Dòng máu khôn ngoan là hiện thực về bầu không khí ngột ngạt sau Thế chiến thứ hai. Tác giả Flannery O’Connor đã hướng văn nghiệp của mình đến một tiếng thét mà có thể được định nghĩa bằng sự hòa trộn giữa óc quan sát tinh tế trong trải nghiệm cá nhân.
Các tác phẩm của Flanney O’Connor, ngay từ những tập truyện ngắn đến tiểu thuyết đầu tay như Dòng máu khôn ngoan, luôn ẩn chứa những dư vị lạnh lùng. Giới phê bình thường đánh giá bà có lối viết mang tính nghịch dị.
Với cuốn tiểu thuyết đầu tay này, Flannery O’Connor đã cho người đọc thấy thật ra sự đối nghịch ấy, đến từ nhân tình thế thái. Nó thuộc về phạm trù của ý thức hệ, là thuộc tính, lõi trung tâm. Do đó, nó không hẳn là cách viết, lối sắp xếp, mà nó có thực.
Tác phẩm mới được phát hành tiếng Việt qua bản dịch của Nguyễn Nguyên Phước.
Tiểu thuyết Dòng máu khôn ngoan của Flanney O’Connor do Phanbook phát hành tại Việt Nam. Ảnh: Nestabook. |
Những ám ảnh ngầm
Nhân vật chính của Dòng máu khôn ngoan là Hazel Motes – một người quằn quại giữa những niềm tin và liệu có nên hay không giữ vững đức tin ấy. Cũng như các tác phẩm khác của bà, yếu tố tôn giáo đóng vai trò chủ chốt và là cái vỏ để nội tâm nhân vật được lột xác hiển hiện.
Trong cuốn sách này, đó là những năm chiến tranh khiến con người mang sự chuyển biến. Sinh ra trong một gia đình mộ đạo có ông là một mục sư kinh lý và mẹ là người khắc nghiệt, việc giữ vững đức tin trong Haze dường như là điều hiển nhiên.
Thế nhưng, ngay khi trở về từ trong cuộc chiến với những vết thương, vỏ đạn hay những sa mạc trải dài lãng quên, cái xấu xa đã chiếm lấy anh và cất tiếng nói.
Trên con tàu về lại Melsy, nơi căn nhà anh từng cư ngụ, khoảnh khắc lộn ngược trở về quá khứ ở nơi hội chợ với người phụ nữ nõn nà nằm yên bất động để những người đàn ông săm soi đã trở thành điểm khởi đầu cho cơn bùng phát của trạng thái chênh vênh đức tin đang trên đà sụp đổ.
Việc mặc bộ vest mới mua màu xanh, sơn lại chiếc giày thời chiến hay sắm cái mũ có vẻ dữ tợn dường như là những mong muốn được về làm lại từ đầu.
Như thể khi gặp một ả lẳng lơ, anh đã nói rằng: “Nếu chị mà được cứu chuộc, tôi sẽ không đời nào muốn được cứu chuộc nữa”. Điều đó hoàn toàn giống như Haze từng muốn bắn vào chân để anh không thể sa vào cám dỗ thời chiến.
Thế nhưng, ngay khi về lại nhà cũ đã nhuốm màu hoang tàn cùng những mất mát ở trong chiến tranh, anh trở nên khắc nghiệt và đầy cay đắng.
Bị ám ảnh bởi cỗ quan tài của người ông, của hai đứa em, của mẹ và rồi của cả chính mình, khoảng không ngột ngạt trên chiếc giường tầng nơi con tàu đưa anh về từ vùng chiến địa, anh quay quắt và thêm lần nữa men bờ vực thẳm.
Nhà văn người Mỹ Flannery O’Connor. Ảnh: The New Yorker. |
Sự vật lộn của đức tin, lương tâm
Hành động đi tìm nhà thổ, nơi mụ Watts hay bám sát gót tay mục sư già Hawks, đã cho ta thấy một sự phân rã từ trong đức tin.
Từ những căm phẫn ở trong đời sống, Haze tự mình buông bỏ và chuyển hẳn sang thế đối đầu. Anh tự lập ra một giáo phái khác không có nhân vật đại diện, anh thách thức những giáo lý đương thời, và hơn hết, anh bất cần, đầy cô độc.
Quá trình chuyển tiếp trong con người anh như một đồ thị sin – cos, lúc lên lúc xuống đối xứng vào nhau. Anh từng hy vọng vào điều gì đó trước lúc thời chiến, nhưng rồi phá bỏ lúc ngay trở về. Anh nghi ngại và muốn kiểm soát chính quá trình này, nhưng rồi cuối cùng thì cũng nhận ra, anh không có gì ngoài sự ngây thơ với một cuộc đời tự nó nắm thế chủ động.
Song song với Haze, Flanney O’Connor cũng xây dựng đồng thời các nhân vật quanh anh như những chỉ dấu cho các mẫu điển hình trong thời đại này. Nếu Enoch Emery có phần yếm thế và chỉ tin theo dòng máu y tự cho rằng hẳn là khôn ngoan, thì Haze bất cần và lão Hawks thì ranh ma.
Mỗi một nhân vật đóng thế chủ chốt cho một bản dạng, để thông qua đó ta có một bức tranh rộng hơn về từng nhánh sông nay đã tách dòng.
Enoch với sự bừng tỉnh khi biết mình muốn làm gì là bước đột biến trong đời sống của gã, nếu xét đối với một người sùng bái vạn vật và luôn vô hình trước mọi chuyển động.
Trong một xã hội mà “những gì họ muốn làm là xô ngã chúng ta”, việc nhập vai mình vào nhân vật điện ảnh chú khỉ Gonga đã cho ta thấy những gì sau rốt Enoch vẫn mong muốn. Với một tạo hình ngay từ ban đầu làm cho bọn trẻ lo sợ ở rạp chiếu phim, nhưng ngay sau đó chúng lại yêu mến và muốn lại gần, Enoch khát khao một sự hiển hiện, khoảnh khắc tự do và đồng cảm.
Anh bị đuổi đi khi mới 18 tuổi. Trung tâm thành phố nơi anh đang sống khiến anh vô hình, và lẽ đương nhiên, tất cả điều anh cần là sự ghi nhận.
Lão Hawks khôn ngoan hơn thế. Có thể lão ta là sự báng bổ đối với những người giữ vững đức tin nhưng ở một mặt nào đó, ông ta có tất cả bởi lẽ chẳng tin vào điều gì cả.
Do không thể phủ nhận ngay sau khi giết chết Nhà Tiên Tri giả và bị cảnh sát đẩy xe xuống vực, trong Haze là sự nhận thức tất cả những gì báo ứng anh đã gây nên.
Bằng sự truy nguyên từ trong đức tin, anh muốn làm sạch bản thân, anh muốn mình mù để chính khi đấy sẽ nhìn được nhiều hơn. Anh tự trừng phạt bản thân như lúc nhỏ, với giày ngập tràn đá dăm, mảnh thủy tinh vỡ. Anh ăn ít hơn và ho nhiều hơn. Anh tự siết mình bằng dây thép gai…
Tất cả bằng chứng ấy cho thấy một người không còn đường thoát. Anh đã tin và rồi thất vọng. Anh liên tục thử, sửa sai, nhưng rồi mọi chuyện vẫn như thế.
Anh đã như thế, kiềm giữ, tự trừng phạt mình để cho bản thân trở nên sạch sẽ. Nhưng sau cùng, không có gì và không còn ai, chỉ là cái chết cô độc dang tay chờ đón.
Sâu sắc, lạnh lùng mà đầy dẫn dụ, Dòng máu khôn ngoan là một hành trình vặn xoắn để tìm về bản ngã để thấy tiếng nói bên trong.