Cũng như bao sinh viên Việt Nam khác học tập trên quốc đảo, tôi tìm đến Marta Rojas với mong muốn được chính tai nghe những câu chuyện bà kể về Việt Nam và cuộc gặp gỡ với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tôi gặp bà lần đầu vào năm 2016 tại tòa soạn báo Granma (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba), khi ấy bà gần bước sang tuổi 90. Sự thân thiện, cởi mở và nụ cười gần như không bao giờ tắt trên môi của Marta đưa tôi đến gặp bà nhiều lần hơn nữa.
Suốt những năm 1960-1970, nơi bà từng đặt chân đến, những con người bà từng gặp ở Việt Nam đều trở thành đề tài trong hàng trăm tác phẩm xuất sắc, từ báo chí, phóng sự đến truyện ký.
Marta là nữ phóng viên có khoảng thời gian tác nghiệp lâu tại chiến trường miền Nam vào giai đoạn ác liệt, để rồi sau đó tác phẩm của bà gắn bó với Việt Nam trong suốt hơn 60 năm làm báo.
Là nhà báo nước ngoài cuối cùng phỏng vấn Bác Hồ trước khi Người ra đi, bà chia sẻ với tôi hồi ức đẹp về lần gặp gỡ đáng giá nghìn vàng đó.
Hành trình 13 lần sang Việt Nam của Marta Rojas
– Bà đã đến Việt Nam bao nhiêu lần và qua những con đường nào?
– Tôi đến Việt Nam với vai trò là phóng viên thường trú của tờ báo Revolución và sau đó là Granma. Lần đầu tiên là năm 1965. Sau đó, tôi được cử đi với vai trò thành viên của Ủy ban Đoàn kết Cuba – Việt Nam. Tổng cộng, tôi đặt chân đến Việt Nam 13 lần, từ năm 1965 đến 1975. Có lẽ tôi cần một lần ngồi ghi chép lại để thống kê hết số lần sang Việt Nam, nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi nhớ là 13 lần, vầ lần lâu nhất tôi ở lại đó 3 tháng liền.
Có khi tôi đi theo diện biệt phái, có lúc lại đồng hành cùng lãnh tụ Fidel Castro và có một lần tôi đi cùng đoàn làm phim của Santiago Álvarez để phục vụ cho công tác quay phim tài liệu của đoàn.
– Bà là nữ nhà báo Mỹ Latinh đầu tiên và cuối cùng đặt chân đến chiến trường miền Nam. Sức mạnh nào đã khiến một phụ nữ nhỏ bé như bà có đủ dũng cảm ấy?
– Khi tôi còn học tiểu học, điều đầu tiên mà tôi nghe về đất nước Việt Nam là qua cuốn sách Tuổi vàng của anh hùng dân tộc José Martí, trong đó có bài Một cuộc dạo chơi trên mảnh đất An Nam. Nhờ đó, tôi có được cái nhìn đầu tiên về đất nước này, tinh thần đấu tranh của những con người sống nhờ trồng trọt và chăn nuôi.
Đến năm 1954 khi bắt đầu làm nghề, cuộc chiến giữa Việt Nam và các cường quốc mạnh là những thông tin tôi nghe nhiều nhất trên đài báo lúc bấy giờ. Năm 1963, Ủy ban Đoàn kết Cuba – Việt Nam được thành lập dưới sự chỉ đạo của Fidel Castro và do nữ anh hùng Melba Hernández làm Chủ tịch. Melba mời tôi cộng tác với tổ chức, chịu trách nhiệm làm thông tin và truyền thông.
Tôi đề nghị với Melba rằng tôi muốn làm một cộng tác viên thực thụ, chuyên sâu hơn. Cứ thế, ý tưởng sang Việt Nam được vạch ra và trở thành hiện thực. Nếu bạn hỏi tôi có sợ không, câu trả lời của tôi là có. Là một phụ nữ, tôi sợ bom đạn chứ, sợ cô đơn chứ. Nhưng nếu lựa chọn giữa “sợ hãi” và “có dám” đi không, thì tôi chọn “dám”.
Marta Rojas luôn cất giữ những hình ảnh tư liệu quý về Việt Nam. Ảnh: Gabriel Ruso. |
“Bác ‘phỏng vấn’ tôi còn nhiều hơn tôi phỏng vấn Bác”
– Là nhà báo nước ngoài cuối cùng có cơ hội được phỏng vấn lãnh tụ Hồ Chí Minh trước khi Người ra đi, bà có thể kể rõ hơn về lần gặp gỡ đó?
– Đối với tôi, được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cơ hội nghìn vàng. Kết thúc bài phỏng vấn, tôi không thể ngờ rằng mình lại là nhà báo quốc tế cuối cùng cơ cơ hội trò chuyện với Bác. Những ấn tượng về ngày hôm đó, dù đã trải qua năm thập niên, tôi vẫn không thể nào quên.
Đến Hà Nội, người đón tiếp tôi đầu tiên là Tổng biên tập báo Nhân Dân – Hoàng Tùng. Anh kể với tôi rằng hàng sáng, việc đầu tiên mà anh làm là đến gặp Bác để bàn về những vấn đề phát triển báo Nhân Dân.
Vừa gặp tôi, Hoàng Tùng đã nói: “Tôi biết chị cần gì rồi, để tôi sắp xếp nhé”. Anh không khẳng định với tôi rằng tôi có thể gặp Bác hay không. Hai ngày sau, một thông tin tốt lành đến với tôi: “Sáng mai 6h30, tôi sẽ đến khách sạn Thống Nhất đón chị để đi gặp Chủ tịch”. Thế là tôi đi cùng Hoàng Tùng và một anh phiên dịch viên người Việt.
Đúng 7 giờ sáng 12/7/1969, chúng tôi có mặt ở Phủ Chủ tịch. Bác Hồ xuất hiện trong bộ trang phục pijama màu trắng. Bước đi chậm rãi đến gần tôi. Bác chào tôi bằng một câu tiếng Tây Ban Nha: “Buenos días. ¿Cómo está?” (tạm dịch: Chào buổi sáng. Chị có khỏe không?). Một âm điệu chuẩn Tây Ban Nha! Tôi bị kích thích vô cùng.
Tiếp đến, Bác hỏi tôi: “Đồng chí Fidel có khỏe không? Tôi thực sự rất thích những bài phát biểu của đồng chí ấy”.
Hôm đó tôi không hề mang máy ghi âm, cũng không có anh thợ ảnh nào đi cùng, chỉ có một cuốn sổ nhỏ và một cây bút chì mà Hoàng Tùng đưa cho tôi.
Bác rất nhẹ nhàng bày tỏ lòng xin lỗi khi lần trước đã không sắp xếp được thời gian để gặp tôi. Bác nói lần đó Bác nợ tôi. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Nhưng thực tế, thời gian Bác “phỏng vấn” tôi có vẻ còn nhiều hơn thời gian tôi phỏng vấn Bác.
– Vậy bà còn nhớ Người đã hỏi bà những câu gì không?
– Gần như tất cả tôi đều nhớ. Bác hỏi tôi tại sao một phụ nữ lại dám cả gan lặn lội từ bên tây bán cầu sang tận một vùng đang có chiến tranh. Nghe kể thì Bác biết những địa điểm tôi từng đặt chân qua, ở mỗi địa điểm đó Bác đều hỏi tôi tình hình người dân sống ra sao, trông họ có khổ không, họ ăn gì…
Sau đó, Bác hỏi thăm tôi tình hình tại khu Vĩnh Linh, nơi bị tàn phá nặng nề nhất bởi bom đạn ở chiến trường miền Nam. Người hỏi tôi về từ đâu bởi chính tôi là nhân chứng sống cho những trận bom đạn khói lửa chứa đầy những chất độc hóa học ấy. Tôi trả lời rằng, trên vùng Vĩnh Linh, đồng ruộng tràn ngập một màu xanh mát và lúa gạo được gieo trồng theo vụ ngay tại chính những hố bom trước đó, nguồn nước tưới tiêu đã đủ đầy cho việc đánh bắt cá và trồng trọt hoa màu.
Cuộc trò chuyện diễn ra thân mật trong suốt 2 giờ đồng hồ. Tôi nhận thấy Bác đang có vấn đề về sức khỏe. Có lẽ vì thế mà Hoàng Tùng báo tôi không được cho phóng viên ảnh đi theo. Thay vào đó, người chụp ảnh cho bài phỏng vấn của tôi là một chiến sĩ quân đội đã được sắp xếp sẵn ở đó. Bác cũng là người rất cẩn thận, phỏng vấn xong Bác tự mình chọn ảnh, lựa ra một tấm và tặng tôi, Bác còn ký tặng và dặn dò tôi rằng đây sẽ là tấm ảnh cho bài phỏng vấn này.
Tôi không biết phải tặng Bác món quà gì. Trước đó tôi có hỏi Celia Sánchez, một người bạn rất mê nghệ thuật của tôi, và được khuyên là nên tặng Người một chiếc gạt tàn bằng đồng Cuba. Trò chuyện xong, tôi và Bác cùng uống trà, tôi đem món quà đó tặng cho Người, ngay lập tức Người đáp: “Ôi, giờ tôi không hút thuốc nữa. Mọi người ở đây không ai để tôi hút nữa. Nhưng món quà này vẫn rất sẽ hữu ích cho tôi”. Tôi cảm nhận Bác không muốn để tôi buồn vì đã tặng món quà không phù hợp.
– Đặc điểm nào về ngoại hình, cử chỉ của Người khiến bà ấn tượng nhất?
– Trang phục, chiếc áo trắng ngắn tay, Người không đi giày mà chỉ đi đôi tất bằng vải sợi bông trắng. Mọi cử chỉ của Bác đều không cho tôi cảm giác Người là một vị chủ tịch nước. Quá giản dị! Căn phòng Bác ở cũng thế, một chiếc bàn làm việc đơn sơ, trên tường có treo vài tấm hình của những chính trị gia nổi tiếng thế giới, sau chiếc rèm (mãi sau này khi quay lại Việt Nam tôi mới biết) là một chiếc giường cũng hết sức đơn sơ.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, Người chủ động ôm tôi. Quả thực tôi cảm nhận đây là một người đàn ông ấm áp, nhẹ nhàng và rất mực hiền hậu. Bác có một văn hóa giao tiếp cực kỳ lịch thiệp. Phải nói rằng tất cả đàn ông Việt Nam tôi gặp đều có nét nhẹ nhàng đó.
Sau cái ôm, Bác tiễn tôi ra tận cuối hành lang và không quên nhắc tôi rằng: “Cho tôi gửi lời hỏi thăm đến Fidel, nhớ nói với Fidel rằng tôi rất thích nghe các bài thuyết trình, phát biểu của đồng chí ấy nhé”.
Marta Rojas cùng một số lãnh đạo bà gặp ở chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu của Marta Rojas. |
– Ngoài câu nói gửi gắm đến lãnh tụ Fidel, bà còn ấn tượng với câu nói nào của Bác suốt 2 giờ trò chuyện?
– Có chứ. Một câu nói mà tôi đến giờ vẫn không thể nào quên: “Hãy nói với Fidel rằng, đừng sợ Mỹ. Việt Nam luôn sát cánh bên người anh em Cuba. Chúng ta có một lợi thế là sự khác biệt giờ giấc ngày, đêm. Khi Việt Nam ngủ, Cuba thức. Khi Cuba ngủ, đã có Việt Nam thức. Chúng ta cứ thế thay phiên nhau, thì mọi kẻ thù đều sẽ được đánh bại thôi”.
Sau bao nhiêu năm rồi, câu nói đó vẫn có sức “ám ảnh” tôi. Tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của người đứng đầu một dân tộc quả thực làm tôi ngưỡng mộ.
Người còn dặn tôi rằng: “Đợi chúng tôi đánh thắng giặc Mỹ, tôi sẽ sang thăm Cuba một chuyến”. Chỉ tiếc là…
“Chúng tôi trò chuyện như hai người bạn thân lâu ngày không gặp”
– Thế còn bài phỏng vấn kia? Nó được viết và đăng bằng con đường nào?
– Hồi đó Prensa Latina ở Hà Nội là trụ sở chịu trách nhiệm truyền thông tin, nhưng thật không may là có chút trục trặc nên tôi không gửi bài qua con đường đó được. Tôi nói với ngài đại sứ rằng tôi sẽ tìm cách để gửi bài về Cuba. Thật may sau đó, đã có một chuyến bay Hà Nội – Paris – La Habana. Trong suốt thời gian quá cảnh ở Paris, may mắn là tôi đã tìm đến được văn phòng đại diện của Prensa Latina ở đó. Tôi đã ngồi viết và gửi tin về Cuba ngay hôm đó.
Khi kết thúc phỏng vấn, tôi có nói với Bác: “Chủ tịch, tôi sẽ phải đăng tin bài này như thế nào ạ? Bởi vì nãy giờ chúng ta trò chuyện quá nhiều. Tôi có thể ngồi viết, sau đó đưa cho đồng chí Hoàng Tùng xem lại, vì tôi sợ trong cuộc nói chuyện thân mật, cởi mở này biết đâu có thông tin gì không được chuẩn chỉnh cho lắm”. Và thật ngạc nhiên, Người đáp: “Không, không phải đưa cho ai xem lại cả. Chị là nhà báo, cứ viết những gì chị mắt thấy tai nghe nãy giờ. Chị sẽ biết nên viết điều gì là đúng nhất. Tôi sẽ không xem trước đâu”.
– Như vậy là tất cả sự ghi chép hôm đó của bà đều được đăng trên báo?
– Đúng thế, tất cả. Từ sự miêu tả căn phòng, phong cách, hình dáng con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến từng câu chuyện mà chúng tôi trao đổi tôi đều ghi chép hết trong bài. Và nó đã được đăng trọn vẹn.
Marta Rojas trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017. Ảnh: People’s Army. |
Tôi chọn thể loại phỏng vấn ký sự, vì tôi tin chỉ với thể loại báo chí đó tôi mới truyền tải được hết những gì mắt thấy tai nghe về Người. Sau đó, bài của tôi đã được đăng trên báo Granma và gần như tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng của khu vực Mỹ Latinh.
Bài báo của tôi được đăng trên Granma ngày 29/7/1969 và ở Ban Đối ngoại tiếng Pháp của Granma ngày 3/8/1969.
– Xét trên phương diện báo chí, bà đánh giá sao về bài phỏng vấn đó?
– Tôi không nghĩ đó là một cuộc phỏng vấn, đúng nhất để gọi tên thì đó phải là một “cuộc trò chuyện”. Hơn hết, tôi còn là người “bị hỏi” nhiều hơn (cười).
Nếu coi đó là một bài phỏng vấn thì quả thực mà nói, đó là một bài phỏng vấn không có hệ thống câu hỏi từ phía phóng viên. Tôi có chuẩn bị một vài câu hỏi và nghĩ rằng tôi sẽ hỏi Người vấn đề này, vấn đề kia liên quan đến chính sự. Nhưng Bác là người bắt đầu, Bác cho tôi không khí cởi mở, thân thiện. Tôi hoàn toàn không bị lo lắng khi trước mặt mình là một vị Chủ tịch. Chúng tôi trò chuyện như thể hai người bạn thân lâu ngày gặp lại nhau, có quá nhiều điều mà cả hai đều muốn nói.