Hà Diệu Trang (sinh năm 1997) là cựu sinh viên của Học viện Bách khoa Worcester (bang Massachussets, Mỹ). Xuất phát điểm là dân chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trang rẽ hướng sang chọn ngành Công nghệ thông tin vì muốn thử thách bản thân ở lĩnh vực vốn không phải thế mạnh.
Hà Diệu Trang (sinh năm 1997) là cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. |
Hành trình xuất phát từ con số 0
“Đó là một quyết định khá liều lĩnh vì với em, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0. Khi nghe 2 người em họ kể về môi trường làm việc của dân kỹ thuật, em thấy tò mò với việc lập trình. Vì thế, em đã đặt thêm nguyện vọng vào ngôi trường này bên cạnh hồ sơ “apply” vào các ngôi trường khác mang thiên hướng xã hội”.
Mặc dù bộ hồ sơ của Trang không có bất kỳ giải thưởng, hoạt động ngoại khóa nào liên quan đến lĩnh vực khoa học máy tính, thậm chí Trang còn “mới toanh” về những kiến thức nền tảng của ngành học này, điều bất ngờ, nữ sinh Hà Nội lại nhận được thư chấp thuận từ trường với mức học bổng hấp dẫn.
“Có lẽ, nhà trường quan tâm đến tiềm năng phát triển của ứng viên hơn là các giải thưởng, thành tích. Và cũng có thể, trường nhận thấy ở em là một người sẵn sàng học hỏi, dám bứt phá khỏi những lối mòn”.
Điều này đã được Trang thể hiện rõ trong bài luận.
“Khi mang thai em, mẹ từng đi siêu âm 3 lần và đều là con trai. Nhưng lúc sinh ra, em lại là con gái.
Suốt khoảng thời gian cấp 1, cấp 2, tính cách em giống hệt con trai. Em rất nghịch ngợm, thích đá bóng. Nhưng mẹ không thích điều này vì muốn con gái phải dịu dàng, nữ tính. Vì thế, mẹ cho em đi học múa ba lê, dù em phản đối kịch liệt.
Một lần, trong trận chung kết bóng đá ở trường tiểu học, ở phút thứ 89, nhờ kỹ năng rướn và xoay người khi học múa ba lê, em đã ghi bàn và đó cũng là bàn thắng duy nhất trong suốt cả trận đấu. Điều ấy đã giúp em nhận ra, mình không nên mang định kiến, phân tách rõ ràng con trai hay con gái chỉ được làm điều gì. Nhờ vậy, em luôn giữ tâm thế sẵn sàng học hỏi và thử mọi thứ, miễn điều đó là tốt nhất cho bản thân”.
Nhận được thư báo trúng tuyển của hơn 10 trường, nhưng Diệu Trang quyết định chọn theo học tại Học viện Bách khoa Worcester vì nghĩ “đó là một cái duyên”.
Vì thế, trước khi sang Mỹ, Trang đã dành suốt 2 tháng hè để đọc tài liệu và tự học các kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin.
Dù vậy khi sang Mỹ, Diệu Trang vẫn không khỏi “choáng ngợp”.
“Số lượng con gái theo học ngành này khá ít. Thậm chí, ở một số môn học, em còn là bạn nữ duy nhất trong lớp. Dù vậy, các thầy cô vẫn coi sinh viên giống như nhau, không có bất kỳ sự ưu ái đặc biệt nào với nữ giới”.
Để đuổi kịp các bạn nam trong lớp, vốn đã có nền tảng từ khá sớm, thậm chí không ít bạn còn có nhiều giải thưởng liên quan đến lập trình, Trang thường xuyên phải “cày” đêm để luyện bài tập.
Nhiều lần, nữ sinh phải “học trong nước mắt” vì mất cả ngày mới hoàn thành bài tập, trong khi các bạn khác chỉ cần 30 phút đã làm xong.
“Không còn cách nào khác, em buộc mình phải đầu tư nhiều thời gian hơn. Gần như em không bỏ qua bất cứ buổi học nào trong lớp mở đầu, làm quen dù với các bạn khác, những nội dung đó có thể không cần thiết”.
Nhờ những nỗ lực ấy, sau 4 năm học, Diệu Trang đạt điểm GPA toàn khóa là 3.91/4.0, nằm trong top sinh viên có điểm tổng kết cao nhất trường.
Hà Diệu Trang cùng bố mẹ và người thân trong ngày tốt nghiệp tại Mỹ |
Không muốn an phận ở những công việc nhàn hạ
Từ năm thứ 2, Diệu Trang bắt đầu tìm kiếm cơ hội làm việc ở các công ty công nghệ. Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng và thành tích học tập tốt, đến năm thứ 3, nữ sinh nhận được một lời đề nghị thực tập dài hạn rất hấp dẫn từ PayPal, công ty nổi tiếng thế giới về ví điện tử.
Hà Diệu Trang đã có 5 năm học tập và làm việc tại Mỹ. |
Trải qua 8 tháng làm việc, Trang nhận thấy công việc ở đây khá thuận lợi, vừa sức mà mức lương lại rất hấp dẫn. Nếu Trang muốn gắn bó lâu dài, công ty cũng sẵn sàng hỗ trợ visa để nhân viên được ở lại Mỹ làm việc.
“Thực tế, việc ‘apply’ vào các công ty công nghệ ở Mỹ rất khó khăn và khắc nghiệt. Đặc biệt với du học sinh, điều này càng khó do nhiều công ty thẳng thắn từ chối vì họ không thể hỗ trợ cấp thị thực cho ứng viên quốc tế. Do đó, đây là cơ hội thực sự tốt với em”.
Nhưng điều làm Trang băn khoăn sau một thời gian làm việc là những công việc được công ty giao thường lặp đi lặp lại một công đoạn, không cần nhiều khả năng tư duy và thử thách vì phần lớn khung kiến trúc kỹ thuật đã được hoàn thiện từ trước đó.
“Mỗi ngày làm việc 8 tiếng, nhưng công việc đó không khiến em cảm giác thỏa mãn. Thi thoảng, em nhìn sang những người bạn cấp 3 của mình, khá năng động và được trải nghiệm nhiều thứ, thậm chí có bạn còn thành lập công ty khởi nghiệp. Trong khi đó, nếu như ở tuổi 20, em đã chấp nhận công việc không mấy thử thách và an phận, em cảm giác mình luôn sống trong trạng thái thấp thỏm vì dường như đang bỏ lỡ một thứ gì đó”.
Vì thế, sau khi kì thực tập kết thúc, Diệu Trang quyết định không tiếp tục làm việc toàn thời gian ở PayPal để chuyển sang làm tại một công ty khởi nghiệp về thiết bị kiểm soát độ an toàn cho tài xế điều khiển phương tiện giao thông thông qua app trên điện thoại.
Diệu Trang và đồng nghiệp ở PayPal… |
“Khá nhiều người đã can ngăn em, cho rằng em hơi ‘dư thừa năng lượng’ khi lựa chọn làm ở đây, vì làm trong công ty khởi nghiệp, việc rất nhiều mà không có gì chắc chắn cả. Dù vậy, em vẫn khá thích thú khi được thử sức với nhiều thứ mới và được cống hiến hết khả năng của bản thân”.
Công việc này đã được Trang duy trì đến thời điểm hiện tại. Mặc dù khá vất vả vì “việc ập tới liên tục”, cô gái sinh năm 1997 vẫn hài lòng với sự lựa chọn của mình.
… Và ở công ty mới. |
“Em nghĩ điều quan trọng nhất là tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình. Khi mình có trải nghiệm đủ nhiều và dày dặn kinh nghiệm, các công ty lớn cũng sẽ sẵn sàng chào đón mình”, Diệu Trang nói.