Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, môn Tiếng Anh có phổ điểm 2 đỉnh, nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận.
Một số chuyên gia, giáo viên cho rằng phổ điểm có hình dạng khác thường do đề thi năm nay dễ. Trong khi đó, số khác lại đánh giá phổ điểm như vậy phản ánh tình trạng khác biệt trong chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.
Thực tế, không chỉ Tiếng Anh, ở các môn khác, dù phổ điểm không có hai đỉnh, nhóm địa phương có điểm trung bình thấp thường rơi vào các tỉnh miền núi.
5 tỉnh xếp cuối môn Ngoại ngữ trong hai năm
Ở bài thi Ngoại ngữ (trong đó môn Tiếng Anh chiếm số lượng lớn), Hà Giang là địa phương xếp cuối về điểm trung bình. Con số này ở tỉnh này là 4,17, thấp hơn trung bình chung cả nước đến 1,67 điểm.
Đáng chú ý, trong số 10 địa phương có điểm trung bình Ngoại ngữ thấp nhất cả nước, 7 nơi thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên.
5 tỉnh xếp cuối (Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng) cũng là các địa phương đứng cuối ở môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Trong khi đó, nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về điểm trung bình Ngoại ngữ có những cái tên quen thuộc như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Hà Nội… Các tỉnh, thành này năm ngoái cũng nằm trong top 10 cả nước.
Năm nay, 10 tỉnh, thành đứng đầu ở môn Ngoại ngữ đều có điểm trung bình cao. Hai địa phương điểm trên 7. Các tỉnh, thành còn lại đều hơn 6,2 điểm. Mức điểm trung bình của 10 tỉnh, thành trên cao hơn mức chung cả nước từ 0,43 đến 1,39 điểm.
Cụ thể, TP.HCM dẫn đầu với điểm trung bình đạt 7,23. Bình Dương xếp thứ hai với 7,11 điểm. Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ ba với 6,74 điểm. Đứng thứ tư là Hải Phòng (6,51 điểm), thứ năm là Hà Nội (6,46).
5 vị trí còn lại trong top 10 là Nam Định (6,46), Đà Nẵng (6,45), Ninh Bình (6,36), An Giang (6,29) và Vĩnh Phúc (6,27).
Có thể thấy, 10 địa phương dẫn đầu cả nước môn Ngoại ngữ là các thành phố lớn, tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển hoặc là vùng nổi tiếng đất học.
Các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục xếp cuối ở môn Toán
Tình trạng tương tự xảy ra ở môn Toán. 5 tỉnh xếp cuối cùng là Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên. Trong danh sách 10 tỉnh có điểm trung bình môn Toán thấp nhất, 9 địa phương xếp cuối thuộc vùng núi phía Bắc. Tỉnh đứng thứ 10 từ dưới lên là Trà Vinh.
Điểm trung bình của các địa phương này nằm trong khoảng 4,92-5,96, tức thấp hơn điểm trung bình của cả nước từ 0,65 đến 1,69 điểm.
9 tỉnh miền núi phía Bắc trên cũng nằm trong nhóm 10 địa phương có điểm trung bình môn Toán thấp nhất tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Năm ngoái, một tỉnh miền núi khác cũng nằm trong nhóm “đội sổ” môn Toán là Lai Châu. Năm nay, vị trí của Lai Châu bị Trà Vinh thay thế.
Trong khi đó, danh sách địa phương có điểm trung bình môn Toán tiếp tục xuất hiện các tỉnh, thành phố lớn, kinh tế phát triển hoặc có truyền thống học hành thi cử.
Nam Định dẫn đầu với 7,42 điểm. TP.HCM đứng thứ 2 với 7,16 điểm. Bình Dương, Hà Nam xếp kế với điểm trung bình môn Toán lần lượt đạt 7,13 và 7,11. Ninh Bình đứng thứ 5 với 7,06 điểm.
Các tỉnh còn lại trong top 10 là Thái Bình (7,06), Hải Phòng (6,96), Bắc Ninh (6,96), Hà Nội (6,95), Bà Rịa – Vũng Tàu (6,95). Hà Nội cũng là cái tên duy nhất không xuất hiện trong top 10 năm ngoái. Thủ đô thay thế vị trí của Tiền Giang để đứng thứ 9 cả nước.
Hà Nam dẫn đầu về điểm thi Ngữ văn
Danh sách 10 địa phương có điểm trung bình Ngữ văn cao nhất cả nước có sự khác biệt so với hai môn Ngoại ngữ và Toán, đồng thời nhiều sự thay đổi so với năm ngoái.
Dẫn đầu cả nước là Hà Nam với điểm trung bình đạt 7,15. Năm ngoái, tỉnh này đứng thứ 7. Tỉnh đứng thứ nhất năm 2020 – An Giang – lùi xuống vị trí thứ 2 với 7,06 điểm.
Thanh Hóa vươn lên từ thứ 8 lên thứ 3, điểm trung bình đạt 7,05 trong khi Sóc Trăng giữ nguyên vị trí thứ 5 (7,03 điểm) và Vĩnh Phúc tiếp tục đứng thứ 10 (6,83 điểm).
5 cái tên mới trong top 10 năm nay là Hà Tĩnh (thứ 4 với 7,05 điểm) và 4 tỉnh lần lượt xếp từ thứ 6 đến thứ 9, gồm Nghệ An (7,02), Tiền Giang (6,97), Tây Ninh (6,9), Bạc Liêu (6,85).
Ở môn Ngữ văn, xếp cuối về điểm trung bình vẫn là cái tên quen thuộc – Hà Giang với 5,32 điểm). Các tỉnh, thành khác có điểm thấp là cuối là Đắk Nông, Đà Nẵng, Lai Châu, Phú Yên.
Nhóm 10 địa phương đứng cuối ở môn Ngữ văn còn có Khánh Hòa (5,7), Quảng Trị (5,72), Cao Bằng (5,79), Bình Định (5,89), Đồng Nai (5,9).
Bắc Ninh dẫn đầu ở môn Vật lý
Trong nhóm 10 địa phương có điểm trung bình môn Vật lý cao nhất cả nước, Phú Thọ là cái tên duy nhất không thuộc top 10 năm ngoái. Tỉnh này đứng thứ 9 với điểm trung bình đạt 6,94.
Bắc Ninh vươn lên dẫn đầu với 7,09 điểm trong khi Nam Định – “thủ khoa” năm ngoái – lùi xuống vị trí thứ 3. Vình Phúc tăng từ vị trí thứ 4 lên thứ 2, Ninh Bình từ thứ 3 xuống thứ 4. Hải Phòng lùi về vị trí thứ 10 trong khi năm 2020, thành phố này đứng thứ 5.
Thứ tự của Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh đều tăng một bậc so với năm ngoái.
Ở môn Vật lý, năm nay, đứng cuối về điểm trung bình là Cà Mau với 6,01 điểm, thấp hơn mức chung của cả nước 0,71 điểm. Kiên Giang đứng thứ 2 trong nhóm thấp với 6,06 điểm. Trà Vinh đứng thứ 3 với 6,08 điểm. Long An đứng thứ 4 với 6,12 điểm. Hậu Giang đứng thứ 5 với 6,12 điểm.
5 địa phương còn lại trong nhóm thấp nhất là Điện Biên (6,14), Sóc Trăng (6,15), Đắk Nông (6,17), Đồng Tháp (6,21) và Bà Rịa – Vũng Tàu (6,26).
Hà Nội đứng thứ 2 từ dưới lên ở môn Hóa
Vị trí của Hà Nội trong bảng xếp hạng theo điểm trung bình môn Hóa học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là 52, tức vẫn trong nhóm 10 địa phương xếp cuối về môn Hóa. Năm nay, vị trí của Hà Nội là thứ 2 từ dưới lên, điểm trung bình đạt 6,29.
Cà Mau xếp cuối với 6,2 điểm. Các địa phương khác ở trong nhóm thấp là Sóc Trăng (6,29), Kiên giang (6,31), Khánh Hòa (6,32), Bình Phước (6,36), Đắk Nông (6,36), Hà Giang (6,38), Quảng Ninh (6,39) và Bà Rịa – Vũng Tàu (6,4).
Ở nhóm điểm cao, Nam Định giữ vững vị trí thứ nhất với điểm trung bình đạt 7,17 điểm. Các tỉnh Bình Dương, Phú Thọ, Hà Nam, Tuyên Quang cũng có điểm trung bình cao hơn các địa phương khác trong cả nước (điểm cụ thể xem trên biểu đồ).
Top 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn Hóa còn có Hưng Yên (6,9), Vĩnh Phúc (6,91), Hà Tĩnh (6,92), Thừa Thiên – Huế (7) và Ninh Bình (7,01).
Vĩnh Long giữ vững vị trí số 1 ở môn Sinh
Cũng như năm 2020, Vĩnh Long là địa phương có điểm trung bình môn Sinh học cao nhất cả nước.
Những cái tên quen thuộc của top 10 là Bình Dương, Cần Thơ, Bến Tre, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Lâm Đồng. Vị trí của các địa phương này có sự thay đổi so với năm ngoái nhưng đều nằm trong top 10. Cái tên mới duy nhất là Lào Cai với 5,94 điểm. Năm 2020, địa phương này đứng thứ 11.
Trong khi đó, ở nhóm điểm thấp, Quảng Ngãi tụt từ vị trí 58 năm ngoái xuống 63 năm nay với điểm trung bình 5,031. Hà Nội tiếp tục đứng trong nhóm thấp, từ “đội sổ” năm 2020 lên thứ 2 từ dưới lên năm 2021, điểm trung bình là 5,033.
Các địa phương còn lại trong nhóm 10 tỉnh, thành có điểm trung bình môn Sinh học thấp nhất cả nước là Bắc Ninh (5,07), Hưng Yên (5,14), Nghệ An (5,16), Đà Nẵng (5,19), Thanh Hóa (5,2), Hòa Bình (5,2), Quảng Trị (5,27) và Đắk Nông (5,28).
Hà Giang có điểm trung bình Lịch sử thấp nhất
Năm nay, Hà Giang tiếp tục đứng cuối ở môn Lịch sử. Điểm trung bình của thí sinh tỉnh này đạt 4,37, thấp hơn trung bình chung cả nước 0,82 điểm.
Trong danh sách 10 địa phương “đội sổ” môn Lịch sử, 3 tỉnh, thành không nằm trong nhóm thấp nhất năm ngoái là Đà Nẵng (năm 2020, thí sinh Đà Nẵng thi tốt nghiệp đợt 2), Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Trong khi đó, Bình Dương, An Giang, Nam Định duy trì top 3 địa phương đứng đầu cả nước ở môn Lịch sử với điểm trung bình lần lượt đạt 5,77 điểm 5,75 và 5,7 điểm.
Vĩnh Phúc đứng thứ 4 với điểm trung bình 5,66. Ninh Bình đứng thứ 5 với 5,62 điểm. Hai vị trí kế tiếp thuộc về Bạc Liêu (5,67) và Phú Thọ (5,48). Các tỉnh còn lại trong top 10 điểm trung bình Lịch sử là Hà Nam (5,4), Vĩnh Long (5,3) và TP.HCM (5,27).
Hà Giang “đội sổ” môn Địa lý
Điểm trung bình môn Địa lý của thí sinh Hà Giang thấp nhất cả nước. Năm ngoái, tỉnh này cũng xếp cuối. Điểm trung bình của Hà Giang là 6,39. Quảng Ngãi đứng thứ 2 từ dưới lên với điểm trung bình 6,5. Đà Nẵng đứng thứ 3 với 6,56 điểm.
Bình Dương, Nam Định duy trì vị trí dẫn đầu như năm ngoái với điểm trung bình lần lượt là 7,52 và 7,5. Ninh Bình và An Giang hoán đổi vị trí cho nhau. Vĩnh Phúc, Vĩnh Long cũng nằm trong top 10 địa phương có điểm trung bình môn Địa lý cao nhất tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Trong khi đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, Bắc Kạn lọt vào top 10, đứng ở vị trí thứ 10. Năm ngoái, tỉnh này xếp thứ 13 cả nước.
Ngoài ra, 10 tỉnh dẫn đầu cả nước ở môn Địa lý đều có điểm trung bình từ 7 trở lên.
Ninh Bình đứng đầu ở môn Giáo dục Công dân
Với điểm trung bình lên đến 9,07, Ninh Bình dẫn đầu cả nước ở môn Giáo dục Công dân. Năm ngoái, tỉnh này cũng đứng thứ nhất với điểm trung bình 8,76.
Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bình Dương cũng có điểm trung bình Giáo dục Công dân trên 9. Các địa phương còn lại trong top 10 là Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ, Hải Phòng, Vĩnh Long, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu.
Ở môn Giáo dục Công dân, địa phương “đội sổ” là Quảng Ngãi với điểm trung bình đạt 7,53. Với 7,58 điểm, Hà Giang xếp thứ 2 từ dưới lên. Xếp kế tiếp là Phú Yên, Quảng Nam với điểm lần lượt đạt 7,69 và 7,79 điểm.
Quảng Trị xếp thứ 5 trong nhóm điểm thấp với 7,86, Ninh Thuận xếp thứ 6 với 8,87 điểm. Các địa phương còn lại trong nhóm 10 tỉnh, thành có điểm trung bình Giáo dục Công dân thấp nhất là Đắk Lắk (7,89), Cao Bằng (7,96), Đắk Nông (8) và Đà Nẵng (8,01). Giáo dục Công dân là môn duy nhất là điểm trung bình tất cả tỉnh, thành đều trên 7.