Tony Hsieh là doanh nhân, nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ. Trước khi qua đời vào ngày 29/11, ông là giám đốc điều hành trang bán lẻ giày dép trực tuyến Zappos. Năm 1999, vị tỷ phú từng bán LinkExchange – thương hiệu do ông đồng sáng lập trước Zappos – cho Microsoft với giá 265 triệu USD.
Cuốn sách Tỷ phú bán giày (tựa gốc: Delivering Happiness: A Path to Profits, Passion, and Purpose) là những đúc kết của Tony Hsieh trong hành trình vươn tới đỉnh cao sự nghiệp. Trong cuốn sách, người đọc sẽ lần lượt trải qua các cung bậc cảm xúc từ thất bại, thành công của những thương vụ kinh doanh mà Tony thực hiện khi mới 9 tuổi đến lúc lập nghiệp.
Tại Mỹ, ngay từ khi xuất bản năm 2010, Delivering Happiness: A Path to Profits, Passion, and Purpose đã lọt vào danh sách Best-seller của New York Times, trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon về chủ đề Dịch vụ Khách hàng, xếp thứ 5 trong các sách về Marketing và Bán hàng, đứng thứ 7 ở bảng xếp hạng sách về Quản lý.
Trong sách, Tony Hsieh kể câu chuyện cuộc đời mình và đan xen những trải nghiệm khi miêu tả về cách Zappos vận hành. Dưới đây là 6 bài học kinh doanh, quản trị rút ra từ cuốn sách của Tony Hsieh.
Cuốn sách Tỷ phú bán giày do NXB Lao động – Xã hội phát hành tiếng Việt. Ảnh: Shopee. |
Khám phá ra điều bạn đam mê và thứ bạn không muốn làm
Trong kinh doanh và cuộc sống, bạn buộc phải đánh đổi. Nhưng theo Tony Hsieh, điều quan trọng nhất là chúng ta tìm thứ mình đam mê. Nhận ra đam mê rất quan trọng, bởi nó giúp mọi quyết định sau đó trở nên dễ dàng. Bạn biết mình đang hướng tới điều gì, mục tiêu cuối cùng cần đạt.
“Ngừng theo đuổi tiền bạc, hãy theo đuổi đam mê” – đó là bài học xương máu mà Tony đã gửi gắm trong Tỷ phú bán giày.
Erik Moore (nhà đầu tư của Zappos) cũng từng chia sẻ về quan điểm này của Tony. “Tiền chỉ là công cụ để Tony đạt được mục đích, nó không bao giờ trở thành vấn đề với anh ấy. Nếu chỉ có 1 triệu USD, anh ấy cũng sẽ dành 999.999 USD để vực dậy Las Vegas. Anh ấy vẫn sẽ hạnh phúc với 1 USD còn lại trong ngân hàng và ở bên cạnh những người mà anh ấy yêu thương”.
Phát triển nhanh có thể phản tác dụng nếu thuê sai người
Trong hành trình khởi nghiệp, công ty tăng trưởng nhanh chóng là điều mọi CEO, Founder đều mong muốn. Nhưng Tony Hsieh cảnh báo bạn hãy cẩn trọng với sự tăng trưởng quá nhanh. Phát triển nhanh nhưng tuyển dụng không đúng người có thể là liều thuốc độc hại với văn hóa công ty.
Cho dù phải lấp bao nhiêu vị trí, bạn hãy dành thời gian xem xét ứng viên cẩn thận trước khi lựa chọn. Bạn cần đảm bảo thành viên trong tổ chức cùng chia sẻ tầm nhìn và muốn trở thành một phần trong văn hóa công ty mà bạn đã tạo ra.
Ngược lại, việc tuyển dụng nhanh có thể gây tổn hại đến văn hóa công ty nếu họ chỉ vì lợi ích cá nhân và sự thăng tiến trong sự nghiệp. Khi mắc những sai lầm này, một ngày nào đó, bạn thức dậy và nhận ra bản thân không còn thích nơi mình làm việc hay những con người ở đó nữa.
Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Tony Hsieh và “đứa con đầu lòng” LinkExchange. Khi họ bắt đầu phát triển nhanh, nhiều vấn đề và thay đổi xảy đến. Thậm chí, nó vượt khỏi sự kiểm soát của Tony. Đến nỗi, ông không nhận ra những người đồng đội trong văn phòng của chính mình.
Bị cuốn vào sự vội vã và hào nhoáng trước những thành công của LinkExchange, đội ngũ nhân sự mới vào không đam mê với sứ mệnh mà thương hiệu này tạo ra. Họ chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền và nghỉ hưu an nhàn thay vì chiến đấu, thử thách bản thân cho doanh nghiệp.
Với Tony Hsieh, khám phá ra điều bạn đam mê còn quan trọng hơn tiền bạc. Ảnh: Zappos. |
Thành bại của công ty gắn liền với văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa của một doanh nghiệp là thương hiệu gắn liền với mỗi công ty. Mỗi nhân viên là đại sứ thương hiệu. Sự gắn kết và cảm giác là một mảnh ghép của tổ chức khiến nhân sự hạnh phúc, muốn cống hiến nhiều hơn.
Tuy nhiên, chỉ kết nối thôi là chưa đủ. Đội nhóm của bạn cũng cần có mục đích và niềm đam mê chung. Với Tony Hsieh, quá trình tìm kiếm một văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời bao gồm rất nhiều thử nghiệm và sai lầm, nhưng chủ yếu là thời gian họ cùng nhau làm việc bên ngoài văn phòng. Khi đội Zappos chuyển đến Las Vegas, các mảnh ghép càng khăng khít hơn bởi sự thấu hiểu giá trị cốt lõi và thân thiết vốn có.
Liên tục đào tạo và trau dồi kinh nghiệm cho nhân sự
Tăng trưởng liên tục là mục tiêu tổng thể của một doanh nghiệp. Để làm được điều đó, bạn cần mỗi cá nhân không ngừng cố gắng. Lãnh đạo cần tạo dựng nền văn hóa mà ở đó nó thúc đẩy mỗi thành viên phát triển cá nhân và sự nghiệp. Tony kể về những trải nghiệm xây dựng thư viện tại văn phòng, cung cấp lớp học kỹ năng mới.
Lãnh đạo của Zappos có mục tiêu là giúp nhân viên khai phá tiềm năng của họ bằng cách liên tục đưa ra những thử thách mới. Hoạt động kinh doanh tổng thể liên tục đối mặt những thách thức mới, nó có lợi cho cả công ty và nhân viên nếu họ qua đó phát triển kỹ năng để giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà Zappos gặp phải.
Tony kể lại một nhân viên nọ ở Zappos, được truyền cảm hứng bởi sự tự do và luôn sẵn sàng khi nhận những thách thức mới. Nó trở thành cảm giác hạnh phúc và tự hào đến mức cô bắt đầu chia sẻ về nơi làm việc của mình tại các hội nghị. Văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy các cá nhân học hỏi, ngày càng tốt lên trở thành nguồn cảm hứng để cô đọc nhiều hơn, có lối sống lành mạnh.
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi mà Tony luôn hướng tới. Ảnh: Zappos. |
Chọn lĩnh vực mà bạn muốn tổ chức mình làm tốt nhất và tập trung cho điều đó
Tony cùng nhóm Zappos quyết định trải nghiệm hài lòng của khách hàng là điều cốt lõi và tạo ra phương châm kinh doanh “WOW” cho người mua. Zappos tập trung vào dịch vụ khách hàng đặc biệt, mang lại hạnh phúc cho họ.
Với ông chủ của Zappos, bán hàng không đơn thuần là bán sản phẩm mà phải “Delivering Happiness” – giao niềm vui, hạnh phúc tới khách hàng. Triết lý coi trọng trải nghiệm khách hàng này đã giúp Tony Hseih xây dựng Zappos từ một trang bán giày qua mạng thông thường thành công ty bán giày dép và quần áo trực tuyến lớn nhất thế giới.
Đừng xây dựng tiếng vang mà hãy tạo dựng sự gắn bó, lòng tin
Theo Tony, thay vì tìm cách thu hút giới truyền thông, bạn hãy tập trung vào trải nghiệm và dịch vụ tuyệt vời cho khách hàng. Phần còn lại sẽ tự được tạo ra khi bạn có được niềm tin từ người dùng.
Nhân viên Zappos được khuyến khích thiết lập mối quan hệ thân thiết với khách hàng và duy trì nó, thường xuyên thăm hỏi khách hàng bằng điện thoại. Hàng luôn được giao miễn phí và nhanh chóng. Các mẫu giày dép luôn được hiển thị bằng hình ảnh theo 8 góc độ khác nhau giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Khách hàng của Zappos được trải nghiệm những điều tuyệt vời chưa từng có so với các trang mạng bán hàng trực tuyến khác. Thương hiệu Zappos gây ấn tượng mạnh với người sử dụng. Họ lựa chọn gắn kết bền lâu và muốn giới thiệu cho bạn bè, người thân.