Nước Nam ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một trong số đó.
Tiểu sử, sự nghiệp của ông đã được chính sử thời Nguyễn ghi chép lại, và hậu thế qua thời gian, cũng đã có những công trình tìm hiểu, nghiên cứu.
30 năm cho tác phẩm về vị danh tướng nhà Nguyễn
Tác phẩm Nguyễn Tri Phương của Đào Đăng Vỹ có thể xem là công trình toàn diện, tâm huyết về người anh hùng đất Phong Điền đã được đồng liêu đương thời ngợi ca trong bài văn mừng lễ Thất tuần vào năm Kỷ Tỵ (1869) của vị danh tướng:
“Khí thiêng liêng un đúc bởi sơn xuyên,
Tính cứng cỏi đua chen cùng tòng bá.
Trổ tài văn võ hùng anh,
Giúp nước xương minh rạng rỡ”.
Trước khi tác phẩm Nguyễn Tri Phương của Đào Đăng Vỹ được ấn hành năm 1974, ghi chép về vị đại thần nhà Nguyễn, tài liệu căn cứ chủ yếu vào những sách của Quốc sử quán nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện… nhưng dữ kiện hoặc mang tính khái quát, hoặc rời rạc, nhất là về đời riêng của ông.
Tài liệu của Pháp như Le Tonkin (Jean Dupuis), L’amiral Dupré et la Conquête du Tonkin (M.Dutreb)… có đề cập nhưng mang quan điểm của kẻ xâm lược nên tính khách quan, trung thực là một vấn đề đáng bàn. Tác phẩm Nguyễn Tri Phương của Phan Trần Chúc và Lê Quế xuất bản năm 1956 thì ở dạng lịch sử ký sự.
Tác phẩm Nguyễn Tri Phương của Đào Đăng Vỹ trở lại với diện mạo mới do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. |
Sự dụng công nghiên cứu về một anh hùng buổi nước nhà bị Tây xâm của Đào Đăng Vỹ là công việc ý nghĩa. Ông tổng hợp tư liệu kỹ lưỡng, nhờ đó phục dựng lại một gương anh hùng sống buổi giao thời trị bình và loạn lạc với sự chân thực nhất có thể từ những tài liệu Việt Pháp, cũng như tư liệu dòng họ Nguyễn Tri.
Theo chính lời tâm sự của tác giả, khởi phát cho ý tưởng viết tác phẩm từ năm 1945, nhưng rồi biến thiên lịch sử, mất mát tư liệu và biết bao nguyên do, phải đến trung tuần tháng 6/1973 tác phẩm mới hoàn thành. Tức là trải qua gần 30 năm để nghiên cứu được in thành sách.
Đặt nhân vật trong bối cảnh chung của thời cuộc
Qua tác phẩm, nhà nghiên cứu đặt nhân vật chính không ở một bức tranh cận cảnh ngay từ đầu, mà giúp độc giả có cái nhìn chân xác, toàn diện về bối cảnh thế giới, Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19 ở chương I.
Lúc này, chủ nghĩa tư bản Tây phương đang trên đường phát triển mạnh mẽ, tiến bộ không ngừng về kinh tế với những cải tiến kỹ thuật dẫn tới nhu cầu nhân công, thị trường… làn sóng đi chinh phục thuộc địa ồ ạt sang các quốc gia Á, Phi.
Trong khi đó, nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam dưới triều Nguyễn với chính sách “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa không giao lưu, hợp tác với bên ngoài, ru ngủ mình trong học thuyết Khổng Mạnh hàng nghìn năm đã lạc hậu. Để rồi khi tiếng súng xâm lược của Pháp vang lên bên tai, thì giật mình, thụ động khiến nước nhà lầm than.
Từ bức tranh rộng lớn trên, tác giả lần hồi thu tầm nhìn gần hơn để hiểu, cảm nhận đầy đủ về thời cuộc nước nhà, về con người Nguyễn Tri Phương ở 9 chương còn lại.
Sách ca ngợi anh hùng nhưng không thái quá, có công khắc ghi, hạn chế chỉ rõ. Đời làm quan của Nguyễn Tri Phương được phục dựng toàn vẹn những bước thăng trầm gắn liền với tính cách thẳng thắn, bộc trực của ông. Một hình ảnh Nguyễn Tri Phương tài năng, đảm lược hiện lên sống động.
Chân dung Nguyễn Tri Phương qua nét vẽ của người Pháp. Ảnh: Gothere. |
Kẻ thù cũng phải kính phục
Xuất thân từ đất Phong Điền thuộc Thừa Thiên Huế ngày nay, Nguyễn Tri Phương là người “tính khí khác thường, thân hình tráng kiện, trí óc phi phàm, thông minh tuyệt vời mà hạnh kiểm thuần lương, chăm học, hay suy nghĩ mà ít nói”.
Bước chân hoạn lộ của Nguyễn Tri Phương xuất phát điểm rất thấp khi làm chân thơ lại rồi nhờ phá được vụ án khó mà vào Bộ Hộ trong kinh thành Huế.
Khi ở kinh đô, ông là vị quan văn mẫn cán, làm đến Hồng lô tự khanh trong Nội các. Lúc Nam Kỳ có loạn Lê Văn Khôi, Nguyễn Tri Phương từ văn sang võ để rồi vó ngựa ruổi khắp đất nước.
Nghiên cứu đời cầm quân của vị danh tướng, Đào Đăng Vỹ tổng kết: “Từ khi ra cầm quân, đã thắng quân phiến loạn tại Nam Kỳ, sau đó cụ liên tiếp đánh thắng giặc Miên, giặc Xiêm. Lúc ra Bắc, cụ lại thắng giặc Khách, giặc Tàu Ô, giặc Phụng, giặc Cờ Đen, và tất cả giặc chòm giặc cỏ, tỉnh nào loạn cụ đến là bình, tỉnh nào bất an, cụ đến là tình hình ổn định. Từ tuổi trẻ cho đến già nua, trên 70 tuổi, cụ đánh đông, dẹp bắc, đi đâu thắng đó”.
Trải qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, với tài năng, sức vóc của mình, ông đều được các đời vua trọng dụng, tin tưởng.
Vua Tự Đức ghi nhận tài năng của ông, đã khen: “Khanh là bậc công thần túc tướng, uy phong lừng lẫy, trải thờ ba triều, đánh hơn trăm trận, trước dẹp phương Nam, nay yên đất Bắc, một lòng yêu nước thương dân, chẳng nài khó nhọc”.
Có lẽ, đời làm quan của vị danh tướng, được nhớ nhất khi đương đầu với quân xâm lược phương Tây. Kẻ thù xâm lược nước nhà, dẫu tuổi đã cao, sức đã mỏi nhưng ông vẫn lĩnh trọng trách vua giao mà dấn thân nơi sa trường để rồi cha con, anh em cùng chết về nạn nước.
Ở phía đối địch, người Pháp cũng phải dành những lời trang trọng cho vị tướng của đối phương. Ở lần gặp nhau đầu tiên khi Garnier ra thành Hà Nội, đã cảm nhận về vị Khâm sai nhà Nguyễn qua đoạn hồi ký:
“Tôi băng qua cửa thành và đến Dinh ông tướng lúc ông còn chưa kịp mặc áo ngoài. Tôi phải nhìn nhận rằng ông già này – ông đã 74 tuổi – đã cư xử rất lanh trí. Ông tỏ ra rất lịch sự […], biết che giấu uất hận của ông dưới nụ cười và lời lẽ nhu mì”.
Quân Pháp tấn công thành Hà Nội năm 1873, Nguyễn Tri Phương dẫn quân lên thành cự địch và bị trọng thương. Tranh: EFEO. |
Trong khi đó, ở trận tấn công thành Hà Nội năm 1873, lái buôn J. Dupuis là kẻ khai mào xung đột cũng phải ghi nhận sự anh dũng vô song, luôn đi đầu trước hòn tên mũi đạn của Nguyễn Tri Phương khi viết trong cuốn Le Tonkin:
“Quan Thống soái già đã bị thương lúc phòng thủ cửa Nam […]. Người ta tìm thấy ông và vị Khâm sai của Triều đình Huế cùng hai người con của ông Phan Thanh Giản trong một nhà tranh gần cửa Nam. Quan Thống soái bị một vết thương ở bụng dưới, chắc là không lành được. Ông ta đã muốn leo lên đầu thành để phấn chấn quân lính, và một viên đạn đã bắn trúng ông”.
Thành mất, thân bị thương và rơi vào tay giặc. Nhưng khí chất anh hùng của Nguyễn Tri Phương vẫn còn đó. Ngay cả việc chọn cái chết cũng thể hiện sự bi tráng của một người anh hùng như lời nhận xét của Đào Đăng Vỹ: “Một cái chết oai hùng, bỏ ăn bỏ thuốc mà chết, cái chết vinh dự thay cho một vị tướng, khiến cho quân thù từ trước đã kính phục ông sau càng kính phục thêm trăm vạn lần!”.
Người Pháp trước sự hiên ngang của Nguyễn Tri Phương cũng phải nhìn nhận như lời Ch. Gosselin trong sách L’Empire d’Annam: “Ông bị thương trong trận tấn công thành và chết vì vết thương, từ khước sự săn sóc của các bác sĩ Pháp, và tự ông rứt bỏ đồ băng bó trên vết thương”.