Ra đời cách đây 75-90 năm, nhưng những tiểu thuyết kinh điển của nền văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945 vẫn có sức hút đặc biệt đối với lĩnh vực giải trí, trong đó có điện ảnh.
Số đỏ
Số đỏ là một trong những tiểu thuyết làm nên tên tuổi của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Xuân Tóc Đỏ. Từ một kẻ lưu manh, hạ lưu, nhờ vào trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó, Xuân bỗng chốc đổi đời, nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội.
Số đỏ ra mắt lần đầu tiên dưới dạng truyện đăng đều kỳ trên tuần san Hà Nội báo (từ giữa năm 1936 đến đầu năm 1937). Năm 1938, Số đỏ được nhà in Lê Cường xuất bản lần đầu.
Tiểu thuyết Số đỏ do Đông A và NXB Văn học liên kết phát hành dựa trên bản in lần đầu năm 1938. Ảnh: Đông A. |
Năm 1990, nhà biên kịch Hứa Văn Định chuyển thể tiểu thuyết Số đỏ thành phim. Phim do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất và được thực hiện bởi 2 đạo diễn là Hà Văn Trọng và Lộng Chương.
Phim có sự tham của các diễn viên: Xuân Trọng vai Xuân Tóc đỏ, Thanh Trầm vai bà Phó Đoan, Phạm Bằng vai cụ Cố Hồng, Như Quỳnh vài bà Văn Minh, Trần Tiến vai TYPN, Trịnh Trịnh vai thầy Min đơ, Trịnh Mai vai thầy Min toa…
Năm 2013, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục chuyển thể tiểu thuyết Số đỏ kết hợp với hai tác phẩm phóng sự khác của Vũ Trọng Phụng là Cơm thầy cơm cô và Kỹ nghệ lấy tây thành phim truyền hình Trò đời.
Và gần đây nhất, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ anh sẽ làm phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết Số đỏ. Dự kiến phim khởi quay trong năm nay.
Sống mòn
Sống mòn là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Nam Cao. Tác phẩm được viết vào năm 1944với tên gọi ban đầu là Chết mòn. Năm 1956, Nhà xuất bản Văn nghệ ra mắt lần đầu tác phẩm này và đổi tên là tên Sống mòn.
Sống mòn đề cập đến tấn bi kịch của người trí thức trong xã hội nửa đầu thế kỷ XX. Nhân vật chính của tiểu thuyết là giáo Thứ – người từ bỏ cuộc sống chốn làng quê lên Hà Thành làm thầy giáo với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên những mơ ước của giáo Thứ đã dần lụi tàn theo cuộc sống cơ cực, với nhiều mối lo đè nặng lên vai anh, hay bị đối xử ích kỷ, hẹp hòi bởi những người xung quanh.
Năm 1982, Sống mòn cùng các truyện ngắn nổi tiếng khác của Nam Cao là Chí Phèo và Lão Hạc được đạo diễn Phạm Văn Khoa chuyển thể thành phim Làng Vũ Đại ngày ấy.
Phim có sự tham gia của diễn viên Hữu Mười vai Thứ, Bùi Cường vai Chí Phèo, Đức Lưu vai Thị Nở, nhà văn Kim Lân vai Lão Hạc.
Một poster phim Làng Vũ đại ngày ấy. |
Tắt đèn
Tắt đèn là tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn Ngô Tất Tố. Tác phẩm nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dânViệt Nam đầu thế kỷ XX. Nhân vật chính của Tắt đèn là Chị Dậu một người phụ nữ nông dân nghèo, buộc phải phải bán con kiếm tiền nộp sưu chuộc chồng.
Tắt đèn được nhà xuất bản Mai Lĩnh xuất bản lần đầu vào năm 1939. Trước đó, trên báo Tương lai (1936) có đăng truyện Một ổ chó và một đứa con đứng tên Thôn Dân. Sau đó, trên 10 số của báo Việt nữ (1937) liên tiếp đăng tác phẩm Tắt đèn ghi rõ là “tiểu thuyết xã hội của Ngô Tất Tố”.
Năm 1980, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã chuyển thể Tắt đèn thành phim Chị Dậu. Phim có sự tham gia của diễn viên Lê Vân vai chị Dậu, Ạnh Thái vai anh Dậu, nhà văn Nguyễn Tuân vai cụ cố, nhà văn Kim Lân vai Lý Cựu…
Ảnh trong phim Chị Dậu năm 1980. |
Bỉ vỏ
Bỉ vỏ là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng. Tác phẩm viết về số phận của một người đàn bà lưu manh mang tên Tám Bính.
Bính vốn là một cô gái quê hiền lành, nhưng vì nhẹ dạ nên đã có thai với một gã thư ký đạc điền và bị bỏ rơi giữa lúc bụng mang dạ chửa. Không thể chịu được những tục lệ cay nghiệt, đẻ xong, Bính phải bỏ làng ra đi. Ra đến Hải Phòng, Bính liên tiếp sa vào những cảnh thê thảm tàn bạo khác. Bị hãm hiếp, bị lừa lọc, trở thành tội phạm, rồi bị buộc phải làm nghề mại dâm.
Cuối cùng Bính lấy Năm Sài Gòn và biến thành một “đàn chị” – một tay lưu manh chuyên nghiệp hành nghề thành thạo ở trên tàu, dưới bến.
Bỉ vỏ được đạo diễn Lương Đức chuyển thể thành phim vào năm 1990. Phim có sự tham gia của Hoàng Cúc vai Tám Bính, Dũng Nhi vài Năm Sài Gòn…
Tiểu thuyết Bỉ vỏ do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết phát hành. Ảnh: sachnhanam. |
Giông tố
Giống tố là một trong bốn tiểu thuyết đặc sắc của Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm được xuất bản tại Hà Nội và in thành sách lần đầu tiên vào năm 1937.
Giông tố bắt đầu bằng chuyện cô Mịch bị Nghị Hách, triệu phú Bắc Kỳ, lừa vào ôtô cưỡng dâm. Quá uất ức, ông Đồ Uẩn làng Quỳnh Thôn đã đâm đơn kiện. Quan huyện trẻ là người theo Tây học, có đầu óc tân tiến muốn làm sáng tỏ vụ án nhưng cuối cùng tiền bạc và thế lực của Nghị Hách đã thắng… Sau nhờ sự thu xếp của Tá Anh, con trai Nghị Hách, cô Mịch được lão Nghị cưới về làm vợ Tư…
Năm 1991, Giông tố được đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi chuyển thể thành phim truyện.
Phim có sự tham gia của các diễn viên: Yến Chi vai Thị Mịch, Trọng Khôi vai Nghị Hách, Mạnh Cường vai Long, Hoàng Cúc vai Thị Kiểm, Quốc Khánh vai Vạn Tóc Mai (con Nghị Hách), Anh Tú vai Tú Anh (con Nghị Hách)…
Trọng Khôi trong vai Nghị Hách, phim Giông tố. |
Lá ngọc cành vàng
Lá ngọc cành vàng là đoản thiên tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tác phẩm được viết xong năm 1935 và xuất bản lần đầu tiên vào tháng 5/1939.
Lá ngọc cành vàng kể về Nga – một tiểu thư con quan tri phủ – đem lòng yêu thương tình si gửi đến cho Chi, con trai của một mụ bán hàng quán góa chồng nghèo xơ xác.
Gia đình quan tri phủ biết được thì tìm mọi cách ngăn cản cấm đoán mối tình ngang trái ấy. Ông quan tri phủ cho rằng cái mối tình không môn đăng hộ đối ấy là một tội bất hiếu với liệt tổ liệt tông và ông đã lạm dụng quyền làm cha mà hành hạ tinh thần của cả Nga và Chi rất khắc nghiệt.
Phim Lá ngọc cành vàng, năm 1989. |
Năm 1989, phim Lá ngọc cành vàng chuyển thể từ tiểu thuyết được công chiếu lần đầu. Diễn viên Thu Hà đóng vai Nga, Vũ Đình Thân vai Chi, Trịnh Thịnh vai quan tri phủ…