Bước vào cấp 2, Vương Minh Quang (TP.HCM) bắt đầu nghĩ về du học. Lúc ấy, đó chỉ là suy nghĩ mơ hồ. Mãi đến năm 9, nghe một bạn đang du học rồi kể lại quá trình học tập ở nước ngoài, em mới hứng thú và xác định Mỹ là đích đến.
Dù vậy, phải đến hè lớp 11, Minh Quang mới thực sự quyết tâm du học. Khởi đầu này tương đối muộn.
Vương Minh Quang bắt đầu chuẩn bị hồ sơ du học khá muộn. Ảnh: V.M.Q. |
Trưởng thành từ quá trình tìm kiếm cơ hội du học
Tháng 7/2019, Vương Minh Quang bắt đầu ôn tập cho bài thi chuẩn hóa. Tháng 3/2020, nam sinh luyện thi IELTS. Thời điểm đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Quang không thể đăng ký thi để lấy kinh nghiệm.
Em quyết định dừng hẳn việc ôn SAT để tập trung vào IELTS. Minh Quang luyện đề liên tục với tần suất trung bình một đề/ngày, chủ yếu để có thời gian đọc lại, nghiền ngẫm lỗi sai của mình.
Nhờ vậy, em tăng điểm ở kỹ năng nghe và đọc. Nhưng do ít có cơ hội tiếp xúc với giáo viên và việc giao tiếp qua mạng gặp nhiều cản trở, em chưa luyện tốt kỹ năng nói và viết. Dù vậy, ngay trong lần đầu tiên thi IELTS được mở lại sau dịch, Minh Quang đăng ký và đạt 7.5 – số điểm không cao nhưng nam sinh hài lòng vì nó xứng đáng với công sức em bỏ ra.
Tương tự, khi luyện thi SAT, Minh Quang cũng dành thời gian để suy ngẫm về lỗi sai. Việc luyện đề liên tục rất mệt mỏi, nhàm chán. Nhưng em may mắn khi có bạn bè bên cạnh, tranh thủ lúc trống tiết hoặc giờ ra chơi để hỗ trợ nhau về kiến thức, tinh thần. Nam sinh trường chuyên Trần Đại Nghĩa đạt SAT 1450 (Đọc 660, Toán 790).
Nhìn lại quá trình nỗ lực để thực hiện ước mơ du học, Vương Minh Quang tự nhận hồ sơ của em không mạnh về mặt học thuật, bảng điểm nằm ở tầm trung, điểm IELTS, SAT không cao. Bên cạnh đó, em có ít kinh nghiệm tham gia nghiên cứu.
Tuy nhiên, Minh Quang cũng có lợi thế nhất định. Nam sinh cho rằng bản thân may mắn hơn khi ở Việt Nam, tình hình dịch không quá căng thẳng như vậy. Nhờ đó, em dễ tham gia hoạt động ngoại khóa hơn so với các ứng viên ở nước khác.
Ngoài ra, Minh Quang cũng gặp nhiều người đi trước giỏi giang, giàu kinh nghiệm để học hỏi.
“Em cũng có mối quan hệ rất tốt với thầy cô trong trường. Điều này giúp em rất nhiều khi xin thư giới thiệu. Và cũng nhờ xin thư giới thiệu, em lại tăng thêm mối quan hệ với thầy cô”, Minh Quang nói thêm về thuận lợi của em khi làm hồ sơ du học.
Quá trình ứng tuyển vào các đại học ở Mỹ không chỉ là những nỗ lực hoàn thiện hồ sơ mà còn là dịp để Minh Quang trưởng thành hơn.
Em nhận sự giúp đỡ từ những người bạn tốt, giỏi giang, học hỏi từ câu chuyện của họ. Nam sinh cũng chủ động hơn trong liên hệ giáo viên, cập nhật thông tin, viết thư hỏi trường, làm hồ sơ kinh tế.
Thậm chí, để tiện việc liên lạc với trường khác múi giờ, Quang thay đổi thời gian biểu của mình – ngủ lúc 21h và dậy lúc 3h. Em cố gắng tham gia đầy đủ các buổi gặp mặt online do trường tổ chức dù tổ chức lúc 2h sáng.
Quang học cách tiết chế tính lơ là. Em tiếp tục hoạt động ngoại khóa, nỗ lực hoàn thiện hồ sơ kể cả khi đã nộp đơn ứng tuyển. Minh Quang ghi danh vào đội tuyển Anh của trường, giành thêm giải ba Tiếng Anh không chuyên cấp thành phố.
Em chủ động viết thư bày tỏ mong muốn theo học khi hồ sơ tuyển sinh sớm của em bị đẩy về đợt xét tuyển thường, thư xin thêm hỗ trợ tài chính cho những trường cấp học bổng thấp.
Nhờ sự chủ động đó, nam sinh trường chuyên Trần Đại Nghĩa xin thêm được 2.500 USD/năm từ trường Stevens và “chuyển bại thành thắng” ở trường Fordham và Worcester.
Ngoài ra, quá trình thực hiện giấc mơ du học cũng là cơ hội để Vương Minh Quang suy ngẫm nhiều hơn. Nam sinh ấn tượng nhất với câu hỏi ngắn 100 ký tự của Rochester – “How do you hope to ‘do good’ in the world?”.
“100 ký tự là quá ngắn để nói kế hoạch tương lai hay triết lý nào đó. Bài luận thực sự khiến em nhìn nhận nhân sinh quan và thế giới một cách kỹ càng. Cuối cùng, em quyết định viết em sẽ giúp mọi người làm chính mình. Dù em không trúng tuyển Rochester, câu hỏi của trường làm em suy ngẫm không dứt”, Quang tâm sự.
Trúng tuyển 15 trong số 25 trường nộp hồ sơ, Minh Quang được 9 trường trao học bổng. Ảnh: V.M.Q. |
9/15 trường trao học bổng
Rochester là một trong số 6 trường mà Vương Minh Quang không thể thành công thuyết phục ban tuyển sinh.
Minh Quang nộp hồ sơ vào 25 trường. Trong đó, em đặt ĐH Michigan là thứ hạng cao nhất dù không có khả năng chi trả chi phí quá cao của trường. Em không hy vọng nhiều, chỉ muốn thử xem mình có thể đi xa tới đâu.
Thế nhưng, kết quả thực sự bất ngờ – Minh Quang trúng tuyển. Em nhận thư từ ĐH Michigan – Ann Arbor khi đa số trường đã có kết quả tuyển sinh sớm và Quang nhận khá nhiều thư từ chối từ những trường mình mơ ước.
Ở thời điểm nam sinh không còn nhiều hy vọng, lá thư chấp nhận này giúp em khẳng định lại giá trị của bản thân, đỡ mặc cảm, tự tin hơn.
Ngoài ra, Vương Minh Quang còn trúng tuyển vào các trường ĐH Florida, ĐH Boston, ĐH Depauw (học bổng 42.500 USD/năm), ĐH Rutgers – New Brunswick 10.000 USD/năm), ĐH Massachusetts tại Amherst (16.000 USD/năm), Viện Bách khoa Worcester (29.930 USD/năm), ĐH Fordham (20.000 USD/năm), ĐH Minnesota – Twin Cities (15.000 USD/năm), ĐH Texas A&M, Viện Công nghệ Stevens (22.500 USD/năm), ĐH Utah, ĐH bang Arizona (15.500 USD/năm), ĐH Illinois, ĐH Houston (24.00 USD/năm).
Nhận thư trúng tuyển từ 15 trường, Vương Minh Quang cho biết chọn trường là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất. Trường tốt thì học phí đắt đỏ, trường đồng ý hỗ trợ tài chính nhiều lại nằm ở tầm thấp. Nam sinh phải “cân đong đo đếm” giữa đồng tiền và giá trị của trường.
Cuối cùng, Minh Quang quyết định chọn theo học ngành Hóa học tại ĐH Massachusetts ở Amherst.
Nam sinh lý giải ở trường này, em được tham dự chương trình vinh dự (honor college), tức trường sẽ cho em ưu tiên nhất định, trong đó có việc thực tập, tư vấn chọn ngành.
Hơn nữa, ĐH Massachusetts có chương trình hợp tác với các trường trong bang như ĐH Harvard, ĐH Boston, MIT. Đây là cơ hội rất tốt cho em.
Ngoài ra, quy mô trường khá nhỏ. Người học có thể làm quen với giáo sư dễ hơn. Học phí cũng ở mức ổn, khoảng 38.000 USD/năm sau khi trừ học bổng.
Quang quyết định chọn ngành Hóa vì đây là môn tự nhiên em thích và học tốt nhất thời THPT. Nam sinh cũng hứng thú với việc tìm hiểu cội nguồn các hóa chất, đặc biệt lĩnh vực hóa kim loại, hóa công nghiệp và hóa môi trường.
Trước ngưỡng cửa đại học, Vương Minh Quang hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để em thuận lợi sang Mỹ học, bắt đầu chặng đường dài hơi hơn.
Nam sinh mong đợi ở môi trường mới, em có thể tạo mối quan hệ tốt với nhiều giáo sư, mở rộng network của bản thân.
“Từ quá trình làm hồ sơ, xin giới thiệu từ giáo viên, em nhận thấy thầy cô là nguồn kiến thức, đồng thời là cơ hội vô tận mà học sinh có thể góp góp nhặt để phát triển trong tương lai”, chàng trai 18 tuổi chia sẻ.