Huỳnh Thanh Bình sinh năm 1985, tốt nghiệp cử nhân Xã hội học, cử nhân Tiếng Anh, Đại học Tôn Đức Thắng; thạc sĩ Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Hiện, chị công tác tại Bảo tàng TP.HCM.
Huỳnh Thanh Bình có 3 cuốn sách được xuất bản, gồm: Tranh kiếng Nam Bộ (2013); Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo (2018). Gần đây nhất, ngày 1/11, chi giới thiệu cuốn Tranh tường Khmer Nam Bộ.
Để hoàn thành cuốn sách mới này, Huỳnh Thanh Bình dành gần 10 năm đi khảo sát hàng trăm ngôi chùa Khmer Nam Bộ và sưu tầm và chắt lọc tư liệu. Tác giả trao đổi với Zing về công việc của mình, cũng như cuốn sách mới phát hành.
Cuốn Tranh tường Khmer Nam Bộ mới ra mắt của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình. Ảnh: Q.M. |
Loại hình mỹ thuật rất hiếm gặp trong chùa chiền người Việt
– Ý tưởng thực hiện cuốn sách ảnh “Tranh tường Khmer Nam Bộ” của chị xuất phát từ bối cảnh, điều kiện nào?
– Cách đây hơn 10 năm, trong chuyến du lịch Sóc Trăng, khi đến thăm các chùa ở đây, tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của kiến trúc mỹ thuật chùa tháp Khmer. Một trong những điều làm tôi choáng ngợp là không biết những tác phẩm điêu khắc hội họa này là cái gì.
Tôi bắt đầu tìm hiểu về tranh kiếng Khmer trong nỗ lực nghiên cứu các dòng tranh kiếng Nam Bộ nói chung. Qua đó, tôi dần hiểu được nội dung các loại tranh kiếng và biết thêm nội dung một số bức tranh tường ở chùa tháp Khmer.
Càng tìm hiểu, tôi càng bị chúng lôi cuốn… Tôi bắt đầu việc tìm hiểu tranh tường Khmer một cách hệ thống. Tôi đi hết Tri Tôn, Tịnh Biên, An Giang đến Bạc Liêu rồi Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… để tìm hiểu.
– Khi thực hiện cuốn sách này chị gặp thuận lợi và khó khăn gì?
– Điều khó khăn là các tích truyện và những tình tiết của nó được thể hiện trên tranh tường. Việc này, trước tiên là phỏng vấn các vị sư sãi, các ông bà lão ở địa phương.
Kế đó, tôi dò hỏi các nghệ nhân và quan trọng là tìm kiếm tài liệu, kinh sách liên quan, đặc biệt là phải đọc kỹ bộ truyện tiền kiếp của đức Phật/Jataka và tham khảo các tích truyện trong kinh tạng Pali/Nikaya.
Điều thuận lợi là tôi được các sư sãi và nghệ nhân chỉ dẫn rất nhiệt tình. Ở đâu, tôi cũng có được những cuộc trò chuyện ân cần và rất tình cảm. Điều này là động lực lớn tạo nên sự ham thích của tôi trong quá trình nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình. Ảnh: Q.M. |
– Theo chị, tranh tường Khmer nằm ở vị trí nào trong chỉnh thể chung của văn hoá Nam Bộ?
– Tranh tường Khmer là một đại tập thành (kết quả của việc tập hợp những cái hay, cái đẹp tự cổ chí kim) của mỹ thuật Khmer nói chung, mỹ thuật Phật giáo Nam truyền Khmer nói riêng.
Đây là loại hình mỹ thuật rất hiếm gặp trong chùa chiền người Việt và người Hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là thể loại mỹ thuật đặc sắc ở khu vực đồng bằng này.
Riêng đối với truyền thống hội họa Khmer, tranh tường phong phú về số lượng lẫn đề tài và nội dung so với tranh kiếng, tranh cuộn vẽ trên vải preah bot, tranh dân gian vẽ trên giấy kờrăng, tranh minh họa sách chép tay…
Tranh tường Khmer chắc hẳn bắt nguồn từ truyền thống mỹ thuật Phật giáo Nam truyền. Do đó, tranh tường ở chùa tháp Khmer có nhiều điểm tương đồng với mỹ thuật Phật giáo Thái Lan, Lào, Miến Điện, Sri Lanka…
Nét đẹp mỹ thuật gắn liền với văn hóa – tâm linh của đồng bào Khmer
– Tranh tường Khmer là nét đẹp mỹ thuật gắn liền văn hóa – tâm linh của đồng bào Khmer. Chị có thể giới thiệu nét đặc trưng để nhận diện dòng này?
– Phật giáo Nam truyền là tôn giáo của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi ngôi chùa là một trung tâm văn hóa – tín ngưỡng của mỗi cộng đồng.
Đó không chỉ là nơi tổ chức hội hè, lễ tiết quanh năm mà còn là nơi tập trung những thành tựu nghệ thuật, bao gồm mỹ thuật kiến trúc, tượng tròn, phù điêu và các loại hình hội họa trang trí tranh tường Khmer – thể loại mỹ thuật phong phú về đề tài, nội dung và phong cách tạo hình.
Đối với tôi, mỗi ngôi chùa Khmer, cụ thể là ngôi chánh điện, đều là địa điểm đáng tham quan, bởi mỗi nơi chứa đựng một vẻ đẹp riêng: Hoặc bình dị cổ kính hoặc chân phương nền nã hoặc rực rỡ, tân kỳ.
Do đó, đến với từng địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu; Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang), các bạn có thể chọn 5-3 ngôi chùa để tham quan là có thể cảm nhận được cái đẹp của tranh tường Khmer Nam Bộ.
– Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và chị đều hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ. Vậy khi thực hiện cuốn sách này, chị có được ông chỉ dẫn gì không?
– Bố tôi, Huỳnh Ngọc Trảng, đã dành nhiều năm tìm hiểu về văn hóa Khmer Nam Bộ, song đối tượng chính của ông là văn học dân gian Khmer và thêm vào đó là các loại hình sân khấu.
Nói chung, ông chuyên sâu về nghệ thuật biểu diễn của người Khmer. Chính vì vậy, ông khuyên tôi nên đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, đó là cái bố tôi rất thích nhưng chưa làm được.
Ông là người cung cấp những hiểu biết sơ bộ về lãnh vực này cho tôi. Ông bảo ông là người “chỉ điểm”, song trong thực tế ông chỉ dạy tôi nhiều điều bổ ích để … khởi nghiệp.
– Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng từng nói thành tựu nghiên cứu của chị hôm nay bổ sung cho khoảng trống nghiên cứu của ông trước đó. Chị nghĩ sao về điều này?
– Mục đích của việc nghiên cứu khoa học là khám phá cái mới, đính chính những cái sai và bổ sung điều thiếu sót của các thế hệ đi trước.
Nói cách khác, bất cứ người nghiên cứu nào cũng phải hướng việc tìm tòi của mình vào những đề tài mới những lãnh vực chưa được nghiên cứu để tìm hiểu. Điều này mới có thể có được đóng góp mới, không trùng lắp. Sự nối tiếp của các thế hệ trong nghiên cứu là ở việc bổ sung thành tựu mới.
– Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sâu hơn, phát triển thêm mảng mỹ thuật tạo hình truyền thống Nam Bộ, hay giới thiệu một loại hình nghệ thuật khác của vùng đất này?
– Thời điểm này tôi vẫn còn thích thú với việc tìm hiểu về di sản mỹ thuật truyền thống ở vùng đất mới phương Nam. Có một số đối tượng mới nghe đến song chặng đường phía trước còn rất dài. Tôi hy vọng có được nhiều thuận duyên để có hiểu biết trọn vẹn.