Càng gần kết thúc năm học, chị B.H. (Cầu Giấy, Hà Nội) càng sốt ruột. Hiện tại, ngoài việc ngày học hai buổi ở trường, con chị còn có 6 buổi học thêm/tuần để luyện thi vào lớp 6 chất lượng cao. Mục tiêu của gia đình là cho con vào trường THCS Cầu Giấy.
“Gia đình quyết định chuyển hướng cho con khá muộn, từ học kỳ II năm lớp 4. Do vậy, con học vất vả. Ba mẹ cũng mệt mỏi vì phải đưa đón con đi học nhiều nơi”, chị H. chia sẻ về “cuộc đua” của cả gia đình.
Xác định con sẽ thi vào lớp 6 chất lượng cao, phụ huynh phải tìm kiếm nhiều lớp luyện thi cho con. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Học thêm nhiều nơi từ sớm
Hàng ngày, tan làm, chị H. hoặc chồng thay nhau chở con từ trường về nhà, có hôm chỉ kịp cho con ăn tạm gì đó trước khi đến lớp học thêm.
Lịch học không cố định. Có ngày, con chị học đến hai lớp luyện thi trong một buổi tối.
Học thêm nhiều đồng nghĩa khối lượng bài tập về nhà cũng tăng lên. Mỗi ngày, con chị phải dành hơn 2 tiếng để tự học nữa. Guồng học tập như vậy duy trì suốt một năm nay, trừ đợt nghỉ do dịch Covid-19.
Không học nhiều như vậy nhưng lịch học của con chị Nguyễn Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lên đến 4 buổi/tuần, gồm 2 buổi Tiếng Anh và 2 buổi Toán, Tiếng Việt.
Chị Ngọc giải thích con đang học lớp 4, chỉ còn hơn một năm để chuẩn bị nên phải cố gắng học nhiều.
“Con học trường công, học cả ngày ở trường nhưng việc cọ xát với bài tập nâng cao gần như không có. Do đó, tôi phải cho con học nâng cao vào buổi tối”, chị Ngọc cho hay.
Gia đình chị nhắm mục tiêu cho con vào lớp chất lượng cao trường THCS Cầu Giấy, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (khối THCS) hoặc trường Lương Thế Vinh.
Dù có lộ trình rõ ràng và đã chọn được trung tâm ưng ý, chị Ngọc vẫn lo con không theo kịp tiến độ của các bạn khác. Nữ phụ huynh cho hay trên các diễn đàn, nhiều người chia sẻ ở học kỳ II lớp 4, con họ đã chuyển sang học viết đoạn văn bằng tiếng Anh. Trong khi đó, ở lớp ôn thi của con chị, giáo viên mới dạy bài tập riêng lẻ, luyện viết từng câu.
Lo lắng của chị Ngọc không vô căn cứ khi nhiều phụ huynh cho con ôn luyện, tập làm các dạng bài trong đề thi từ rất sớm. Dù con mới học lớp 2, chị Hải Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chịu khó hỏi người quen, lên diễn đàn xin kinh nghiệm cho con ôn thi để vào trường THCS Ngoại ngữ hoặc Nguyễn Tất Thành.
“Nhiều người bảo nên để con sang lớp 4 mới cho đi học thêm. Tôi chưa biết lộ trình ôn thi như thế nào mới hợp lý nên muốn cho con bắt đầu sớm, làm quen dần với việc học thêm và đi đúng hướng”, chị Linh chia sẻ.
Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người, chị Hải Linh dự định mùa hè này cho con học thêm 3 buổi các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh để củng cố căn bản trước. Lúc đó, dựa trên khả năng tiếp thu của con, chị mới quyết định thời điểm tăng số buổi học thêm/tuần lên và cho con theo học các lớp luyện thi mà chị được giới thiệu.
Dù còn 3 năm nữa, con mới tốt nghiệp tiểu học, nữ phụ huynh đã nắm thông tin các thầy cô luyện thi có tiếng và sẽ khảo sát dần trước khi quyết định.
Phụ huynh muốn con vào lớp 6 chất lượng cao để có môi trường học tập tốt từ sớm. Ảnh minh họa: Hải An. |
Thương con nhưng phải tính chuyện đường dài
Chị Hải Linh hy vọng việc học thêm theo cường độ tăng dần sẽ giúp con không cảm thấy áp lực khi học lên lớp 5, cận kề kỳ thi. Khi được hỏi liệu con chị đã sẵn sàng để học thêm chưa, chị Linh cho biết gia đình đã trò chuyện với cháu để chuẩn bị tâm lý. Bước đầu, con đồng ý học thêm từ mùa hè này.
Tuy nhiên, chị Hải Linh thừa nhận nhìn nhiều người kể về việc sẽ cho con học đến 5-6 buổi/tuần để thi vào lớp 6 chất lượng cao, chị khá lo lắng. Một phần, nữ phụ huynh sợ con theo không nổi. Phần khác, việc đưa đón con cũng là bài toán khó giải.
“Chúng tôi xác định lượng sức mà đi. Không ai trong gia đình muốn con phải học hành vất vả, áp lực cả nhưng xã hội ngày càng cạnh tranh, không cho con chuẩn bị từ sớm, tôi sợ sau này, con ‘hụt hơi’ và không theo kịp người khác”, bà mẹ trẻ chia sẻ.
Hơn nữa, chị Hải Linh tin tưởng việc bồi đắp kiến thức cho con từ sớm sẽ kéo giãn áp lực học sau này. Chị tính toán đến lớp 5, dù số lượng buổi học thêm tăng lên, con vẫn có thời gian để thư giãn, phát triển các kỹ năng mềm khác.
Trong khi đó, tâm lý chị B.H. lại không nhẹ nhàng như vậy. Nhiều lúc thấy con mệt mỏi vì học nhưng lại không nỡ cho con dừng lại vì tiếc công nỗ lực một năm qua, chị hối hận vì không cho con bắt đầu sớm hơn.
Nữ phụ huynh cho rằng con áp lực một phần do chưa quen cường độ học. Gần 4 năm học trước, việc học của con nhẹ nhàng vì chỉ cần đáp ứng yêu cầu ở lớp. Nay khi phải tiếp xúc nội dung khó hơn, học cùng các bạn được ôn luyện sớm, con mới chán nản.
“Còn mấy tháng nữa thôi, cả hai mẹ con đều không muốn từ bỏ. Nhưng tôi cũng xác định với con việc thi cử giờ chỉ để thử sức, xem mình học đến đâu, không bắt buộc con phải đỗ. Hy vọng thiếu đi gánh nặng này, con sẽ thấy nhẹ nhàng hơn”, chị B.H. nói.
Chị Nguyễn Ngọc cũng không ít lần băn khoăn về con đường chị chọn cho con. Tuần 4 buổi học thêm, con chị không áp lực nhưng cũng không yêu học. Bé chỉ đến lớp luyện thi vì mẹ định hướng và các anh chị của con cũng học tốt.
“Tôi muốn cho con thi vào lớp 6 chất lượng cao để đây là bàn đạp cho con vào chuyên cấp ba và du học. Thực tâm, tôi cũng không muốn con học nhiều, muốn cháu chơi hơn. Nhưng nếu không học như vậy, khả năng đỗ thấp. Tôi không biết định hướng như vậy đúng không nữa”, nữ phụ huynh ở quận Thanh Xuân phân vân.