Giữa đêm một ngày cuối tháng 12/1971, tiểu đoàn 512 của trung đoàn xe tăng 203 đã có mặt tại ga Vĩnh Yên để chờ tàu vào Vinh. Hơn hai chục chiếc xe tăng nằm rải rác xung quanh đồi Ga, cái thì chui vào vườn nhà dân, cái thì nép mình bên hàng cây xà cừ như những chú voi đang lim dim ngủ.
Trời vừa sáng, cái lạnh của mùa thu se sắt sau lớp áo mỏng. Lũ trẻ con xóm Ga dậy sớm đang túm tụm bàn tán bên những chiếc xe tăng rất đỗi hiền hòa cùng những người lính trẻ cũng rất đỗi hiền lành. Trong căn lán được dựng tạm bằng bạt xe tăng, Ban chỉ huy đại đội 4 đang ngồi trao đổi công việc. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa thông báo:
– Ban chỉ huy tiểu đoàn cho biết bên đường sắt vẫn chưa có tàu, vì vậy không loại trừ việc chúng ta phải nằm đây chờ đợi thêm vài ngày nữa. Tôi đề nghị chúng ta phải quan tâm đến mấy việc sau: Thứ nhất, phải quản lý tốt quân số, tuyệt đối tránh tình trạng đào bỏ ngũ. Thứ hai, mặc dù thời gian này không quân Mỹ ít hoạt động hơn nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác, những xe đã đưa được vào vườn của dân thì thôi nhưng những xe còn nằm ngoài đồi thì phải chú ý thay lá ngụy trang hàng ngày và phải tổ chức canh gác cho tốt. Thứ ba, tuy là xe còn mới song công tác kỹ thuật không được lơ là, vẫn cần phải kiểm tra điều chỉnh cho đúng tiêu chuẩn. Thứ tư, phải tổ chức tốt việc ăn ở, ngủ nghỉ của bộ đội, suốt tuần qua anh em đã vất vả nhiều rồi, giờ mà “nó” lăn ra ốm một lượt là gay đấy.
Vẫn với bộ quần áo công tác quanh năm bê bết dầu mỡ, đại đội phó kỹ thuật Nguyễn Văn Đề thủng thẳng:
– Về mặt kỹ thuật, xin các anh không phải lo. Xe chúng ta vừa nhận đều là xe mới tinh, được nhận xe mới anh em trong đơn vị ai cũng phấn khởi và tích cực chăm chút lắm.
Ngồi chân co chân duỗi trên cái hòm đạn, tay vẫn không rời cái điếu cày, chính trị viên Quản Đức Đán cất cái giọng rè rè vì khói thuốc lâu năm:
– Theo tôi, cái đáng lo nhất và phải quan tâm nhiều nhất là công tác quản lý bộ đội. Cho đến giờ ai cũng biết chúng ta sang nhận xe đợt này là để đi chiến trường mà anh em lại không ai được về phép, vì vậy rất dễ nảy sinh những tư tưởng xấu, nhất là số chiến sĩ mới. Nhiều khi anh em người ta nghĩ rất đơn giản là về thăm nhà một vài ngày lại lên thì có sao đâu.
Các thành viên kíp xe tăng 843 chụp năm 1995 tại lữ đoàn tăng 203 ở Bắc Giang. Ảnh: TTXVN / bqllang.gov. |
Chính trị viên phó Vũ Đăng Toàn vẫn điềm đạm như mọi ngày, chờ cho mọi người ngồi im một lát anh mới phát biểu:
– Tôi cho rằng tuyệt đại đa số anh em cán bộ, chiến sĩ trong đại đội ta là tốt; chúng ta cũng đã tổ chức tốt việc quán triệt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong điều kiện ăn ở phân tán như hiện nay, lại ở địa bàn thị xã nên rất cần phải siết chặt lại công tác quản lý. Theo tôi ta phải giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ trung đội và các trưởng xe phải tự quản lý lấy trung đội mình, xe mình, đi đâu cũng phải có từ ba người trở lên, đi về phải đúng giờ, phải duy trì nghiêm chế độ điểm danh hàng ngày…
Đại đội trưởng Nghĩa kết luận:
– Tôi sẽ giao nhiệm vụ cho các trung đội trưởng ngay bây giờ. Riêng số anh em “xê bộ” và công tác hậu cần đề nghị anh Toàn trực tiếp quản lý giúp.
Toàn nhỏ nhẹ:
– Nhất trí thôi!
Ba người chui ra khỏi cái nhà bạt, Đán vẫn yên vị nạp một điếu thuốc lào to vào nõ điếu, bật lửa kéo một hơi dài. Phóng tầm mắt nhìn quanh một lượt Nghĩa thở dài:
– Lúc nào cũng gấp… gấp rồi nằm đây mà chờ!
[…]
Niềm vui năm mới vẫn còn đang rạo rực mỗi con tim thì đại đội nhận một tin không vui: Giao xe mới cho một đơn vị hành quân đi B2 và nhận lại số xe T-59 cũ. Ai cũng buồn vì những chiếc xe họ đã đưa từ Vĩnh Phú vào để chuẩn bị cho chiến dịch này là những chiếc T-54B mới tinh, họ đã chăm chút cho nó từng ly, từng tý như người tráng sỹ chăm chút cho con tuấn mã của mình. Vậy mà sắp đến ngày vào trận lại phải dứt ruột chia tay.
Người buồn và lo nhất chắc chắn là đại đội phó kỹ thuật Đề. Là người làm công tác kỹ thuật lâu năm, Đề hiểu sâu sắc giá trị của những chiếc xe mới trong chiến đấu. Thực tế các trận đánh ở Làng Vây, Cánh đồng Chum và nhất là trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã cho thấy tầm quan trọng của công tác kỹ thuật. Với những chiếc xe mới này, công việc của anh và anh em lái xe sẽ bớt vất vả biết bao nhiêu. Đề băn khoăn không biết tình trạng của số xe T-59 sẽ nhận về thế nào, nó mà “nát bét” thì anh sẽ là người vất vả nhất.
Nhưng cũng may, số T-59 đại đội nhận về cũng không quá cũ. Sở dĩ phải đổi xe cũng là do sự “lo xa” của cấp trên, nhìn chung độ tin cậy của loại xe T-59 không bằng được T-54B, nên phải đổi để cho đơn vị đi xa.
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đại đội phó Đề đề xuất với Ban chỉ huy đại đội một kế hoạch tổng thể nhằm khôi phục tình trạng kỹ thuật của tất cả các xe. Trước hết sẽ thành lập một tổ kỹ thuật gồm đại đội phó, kỹ thuật viên và một số lái xe, pháo thủ có kinh nghiệm đi kiểm tra toàn diện từng xe, sau đó sẽ lên kế hoạch sửa chữa, củng cố. […]
Những ngày đầu năm 1972 không khí chuẩn bị cho chiến dịch nóng lên từng giờ, ai cũng biết rằng chỉ ngày một ngày hai họ sẽ được tung vào cho những trận đánh mang tính quyết định.
Quả nhiên là như vậy. Giữa tháng hai đại đội trưởng Nghĩa và trung đội trưởng Quý được lệnh đi trinh sát cùng đoàn cán bộ của trung đoàn. Cánh “tham mưu con” nhận định nếu đã tung xe tăng vào thì đó phải là một mục tiêu chủ yếu của chiến dịch và chắc chắn đó là thị xã Đông Hà hay thị xã Quảng Trị.