebook mang lại nhiều cảm xúc hơn.
“Khi đọc ebook, tôi biết được những ghi chú của người khác về cuốn sách ấy, nội dung ấy, có thể tranh luận cùng nhau… Sách giấy có những thứ mà ebook không thể có, nhưng ebook cũng có những điều mà sách giấy không có”, TS Hiệp nói.
Thạc sĩ Hoàng Anh Đức cho rằng sách số sẽ hữu ích khi ta tìm kiếm nội dung theo mục đích cụ thể. Môi trường giáo dục, học tập là nơi ebook phát huy tác dụng nhiều nhất.
Khẳng định chuyển đổi số trong xuất bản là tất yếu, song ông Đại cho rằng lượng sách số ở nước ta chưa nhiều. “Ngành xuất bản bây giờ vẫn tràn ngập sách giấy, sách số rất ít, chiếm 1-2% thôi. Tại sao chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số mà sách số vẫn chiếm dung lượng nhỏ như vậy?”, ông Đại đặt vấn đề.
Nhiều sách về chuyển đổi số đã được xuất bản. Ảnh: Y. N. |
Xu hướng dùng sách số của người trẻ
Những thác thức của chuyển đổi số trong xuất bản là nội dung chính mà các diễn giả thảo luận. TS Hoàng Ngân cho rằng hiện nay, môi trường để chuyển đổi số chưa phù hợp, do nhiều yếu tố, trong đó có thói quen của người tiêu dùng, cách thanh toán…
TS Hoàng Ngân nhận định xu hướng dùng sách của bạn trẻ đã thay đổi. Trước đây, sinh viên của bà thường hỏi “Sách này mua ở đâu?”, còn bây giờ là “Có bản pdf không cô?”.
Xu hướng sử dụng tài liệu, sách số đã có, song từ mối quan tâm tới hành vi vẫn chưa thay đổi triệt để. “Trong số những người quan tâm tới sách số, có bao nhiêu bạn muốn mua ebook, trong số những người muốn mua ấy, có mấy người thực sự mua?”, TS Ngân nêu vấn đề.
Bà Ngân nói ngày nay, tri thức không chỉ được truyền tải qua sách. Trên mạng có nhiều phương tiện cung cấp tri thức. Những trang mạng xã hội, các diễn đàn, clip truyền tải nhiều thông tin khoa học… Đó chính là những phương tiện cạnh tranh với sách. Những phương tiện ấy có ưu thế nhanh, gọn, tiếp cận trực diện. Trong khi đó, kiến thức trong sách cần tiếp cận sâu.
Chúng ta đơn giản nghĩ rằng chuyển đổi số là chuyển định dạng từ sách giấy sang ebook, audiobook… Nhưng chúng ta quên rằng để chuyển từ giấy sang các định dạng khác đòi hỏi con người, cách thức, bộ máy, tư duy phải chuyển đổi sang định dạng mới.
Ông Vũ Trọng Đại
Chuyển đối số trong ngành sách không chỉ phụ thuộc vào công nghệ chuyển đổi, mà còn phụ thuộc vào suy nghĩ, thói quen chuyển đổi của người tiêu dùng.
Ông Vũ Trọng Đại nói thách thức đầu tiên của xuất bản khi chuyển đổi số chính là tư duy: “Chúng ta đơn giản nghĩ rằng chuyển đổi số là chuyển định dạng từ sách giấy sang ebook, audiobook… Nhưng chúng ta quên rằng để chuyển từ giấy sang các định dạng khác đòi hỏi con người, cách thức, bộ máy, tư duy phải chuyển đổi sang định dạng mới”.
Khó khăn tiếp theo đến từ những khâu trong quá trình chuyển đổi, từ tác quyền, sở hữu trí tuệ đến các vấn đề như hiểu biết công nghệ, kiến thiết mạng lưới cộng tác viên, khách hàng, nền tảng sản xuất, kinh doanh để họ hiểu về chuyển đổi số. Công việc đó không chỉ phụ thuộc vào đơn vị xuất bản, mà còn phụ thuộc vào các kết nối của ngành xuất bản như bản quyền, sở hữu trí tuệ, nội dung liên quan đến tác giả, dịch giả, chế bản, độc giả…
Giống TS Hoàng Ngân, ông Vũ Trọng Đại cho rằng thói quen trong xã hội quen dùng sách giấy cũng là một khó khăn của chuyển đổi số.
Tuy vậy, ông Đại bày tỏ niềm tin ở thế hệ trẻ: “Giới trẻ nói chung, trí thức trẻ nói riêng là những người đang có tốc độ tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số nhanh nhất. Nếu họ tiếp cận chuyển đổi số, làm chủ thông tin thì họ mới giải được bài toán thách thức chuyển đổi hiện nay”.