TS Đỗ Duy Hiếu cho biết khoảng 5-7 năm trước đây, có thể nói, việc học nâng cao nói chung và luyện thi vào các trường chất lượng cao nói riêng ở bậc tiểu học trở thành phong trào mạnh mẽ. Người người cho con đi học nâng cao, nhà nhà cho con đi học nâng cao. Nhiều học sinh tư duy và kiến thức ở mức độ kém cũng đi học nâng cao.
Gần đây, việc học nâng cao, luyện thi các trường chất lượng cao có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn cho con ngày đêm học thêm nâng cao, thậm chí bắt học từ lúc 4 tuổi.
Nhiều học sinh bị ép học thêm quá sức dẫn đến phản tác dụng. Ảnh minh họa: THPT chuyên Nguyễn Huệ. |
Ép con học quá khả năng là hại con
TS Đỗ Duy Hiếu cho rằng không chỉ riêng chuyện học sinh tiểu học học Toán nâng cao, mà nói chung, học sinh phải làm việc quá sức với khả năng tư duy của bản thân trong thời gian dài sẽ khiến đầu óc mệt mỏi, lao lực.
Trong quá trình công tác, ông gặp nhiều trường hợp phản tác dụng do học nhiều. Trường hợp nhẹ, học sinh trở nên chán học, sợ học. Nặng hơn, một số em kém linh hoạt, người đờ đẫn.
Ông từng chứng kiến một bé mới 5 tuổi bị mẹ nhồi nhét, bắt học đủ thứ, từ Tiếng Việt, Toán lớp 1 đến Tiếng Anh rồi Toán Tiếng Anh. Một thời gian sau, bà mẹ đó lại tìm chỗ dạy tiếng Pháp cho trẻ.
Hậu quả, thể lực, trí lực trẻ con chưa đủ để thích nghi với việc tư duy cao, làm việc ở cường độ cao. Lâu dần, đứa bé trở nên tự kỷ.
Tình trạng này xảy ra với cả những trẻ lớn hơn, có ở cả cấp tiểu học, THCS lẫn THPT. TS Đỗ Duy Hiếu cảm thấy thương những đứa trẻ mới lớp 3, lớp 4 đã phải học thêm đến 4-6 buổi/tuần để có thể cạnh tranh vào lớp 6 chất lượng cao. Ông ví việc nhồi nhét này như “ép con ăn ngày 20 bát cơm cho nhanh lớn”.
“Như thế chỉ vỡ bụng chứ lớn sao được. Dục tốc bất đạt!”, ông Hiếu chia sẻ.
TS Đỗ Duy Hiếu nói thêm học trường, lớp chuyên mang lại hiệu quả với những học sinh tố chất tốt. Nhưng nhiều gia đình đang tạo áp lực, ép con học quá sức vì họ thiếu định hướng, chỉ suy nghĩ con học nhiều, học trường chuyên sẽ có nhiều cơ hội hơn. Vì thế, họ cố để cho con vào lớp chuyên, chất lượng cao kể cả khi con không có khả năng.
Thầy giáo dạy Toán khẳng định như vậy là hại con. Theo ông, ép con thi đỗ lớp chất lượng cao, lớp chuyên khi năng lực học của con không đáp ứng được chẳng khác gì “ép đứa trẻ 3 tuổi phải tập tạ suốt ngày”.
TS Đỗ Duy Hiếu hy vọng phụ huynh không vắt kiệt sức của con ngay từ khi mới bập bẹ biết đọc chữ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Đừng vắt kiệt sức của con
TS Đỗ Duy Hiếu cho rằng để con ôn thi hiệu quả mà không thấy áp lực, điều quan trọng đầu tiên, phụ huynh cùng giáo viên cần phải xác định rõ khả năng của trẻ ở mức nào, có phù hợp học nâng cao và luyện thi chất lượng cao hay không.
Khi đã xác định thấy con thật sự có tố chất, họ mới có cách bồi dưỡng phù hợp. Trong quá trình đó, người lớn cần theo dõi con có mệt mỏi quá với cường độ học tập không hay vẫn yêu thích và nhiệt huyết, để đưa ra quyết định tiếp tục bồi dưỡng hay dừng lại.
“Học nâng cao với những em tư duy tốt là rất nên. Ngược lại, với những học sinh bình thường, đây lại là cực hình, gây ra nhiều hậu quả”, TS Hiếu nhắc lại.
Đối với học sinh tiểu học, điều quan trọng nhất là chuẩn bị “hành trang” để bước vào các cấp tiếp theo. Hành trang đó là các kiến thức cơ bản về Toán như cộng, trừ, nhân chia, tư duy phân tích cơ bản về các vấn đề toán học, thói quen học tập đúng, kỹ năng sống… Quan trọng không kém, phụ huynh nên cho con học ngoại ngữ.
“Phụ huynh hãy coi cấp tiểu học là bước chuẩn bị, đừng vắt kiệt sức của con ngay từ khi mới bập bẹ biết đọc chữ”, ông Hiếu bày tỏ.
Giáo viên dạy toán này cũng chia sẻ cách suy nghĩ và xu hướng cho con học thêm hiện tại đã thay đổi nhiều so với các năm trước. Nhiều phụ huynh đang hướng cho con học theo kiểu cân bằng hơn – nhẹ nhàng, ưu tiên song ngữ. Ông đánh giá đây là xu thế đúng, tốt cho học sinh.