Đầu tháng tám, tập 1 bộ truyện tranh Black Jack được NXB Trẻ phát hành. Ngay trong ngày đầu phát hành, anh Nguyễn Tuấn Bình (người bán sách qua mạng với hai trang “Nguyễn Tuấn Bình” và “Bình Bán Book”) đã nhận được 450 đơn đặt hàng. Tuy vậy, anh Bình chỉ giao được 200 cuốn Black Jack tới người mua. 250 cuốn còn lại vẫn nằm trong kho.
Anh Bình cũng như nhiều người bán sách qua mạng khác đang rơi vào cảnh “khóc ròng” vì đơn sách có mà chỉ biết ngồi im vì không thể giao hàng tới tay người đọc.
Nhu cầu đọc sách tăng đột biến
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nhiều hiệu sách, chuỗi cửa hàng sách ở những địa phương thực hiện giãn cách đều đóng cửa. Thư viện ở các địa phương này cũng tạm dừng phục vụ bạn đọc. Người có nhu cầu đọc sách chỉ còn lựa chọn mua sách online.
Những người bán sách qua mạng thông tin thời gian qua, số đơn đặt sách tăng cao. Anh Lê Bá Tân, một người bán sách cũ, chủ tiệm cà phê sách Sài Gòn năm xưa (50 Nguyễn Khắc Nhu, quận 1, TP.HCM), cho biết lượng sách mà khách hàng hỏi mua qua kênh bán sách của anh tăng rất nhiều.
“Nhu cầu đọc sách tăng cao, số sách đặt ở chỗ tôi tăng lên 200%. Trong đó, nhu cầu về sách thiếu nhi nhiều hơn cả, ai cũng hỏi sách thiếu nhi. Giờ mọi người ở nhà nhiều nên quan tâm đến con và muốn chúng đọc sách”, anh Tân nói.
Với anh Nguyễn Tuấn Bình, lượng sách đặt còn tăng cao hơn. “Nhu cầu đọc sách tăng đột biến” là nhận xét của anh Bình – người nổi tiếng trong lĩnh vực bán sách mới qua mạng.
Trong điều kiện bình thường, mỗi tháng, anh Bình bán khoảng 3.000 đơn sách. Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều nơi thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, số đơn đặt sách anh Bình nhận được lên khoảng 9.000 đơn một tháng.
Như vậy, nếu nhìn trên kênh bán sách của anh Bình, nhu cầu đọc sách của mọi người trong đại dịch tăng gấp ba lần so với bình thường.
Trong điều kiện bình thường, sách nghiên cứu văn hóa, lịch sử, sách bìa cứng… là những mảng thế mạnh của anh Bình. Nhưng giờ đây, nhiều người ghé kênh của anh để mua sách về chăm sóc sức khỏe, những vấn đề thời sự Covid-19. Cuốn sách bán chạy nhất của anh hiện nay là Tương lai sau đại dịch Covid.
Trong buổi làm việc cùng các đơn vị xuất bản, phát hành hôm 12/8, ông Nhật Anh, Giám đốc Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, nói trong thời gian dịch bệnh bùng phát này, mọi người ở nhà nên có nhu cầu giải tỏa tinh thần qua sách, làm bạn cùng sách.
Sách có thể giữ chân mọi người ở trong nhà, nhưng trên thực tế, nhiều sách lại đang bị “giam chân” ở các kho do chính sách vận chuyển, giao hàng trong mùa dịch.
Hình ảnh tại chương trình tặng sách cho khu cách ly quận Phú Nhuận, do Quận đoàn Phú Nhuận và NXB Tổng hợp TP.HCM thực hiện. Ảnh: BTC. |
Khó giao sách vì không phải hàng thiết yếu
Anh Nguyễn Tuấn Bình cho biết đơn sách tăng cao, nhưng lượng sách mà anh có thể gửi tới độc giả rất ít. Số giao thành công chỉ bằng 30% lượng sách mà khách hàng đặt mua.
Anh Bình thông tin đến nay, việc giao sách trong nội đô thông qua các shipper là không thể. Các đơn vị bưu chính như Viettel Post, Vietnam Post, Giao hàng tiết kiệm… không vận chuyển sách tới các điểm cách ly, phong tỏa, chủ yếu thuộc 16 tỉnh, thành miền Nam.
Ngày 13/8, Giao hàng tiết kiệm ngừng nhận giao hàng tại Hà Nội khiến những người bán sách online như bị trói một cánh tay đưa sách tới người mua.
Khi tạo đơn hàng trên app của một đơn vị vận chuyển để gửi sách tới quận 2, TP.HCM, anh Nguyễn Tuấn Bình nhận được thông báo: “Tuyến giao đến quận 2 đang tạm ngưng do dịch bệnh Covid-19. Khu vực này chỉ tiếp nhận vận chuyển các đơn hàng thuộc danh mục nông sản / thực phẩm khô. GHTK sẽ hỗ trợ shop giao hàng nhanh và an toàn nhất. Trong trường hợp shop gửi các mặt hàng ngoài nông sản / thực phẩm khô, shop sẽ phải chịu mọi trách nhiệm và rủi ro đối với đơn giàng của mình”.
“Vận chuyển sách rất khó, do họ yêu cầu hàng thiết yếu mới được đi”, anh Bình chỉ ra nguyên nhân.
Anh Lê Bá Tân cho biết từ tháng bảy, việc giao sách gặp nhiều khó khăn. “Hiện tại, mỗi tuần tôi giao được hai lần, mỗi lần vài đơn sách. Tôi không thể gửi sách đi được. Nếu tôi mang sách ra bưu điện, người ta không nhận. Còn bưu tá hẹn mãi không chịu đến lấy sách mang đi. Có khi khách hàng trả tiền rồi mà mình không giao được, người ta nghĩ mình lừa đảo”, anh Tân nói.
Vận chuyển sách rất khó, do họ yêu cầu hàng thiết yếu mới được đi.
Anh Nguyễn Tuấn Bình
Một số người bán sách online khác chọn cách chỉ bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Chị Quỳnh Anh, người bán sách qua kênh Hiệu sách Trần Lê, cho biết từ khi dịch bùng phát lần thứ tư, đơn vị của chị khó tìm được hình thức vận chuyển sách phù hợp. Trong khi các shipper của sàn thương mại điện tử còn hoạt động, cách duy nhất là chỉ bán qua gian hàng trên sàn thương mại điện tử.
Nhưng sàn thương mại điện tử cũng chỉ vận chuyển được sách tùy tình hình dịch bệnh thực tế ở mỗi địa phương. Nơi nào bưu chính không đưa được hàng không thiết yếu vào, thì sàn thương mại điện tử cũng không đưa vào được.
Ngoài việc không thể vận chuyển do sách chưa được coi là mặt hàng thiết yếu, người bán sách qua mạng còn một cái khó nữa là thiếu nguồn cung.
Anh Nguyễn Tuấn Bình cho biết: “Các đơn vị sản xuất không chịu làm sách nữa, tôi thiếu sách để bán. Cả đầu vào lẫn đầu ra của sách đều không có. Người ta cứ bảo mùa dịch này, online như chúng tôi bán tốt, nhưng tiểu thương như chúng tôi muốn bán cũng khó”.
“Bây giờ sách phải được coi là mặt hàng thiết yếu. Nếu sách cũng thiết yếu như rau cỏ, thực phẩm thì mới được thông qua”, anh Nguyễn Tuấn Bình nói.
Với anh Lê Bá Tân, sách lúc nào cũng thiết yếu, không chỉ trong thời gian giãn cách. Bao nhiêu lợi ích, vai trò của sách với mỗi cá nhân, xã hội đều đã được nêu rõ.
Anh Tân đặt câu hỏi: “Chúng ta kêu gọi giãn cách, đóng cửa không cho mọi người ra ngoài. Giờ người ta ở trong nhà làm gì? Người ta cần sách để đọc, vậy mà sách lại không đến được”.