Thiên tài đôi khi không phải do bẩm sinh. Trên thực tế, dù người thường hay người có khả năng thiên phú khi muốn chinh phục thành công đều có chung một “mẫu số”: Thói quen, cách suy nghĩ và hành động hàng ngày.
Thiên tài toàn năng Leonardo da Vinci thường ghi chép mọi việc từ những chuyện vụn vặt nhất trong cuộc sống, nhà vật lý Albert Einstein chỉ bắt tay vào công việc khi đã hình dung được sự “thành công” trong đầu, Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon – luôn thức dậy mỗi sáng mà không cần đặt báo thức…
Mỗi người một lĩnh vực khác nhau nhưng họ đều nỗ lực duy trì một nếp sống nhất định. Đây chính là chìa khóa giúp các thiên tài gặt hái thành công vượt bậc và nổi danh trên toàn thế giới.
Vậy, chúng ta có thể học hỏi được gì từ thói quen của những con người xuất chúng này? Câu trả lời nằm trong cuốn sách Thói quen của những thiên tài bạn có thể học hỏi của tác giả người Nhật Kyoyo Soken.
Sách Thói quen của những thiên tài bạn có thể học hỏi. Ảnh: H.T. |
Học hỏi từ những thói quen lý thuyết
Độc giả có thể tìm thấy trong cuốn sách những thói quen thường ngày của các bậc vĩ nhân bên cạnh những triết lý nhân sinh, quy tắc cá nhân độc đáo được hình thành từ nhiều trải nghiệm đa dạng của họ.
Cuốn sách mang đến bất ngờ cho bạn đọc bởi rất nhiều thói quen tưởng chừng tầm thường nhưng lại có thể đặt nền móng, bồi đắp và tạo nên những con người phi thường.
Bên cạnh đó, tác giả Kyoyo Soken còn cung cấp cho độc giả những kiến giải nhìn từ góc độ khoa học cùng những phát ngôn nổi tiếng của những con người đã và đang làm nên lịch sử thế giới.
Xuyên suốt những trang sách, người đọc sẽ đi từ tò mò đến ấn tượng, rồi cảm thấy thích thú với bất kỳ thói quen nào. “98 + 2” là một ví dụ. Đó là thói quen mà ngay từ khi còn trẻ Hideo Itokawa, nhà hàng không học, vũ trụ học người Nhật Bản, đã duy trì và rèn luyện mỗi ngày.
Ông thường dành 98% của một ngày, một tháng, một năm để làm công việc chính là nghiên cứu về tên lửa và viết sách. 2% còn lại ông dành ra để làm quỹ thời gian riêng cho công việc mà ông gọi là “cả đời” của mình.
Hideo Itokawa đã định nghĩa về điểm nhấn quan trọng trong công thức “98 + 2” dựa trên lý thuyết “tích tiểu thành đại”. Nhằm giúp độc giả dễ hiểu hơn, ông đưa ra ví dụ thực tế: Nếu ta xếp một tờ báo mỗi ngày, sau 45 năm chồng báo sẽ cao cả vài mét hoặc vài chục mét. Đó chính là công việc “cả đời”.
Nhà nghiên cứu tên lửa nhấn mạnh không cần dành toàn bộ mà chỉ cần bỏ ra vài phần trăm quỹ thời gian hàng ngày cho công việc đó. Sau nhiều ngày cộng lại, ta có thể thực hiện một ước mơ khác hoàn toàn với công việc mà ta đang theo đuổi.
Từ việc đưa ra ví dụ và phân tích lý lẽ, tác giả để thói quen của Hideo Itokawa dẫn người đọc đi làm một phép liên hệ: Nếu chúng ta ngủ 8 tiếng một ngày, 2% thời gian của 8 tiếng đó sẽ là 20 phút. So với việc xem tivi hay ăn uống, 20 phút khá ngắn ngủi. Nhưng nếu kiên trì phấn đấu “tích tiểu thành đại”, với 20 phút mỗi ngày, chúng ta sẽ có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình.
Trên “vòng đua” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để thích nghi và tạo ra bước nhảy vọt cho bản thân, việc duy trì một thói quen như Hideo Itokawa là điều đáng để học hỏi.
Không ngừng nhắc nhở bản thân
Mỗi ngày đều nhắc “mình vẫn đang ở giữa” là thói quen kỳ lạ của tỷ phú Mark Zuckerberg – ông chủ của Facebook, người đã gặt hái được rất nhiều thành công trong việc tạo nên nền tảng mạng xã hội.
Mark Zuckerberg thành công ngay từ khi còn rất trẻ. Ông có thói quen mỗi ngày đều nhắc “mình vẫn đang ở giữa đường”. Ảnh: CNBC. |
Tác giả thuyết phục người đọc bằng các dẫn chứng khoa học: Khi chúng ta chú tâm vào một việc gì mới và cố gắng hoàn thiện nó, các nơ-ron thần kinh trong não sẽ hình thành nên những liên kết mới mạnh mẽ. Điều này cũng có nghĩa là càng gây áp lực cho não bộ thì càng mở rộng khả năng hoạt động của nó.
“Mình vẫn đang ở giữa đường” là lời nhắc nhở của Mark Zuckerberg dành cho bản thân mình, nhưng tác giả dụng ý đưa vào trong cuốn sách này với mong muốn gửi gắm thông điệp đó đến độc giả, để tất cả cùng tự nhắc mình, cùng nỗ lực hướng về đích đến.
Cuốn sách Thói quen của những thiên tài bạn có thể học hỏi là tập hợp của 72 thói quen nhỏ tạo nên những điều phi thường của các bậc thiên tài trên thế giới.
“Bộ sưu tập” 72 thói quen như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà tác giả người Nhật muốn truyền tải đến người đọc: Thành công không phải điều gì xa xôi, phù phiếm, cũng không phải chỉ dành cho thiên tài; nó bắt nguồn từ những thói quen nhỏ bé, đơn giản nhất.
Nếu bạn đang muốn thay đổi bản thân và tìm một thói quen tốt để học hỏi, sách của Kyoyo Soken chính là một lựa chọn phù hợp, một cẩm nang đưa ra những gợi ý hữu ích cho bạn.