Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn được nhắc đến như người đã làm thay đổi và tạo ra bước ngoặt cho văn chương Việt Nam từ sau 1975. Cho đến hiện tại, những tác phẩm của ông vẫn khiến nhiều thế hệ độc giả say mê và trở thành chủ đề hấp dẫn trong giới nghiên cứu.
Cuốn sách Du hành giữa các văn bản – Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975 là chuyên khảo nghiên cứu chuyên sâu về gần như toàn bộ các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp theo cách tiếp cận liên văn bản và liên ngành.
TS Nguyễn Văn Thuấn – Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tác giả cuốn sách – chia sẻ với Zing về quá trình thực hiện tác phẩm này.
Chuyên khảo cung cấp cái nhìn độc đáo về những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Việt Linh. |
Vẻ đẹp của văn chương Nguyễn Huy Thiệp
– Tác phẩm “Du hành giữa các văn bản – Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975” được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Tôi có duyên với sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ rất sớm. Như đã chia sẻ với độc giả trong Lời mở đầu cuốn sách, tôi bắt đầu đọc Nguyễn Huy Thiệp khi là học sinh phổ thông.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân, tôi thực hiện luận văn thạc sĩ về truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Năm 2013, tôi hoàn thành luận án tiến sĩ cũng về sáng tác của ông. Sau đó, tôi dành thêm mấy năm để hoàn thành một số tiểu luận và đề tài khoa học có liên quan sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Có thể nói, cuốn sách này được tôi thai nghén và hoàn thành trong khoảng 20 năm. 20 năm, một thời gian rất dài!
– Đâu là điều khiến ông cảm thấy thử thách nhất khi thực hiện tác phẩm này?
– Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng lớn và phức tạp. Dư luận bạn đọc rất trái chiều, các đánh giá về ông thường ít khi thống nhất. Trong khoảng hơn 40 năm cầm bút, ông là nhà văn đã gây nên nhiều cuộc tranh luận văn học. Có người khen ông hết lời nhưng cũng có người chê ông hết lời. Mà sự khen hay chê đều tỏ ra ít nhiều có lý.
TS Nguyễn Văn Thuấn đang giảng dạy tại khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm (Đại học Huế). Ảnh: NVCC. |
Bản thân tôi là một người trẻ, không có trải nghiệm về thời cuộc và văn chương như thế hệ cha anh. Tôi thuộc lớp 8X, cái thời khó khăn và sôi động những năm trước và sau 1986, tôi cho là thời kỳ vàng của văn học Việt Nam.
Vậy mà mãi sau này, đến tận 10 năm đầu thế kỷ XXI, khi bày tỏ việc nghiên cứu, viết sách về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, tôi thường ít khi nhận được sự khuyến khích, cổ vũ nồng nhiệt.
Mọi người e dè, lo cho tôi, vì nhiều lý do, trong đó nhìn chung cho rằng Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng phức tạp, nhạy cảm, nếu nghiên cứu thì khó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; nếu viết sách, chắc khó tìm được nơi xuất bản. Tôi nghĩ đó là những thử thách lớn đối với mình.
Tất nhiên, chúng ta còn có thử thách khác của đời thường, chuyện cơm áo, nhà ở, con cái, đòi hỏi ta phải dành nhiều thời gian, công sức. Bây giờ, khi đã xuất bản cuốn sách này, nhìn lại thử thách đã qua, nhìn lại hàng trăm trang bản thảo đã bị cắt bỏ, tôi rất cảm ơn những người thầy, người bạn, người thân đã luôn tin tưởng, động viên, khuyến khích và hỗ trợ để quyển sách kịp ra mắt, trước là mừng sinh nhật lần thứ 70 của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sau nữa là dành chút niềm vui hoặc có thể là sự trăn trở, cho bạn đọc, cho các sinh viên của tôi.
– Tại sao ông lại lựa chọn cách tiếp cận các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp bằng con đường liên văn bản và liên ngành? Điều này mang lại lợi thế gì khi “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”?
– Tôi là người nghiên cứu, giảng dạy lý luận văn học ở khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm (Đại học Huế) nên công việc khiến bản thân tiếp cận thường xuyên với các khuynh hướng, trường phái nghiên cứu, phê bình văn học vốn rất phong phú, phức tạp của thế kỷ XX, XXI.
Nhờ cơ duyên này, tôi nhận ra không có phương pháp nghiên cứu nào toàn năng. Một phương pháp nghiên cứu tỏ ra thành công với hiện tượng văn học này thì rất có thể lại thất bại với hiện tượng văn học khác. Nhiều khi, chính đối tượng nghiên cứu lại “đẻ” ra phương pháp hoặc gợi cho ta tìm kiếm phương pháp tiếp cận thích hợp.
Đối với trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn lớn chịu ảnh hưởng nhiều nguồn tư tưởng, tôn giáo, thử nghiệm thành công nhiều lối viết và phong cách, tạo nên những tác phẩm văn chương phơi bày tính phức tạp của đời sống và tâm hồn con người thì cần có cách tiếp cận phức hợp. Chính vì thế, tôi đã sử dụng phương pháp liên văn bản và liên ngành.
Tôi nghiên cứu sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp từ góc độ giới, góc độ luân lý, góc độ thi pháp, góc độ ký hiệu – biểu tượng, góc độ hiện sinh, góc độ so sánh và liên văn bản.
Các độc giả sẽ nhận ra là ở mỗi chương của cuốn sách đều có một phương pháp tiếp cận chủ đạo. Như thế, toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp được đặt trong tầm nhìn liên văn bản và liên ngành.
Lợi thế của cách tiếp cận này là ở chỗ, độc giả sẽ nhận ra vẻ đẹp đặc trưng của văn chương Nguyễn Huy Thiệp: Vẻ đẹp của tính phức tạp. Tôi muốn nói thêm rằng nếu văn học của ta giai đoạn trước 1986 thường tôn vinh cái đẹp giản dị, cái đẹp của sự lựa chọn dứt khoát, của niềm lạc quan, tin tưởng thì Nguyễn Huy Thiệp tôn vinh cái đẹp phức tạp, cái đẹp kín đáo ẩn trong sự phân vân, sự hoài nghi, sự lưỡng lự, sự hỗn độn…
Tiếp tục “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”
– Theo ông, đâu là cá tính, dấu ấn và vị thế của tác phẩm này trong nhiều công trình về Nguyễn Huy Thiệp?
– Đã có rất nhiều bài viết bàn về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Có thể tính đến con số vài trăm, trong đó, hầu hết nhà nghiên cứu, phê bình văn học có tên tuổi đều có bài viết hoặc nghiên cứu về văn chương của ông.
Trước khi có tác phẩm của tôi, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã biên tập và xuất bản cuốn sách mang tên Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Còn hàng chục bài viết khác, rất chất lượng, về văn chương của ông được đăng tải ở nhiều báo và tạp chí uy tín cũng rất cần được chọn lọc để in thành sách. Tôi nghĩ đó cũng sẽ là một cuốn sách thú vị.
Tuy nhiên, Du hành giữa các văn bản – Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975 là một chuyên khảo, lần đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống về sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ tầm nhìn liên văn bản và liên ngành.
Là một chuyên khảo, cuốn sách có nét riêng, thành công và thiếu sót của nó đều mang dấu ấn cá nhân của tôi. Về vị thế của cuốn sách, tôi xin nhường sự đánh giá cho bạn đọc, những người yêu văn chương và yêu thích vẻ đẹp phức tạp của cuộc sống này.
– Tác phẩm này đã là điểm kết trong hành trình “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” của riêng ông chưa hay hành trình ấy còn tiếp tục?
– Tôi nghĩ rằng văn chương Nguyễn Huy Thiệp cũng như cái đẹp trong cuộc sống, nó khiến ta không thể thờ ơ. Những người yêu mến Nguyễn Huy Thiệp không thờ ơ với các sáng tác của ông đã đành. Ngay cả những người không có cảm tình với ông vẫn không thờ ơ với tác phẩm của ông. Đâu đó sẽ có cuộc tranh luận chực bùng lên về cuộc đời và văn chương của ông.
Một nhà văn với những tác phẩm như thế, thiết nghĩ sẽ luôn được tìm đọc, được đối thoại và vì vậy, cuộc tìm kiếm của tôi sẽ chưa dừng lại.
Tôi đang âm thầm đối thoại với các vị hoàng đế, các vị anh hùng do ông tạo ra, bộ phim ấn tượng chuyển thể từ truyện ngắn của ông, những vấn đề rắc rối của thanh niên trong tiểu thuyết của ông…
Tôi vẫn chưa hết phân vân, vì sao, bằng cách nào, một nhà văn hiền lành, giản dị như thế lại viết dữ dội, hiểm hóc và hấp dẫn đến thế? Tại sao tác phẩm của ông khiến tôi nhìn cuộc sống tỉnh táo hơn, điềm đạm hơn, yêu thương hơn? Tại sao, đến bây giờ, tác phẩm của ông vẫn là đối tượng không ngừng khiêu khích các lý thuyết tiếp nhận, phê bình văn học đương đại?
– Trong quá trình thực hiện tác phẩm, có điều gì ông hối tiếc và muốn làm tốt hơn trong tương lai?
– Luôn có điều hối tiếc về những gì đã qua. Bởi lẽ, chúng ta luôn muốn làm một điều gì đó thật hoàn thiện, thật toàn vẹn nhưng vì nhiều lý do thường chưa đạt được. Cuốn sách của tôi cũng vậy.
Tôi đã rất cố gắng để hoàn thành tốt nhất có thể, nhưng vẫn còn những điều khiến tôi băn khoăn, do dự.
Tôi tiếc chưa hoàn thành được một chương về chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để đưa vào sách. Nhiều đoạn, tôi chưa phân tích thật tỉ mỉ, đưa ra các dẫn chứng cụ thể hơn. Tôi muốn làm một bảng chỉ dẫn cuối cuốn sách để bạn đọc được thuận lợi khi tra cứu, thêm một số hình ảnh về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà tôi trân trọng…
Có lẽ cuốn sách vẫn còn các thiếu sót mà tôi chưa nhận ra hết. Nhưng tôi vẫn quyết định xuất bản cuốn sách vào tháng 4/2020 ở NXB Đại học Huế. Tôi xem đây là một trạm dừng trong cuộc du hành của riêng mình với niềm tin rằng cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn nữa sau mỗi lần tái bản. Còn bây giờ, bạn đọc thuần hậu và tinh tế sẽ giúp tôi hoàn thiện nó, trong trái tim bao dung và khối óc giàu sáng tạo của họ.