Để học tập thật giỏi và trở thành một bác sĩ là điều không hề dễ dàng. Để sống sót, làm tốt nhiệm vụ của một bác sĩ ở môi trường khắc nghiệt như bệnh viện đòi hỏi rất nhiều nỗ lực về chuyên môn, thể chất và tinh thần.
Cuốn sách Chạy trời không khỏi đau – Nhật kí bí mật của một bác sĩ trẻ của tác giả Adam Kay sẽ cho độc giả một góc nhìn chân thực đến đau đớn về tất cả những gì bạn muốn biết – và kha khá thứ bạn không muốn biết – về cuộc sống bên trong và bên ngoài bệnh viện.
Những trang nhật kí vừa buồn cười vừa rơi nước mắt
Bỏ ra 6 năm đèn sách học tập tại trường y, cộng thêm 6 năm làm việc dưới tư cách một bác sĩ trẻ trong bệnh viện, Adam Kay đã ghi lại những dòng nhật kí về công việc thường ngày của mình cùng những khoảnh khắc giữa lằn ranh sinh tử.
Đó là những lúc Kay dậy từ 3 giờ sáng để kê thuốc ngủ cho bệnh nhân, vì giấc ngủ của bệnh nhân quan trọng hơn giấc ngủ của bác sĩ. Anh cũng phải xử lý nhanh trường hợp thanh niên nghiện ma túy có dấu hiệu bất thường chỉ vì những tên buôn lậu thuốc đã trộn cocain với thuốc lợi tiểu.
Anh phải giải thích kỹ với bệnh nhân tại sao loại thảo dược mà họ tìm trên mạng không có tác dụng như quảng cáo.
Trước những bệnh nhân già yếu, dù tim họ không còn đập, anh vẫn phải thực hiện thủ tục kiểm tra tim, phổi họ, rồi tuyên bố tử vong với người nhà họ.
Cuốn sách Chạy trời không khỏi đau của Adam Kay. Ảnh: Wings Books. |
Kay ghi lại cả những sự kiện lớn xảy ra trong thời gian anh làm việc trong bệnh viện như vụ khủng bố ngày 7/7/2005 tại Anh. Bốn vụ đánh bom đồng loạt xảy ra tại trung tâm London khiến 52 người thiệt mạng và 700 người bị thương. Nước Anh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi bác sĩ phải túc trực ở khoa cấp cứu để tiếp đón và chữa trị cho bệnh nhân.
Khi chuyển sang chính thức làm việc dưới tư cách một bác sĩ sản khoa, Adam Kay lại đối mặt với những tình huống trớ trêu nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Những việc như lấy các dị vật trong trực tràng của bệnh nhân, rồi phẫu thuật khẩn cấp những ca thai ngoài tử cung, và trò chuyện an ủi bệnh nhân bị ung thư buồng trứng… đều đến tay của Kay.
Công việc vất vả của một bác sĩ không cho Adam Kay có nhiều thời gian cho chính mình cũng như cuộc sống riêng tư. Bạn gái anh thường xuyên bị cho leo cây vì anh bị gọi đi đột xuất. Không có nghỉ lễ, không có Giáng Sinh, không có cả những giấc ngủ yên bình vào buổi đêm.
Làm bác sĩ là như vậy. Những ca trực khắc nghiệt, thời gian làm việc lên đến 97 giờ mỗi tuần, mức lương thấp, điều kiện làm việc tệ lậu. Phải đưa ra các quyết định sinh tử. Nhiều đêm trực khám không ngủ, hoặc ngủ ngoài bãi để xe, hoặc tồi tệ hơn, phải làm việc trong tình trạng ốm.
Không được đánh giá đúng khả năng, không được hỗ trợ, ít được tôn trọng, những mối nguy hiểm đe doạ sức khoẻ và tính mạng luôn rình rập xung quanh. Thế nhưng, Kay vẫn tự hào vì những việc mình đã làm được, hay theo như lời của anh “trên thế gian này, chẳng có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y đâu”.
Xuyên suốt cuốn sách Chạy trời không khỏi đau, Adam Kay đi từ một bác sĩ nội trú cho đến bác sĩ nội trú cao cấp trong ba năm, trở thành bác sĩ thực tập chuyên khoa trong bốn năm rồi cuối cùng là một bác sĩ thực tập chuyên khoa cao cấp. Mọi chuyện trông có vẻ ổn cho đến khi một sự cố lớn ập đến trong sự nghiệp y của anh.
Bác sĩ cũng biết “đau”
Trong nghề y, những biến cố bất hạnh xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Có những lúc bác sĩ cứu được bệnh nhân khỏi bàn tay của tử thần, đưa họ quay trở lại cuộc sống bên cạnh người thân và gia đình, nhưng có những lúc họ thất bại.
Bất cứ ai trong ngành nghề nào cũng có khi thất bại, nhưng bác sĩ lại là người chịu áp lực lớn hơn nhiều trong hoàn cảnh này, bởi đó là sinh mệnh của một con người. Khi Adam Kay không thể cứu được đứa bé trong bụng của một thai phụ, anh đã tự trách mình rất nhiều dù theo đánh giá chính thức, anh không hề mắc lỗi trong quá trình phẫu thuật.
Nhưng anh dằn vặt bản thân rằng nếu mình chú ý sớm hơn, bất hạnh có thể đã không xảy đến. Sự việc ấy đã tàn phá cảm xúc của anh suốt nhiều tháng trời. Tuy vậy, bác sĩ không thể đeo băng tang hay xin nghỉ phép hẳn một tháng để bình ổn tâm trạng mỗi khi có bệnh nhân tử vong.
Hệ thống y tế là một cỗ máy hoạt động liên tục, nó không đủ độ chậm để các nhân viên y tế xin nghỉ chỉ để phục hồi tinh thần sau một ngày làm việc tồi tệ. Nếu muốn bản thân tiếp tục tồn tại với nghề, mỗi người phải thuyết phục bản thân chấp nhận rằng những thời điểm khủng khiếp đó chỉ là một phần công việc mà thôi.
Adam Kay từng có nhiều năm làm việc dưới tư cách bác sĩ khoa sản trước khi trở thành diễn viên hài, biên kịch phim ở Anh. Ảnh: Martinovic and Noble Photo Agency. |
Chạy trời không khỏi đau của Adam Kay là một bản báo cáo không khoan nhượng về cuộc sống bên trong bệnh viện. Kay không chỉ nói lên những khó khăn vất vả của ngành y mà còn mong muốn mỗi người hãy có niềm tin và tôn trọng vào đội ngũ y tế, để họ có thể tập trung làm tốt nhất công việc của mình: Cứu người.
Được viết dưới hình thức nhật ký ghi vội sau những đêm dài vô tận, mỗi chia sẻ của Adam Kay có cả sự hài hước và cảm động trong từng câu chữ. Cuốn sách như một bức tranh chân thực về cuộc sống rối ren, vui nhộn và cả hỗn loạn của các bác sĩ trong vinh quang đẫm máu, hài kịch đen tối và nỗi buồn khó tránh khỏi.
Ngay từ khi ra mắt, Chạy trời không khỏi đau đã nhận được vô số lời khen ngợi từ bạn đọc và các tờ báo lớn. Tác phẩm còn chiến thắng những hạng mục quan trọng trong giải Sách quốc gia của Anh năm 2018 như Cuốn sách của năm, Cuốn sách phi hư cấu của năm, Tác giả mới của năm, đồng thời trở thành hiện tượng xuất bản năm đó tại Vương quốc Anh.
Chạy trời không khỏi đau đã được dịch ra 37 thứ tiếng và xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới với 2,5 triệu bản sách đã được bán ra. Sách cũng được đài BBC mua bản quyền và chuyển thể thành phim truyền hình với sự tham gia của nam diễn viên Ben Whishaw.
Adam Kay giờ đây đã ra khỏi ngành y và trở thành một diễn viên hài và biên kịch phim được yêu thích. Tuy vậy với những kiến thức về y học tích lũy nhiều năm, Kay vẫn xuất hiện trên các trang báo và tạp chí lớn để đưa ra những lời khuyên bổ ích cho mọi người, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh hoành hành suốt thời gian qua.