Phổ điểm môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 xuất hiện 2 đỉnh, khác hẳn phổ điểm thường thấy ở các môn thi.
Cụ thể, một đỉnh của phổ điểm Tiếng Anh nằm ở mức điểm 4 với hơn 29.500 bài thi, chiếm 3,4%. Đỉnh thứ 2 nằm ở mức điểm 9 với 24.471 bài thi, chiếm 2,82% tổng số bài thi.
Trong khi đó, phổ điểm Tiếng Anh các năm trước hay phổ điểm các môn khác năm nay thường theo hình chuông.
Phổ điểm Tiếng Anh có hai đỉnh. Ảnh: N.S. |
Phân tích phổ điểm theo vùng miền
Trước băn khoăn của dư luận, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&DT, cho hay bộ đã phân tích chi tiết phổ điểm môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo đó, phổ điểm chung của cả nước đối với môn thi này xuất hiện 2 đỉnh và dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn.
Ông nói thêm phổ điểm môn Tiếng Anh của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm Tiếng Anh của một số tỉnh thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn Ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
“Để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn tiếng Anh, chúng tôi đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi”, ông Trinh cho hay.
Cụ thể, đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… đặc biệt 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em phải học trực tuyến khiến việc học Ngoại ngữ bằng hình thức này có những thiệt thòi nhất định. Kết quả phân tích phổ điểm của nhóm thí sinh thuộc vùng miền này cho thấy điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn.
Tương tự, phân tích với nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn, kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn.
Theo ông Trinh việc phân tích như vậy cho thấy đề thi môn Tiếng Anh năm nay phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Ông nói thêm chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông thời gian gần đây đang được chú trọng, đầu tư hơn. Xu hướng đổi mới dạy học Ngoại ngữ thu hút nhiều học sinh đầu tư vào học Tiếng Anh. Số lượng học sinh dùng điểm môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều, trong đó có cả trường tốp cao.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh phấn đấu để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ uy tín để sử dụng tuyển sinh trong nước và du học nước ngoài. Điều này dẫn đến có nhiều học sinh đạt kết quả cao môn Ngoại ngữ trong kỳ thi năm nay.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng phổ điểm cho thấy đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi là tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Chênh lệch giữa điểm thi và học bạ được thu hẹp
Ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng nhìn một cách khái quát, phổ điểm của phần lớn môn thi trong đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản gần với phân bố chuẩn.
Ông đánh giá so với năm 2020, các thông số thống kê cơ bản của các phổ điểm thi năm nay không thay đổi nhiều. Điều này nói lên kỳ thi cơ bản ổn định.
Ông nhận định khi đi sâu vào phân tích phổ điểm của từng địa phương, vùng miền, kết quả cho thấy điểm thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học của các địa phương, vùng miền.
Cụ thể, những địa phương, vùng miền có truyền thống học tập, điều kiện dạy học tốt, kết quả thi cao hơn. Các địa phương, vùng miền có điều kiện khó khăn hơn, kết quả học tập thể hiện qua kết quả điểm thi cũng thấp hơn.
Ông Trinh thông tin thêm năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với điểm học bạ lớp 12 của thí sinh. Kết quả vẫn có sự chênh lệch. Tuy nhiên, so với năm 2020, sự chênh lệch giữa kết quả điểm thi và điểm học bạ đã được thu hẹp.
“Ở một số môn của một số điạ phương, kết quả học tập thể hiện trong học bạ khá sát với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học của các địa phương đã có tiến bộ”, ông Trinh cho hay.
Trái ngược với nhận định của ông Mai Văn Trinh, cô Bùi Nguyễn Hương Giang (trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng phổ điểm có hình dạng ‘bất thường’ bắt nguồn từ đề thi năm nay dễ. Cô cũng đánh giá việc số lượng điểm 10, điểm trung bình Tiếng Anh tăng chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng. Cô lo ngại đề thi dễ, thiếu tính phân hóa sẽ khó để phản ánh thực lực thí sinh.
Trong khi đó, cô Nguyễn Phương Nhung (trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước) và ông Phạm Thái Sơn (Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) đánh giá phổ điểm Tiếng Anh hai đỉnh gây khó khăn cho công tác xét tuyển, xác định điểm chuẩn.