Về ma quỷ, Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa ma là “người đã chết, đã thuộc về cõi âm”, “sự hiện hình của người chết, theo mê tín”; còn quỷ là “con vật tưởng tượng dưới âm phủ, hình thù kỳ dị và dữ tợn, hay hiện lên quấy nhiễu và làm hại người, theo truyền thuyết”.
Trong những tác phẩm của Việt Nam thời trung đại, không thiếu sách đề cập đến ma quỷ, cho thấy đời sống tâm linh, tín ngưỡng đa dạng và phong phú của dân ta. Đơn cử có thể điểm nhiều tác phẩm liên quan như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh hay Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Thoái thực ký văn…
Quỷ ma biến hóa khôn lường để hại người
Ma quỷ thường có hình dạng kỳ dị, xấu xí làm người trần xa lánh. Do đó, để có thể xâm nhập vào đời sống của người dân, chúng phải biến hóa hình dạng để dễ làm hại nhân gian.
Thời Lạc Long Quân, Âu Cơ, quỷ ma đã được ghi nhận qua Lĩnh Nam chích quái với những truyện về Ngư Tinh mình dài mười trượng, chân như chân rết; Hồ Tinh là cáo chín đuôi thành tinh; Mộc Tinh là cây chiên đàn biến thành yêu. Chúng đều có khả năng thay hình đổi dạng để hại người, sau đều bị Lạc Long Quân diệt trừ.
Sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng kể chuyện thời Lý Thái Tông có yêu quái ẩn trong cung điện hay kêu khóc, sư Giác Hải và đạo sĩ Huyền Thông đến yểm trừ. Giác Hải lấy mấy hạt châu gõ vào nóc nhà thì tiếng kêu khóc im bặt. Thông Huyền dùng lệnh bài đập vào cột thì có bàn tay to tướng ló ra trên tường, Thông Huyền dùng con rắn mối vứt xuống đất thì yêu quái mới hết.
Tác phẩm Thánh Tông di thảo đề cập nhiều truyện linh dị liên quan đến ma quỷ. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Trong khi ấy Thánh Tông di thảo (bản thảo còn sót lại thời Thánh Tông) ghi chép nhiều truyện yêu ma quỷ quái. Ngay đầu tác phẩm là truyện yêu nữ châu Mai cuối đời vua Trần Thái Tông vốn là nữ yêu tinh lúc thì hóa thành người đầu to bằng bánh xe, lúc hai đầu sáu mình, có khi biến thành gái đẹp khiến trai tráng si mê đến thiệt mạng.
Chẳng những thế, nữ yêu lại có giọng hát hay, trong như ngọc, cư xử như người khiến “người địa phương bị khổ sở vì nó, đã dùng nhiều phép trừ yểm, nhưng đều vô hiệu”; sau phải cầu Phù Đổng trấn áp mới công hiệu.
Quỷ ma thành tinh có thể biến hóa khôn lường làm rối mắt người thường, nên phải người cao tay mới trị được. “Truyện tinh chuột” trong Thánh Tông di thảo cho thấy điều đó khi chuột thành tinh biến hóa thành người khác y như thật khiến quan xử án cũng không nhận ra ai thật, ai giả, lại nhờ đến Đổng Thiên vương dùng bùa mới xong.
Ma quỷ đông đến hàng vạn là những hồn ma vất vưởng của quân Minh sau thất bại ở Tụy Động “đứa cụt chân, đứa mất đầu, hình dáng kỳ quái, phần nhiều không được trọn vẹn”. Trong truyện Người trần ở Thủy Phủ của Thánh Tông di thảo vẫn thể hiện ma giữ được chất người, vì là cô hồn không nơi nương tựa nên đói phải làm việc quấy.
Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ thì ghi sự lạ hồn ma phá phách. Ở quê tác giả có ả đào đi ngang qua chùa Phổ Thiên, bị long thần trong chùa đánh chết. Sau này “hồn của người ả đào đến khoảng giữa đời Cảnh Hưng vẫn còn lẩn quất ở cây đa sau chùa quấy phá hành khách, người trẻ tuổi đẹp trai đi qua đây thường ốm đau mà chết”.
Tranh vẽ trong Lĩnh Nam chích quái của Tạ Huy Long. Nguồn ảnh: NXB Kim Đồng. |
Ma quỷ gắn với điềm xấu
Hầu như trong các sách viết liên quan đến ma quỷ, yêu tinh thời trung đại như Lĩnh Nam chích quái, Kiến văn lục… cứ ở đâu có chúng, ở đó gắn với hoặc tai họa, hoặc dịch bệnh hay chiến tranh.
Vũ trung tùy bút ghi ở đất Yên Sơn năm Nhâm Tuất (1802) có con bò đẻ một trẻ trai, vài ngày đã lớn phổng lên như trẻ 12, cằm mọc râu, ăn nhiều mà lại không biết nói. Người ta sợ là yêu quái nên giết đi thì dịch bệnh phát ra làm hàng trăm người chết.
Ngược thời gian trở về với thời nước Âu Lạc, Lĩnh Nam chích quái ghi việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, nhưng thành cứ xây xong lại đổ. Sau được thần Kim Quy cho biết là do tinh khí con vua đời trước muốn báo thù.
Lại có con gà trắng sống đã nghìn năm, biến thành yêu tinh hại người. Con gái người chủ quán Ngộ Không cũng là dư khí yêu tinh. Thế nên thành mới không xây được. Sau phải giết con gà trắng tế thần, quỷ tinh mới tan biến, việc xây thành Cổ Loa mới xong được.
Ma nữ như Nhị Khanh ở “Chuyện cây gạo” trong thiên cổ kỳ bút Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ cũng là loại ma nữ xấu. Chết rồi nhưng vẫn hiện hồn để ve vãn, quan hệ tình ái với Trình Trung Ngộ, rủ chàng chết theo để rồi sau gây tai vạ cho dân, sau lại lấy cây gạo nương tựa làm yêu làm quái.
Sách xưa có câu “Thấy quái mà không cho là quái, thì quái tự mất”. Ý chỉ dù biết là quái, là yêu đấy, nhưng không sợ, dám thi gan thì nó bị lấn át mà phải thôi không dám làm hại nữa. Truyện “Thấy quái mà không sợ” ghi trong Thoái thực ký văn là một minh chứng.
Số là đầu thời Gia Long, Trấn thủ Hải Dương là Nguyễn Văn Ân phá tháp Đồ Sơn lấy gạch đá làm dinh trấn. Một tháng sau thì toàn việc quái dị xảy ra như đêm thấy góc phòng có ánh sáng trắng; lúc ngủ có tiếng sột soạt đi tới cạnh giường rồi có vật đè lên người, “Văn Ân vội cuộn chăn chụp được, vật ấy dần co lại bằng cánh tay”, sau ông đánh chết thì là con chuột bạch. Từ đó việc quái dị mới hết.
Truyện Đánh ma trong Kiến văn lục của Vũ Trinh dẫu giản đơn, nhưng cũng cho thấy ma quái thường gắn với việc xấu hại người hơn là việc thiện.
Điều đó thể hiện ở việc Nguyễn Hãn người Thanh Trì đặt đó bắt cá mà cá bắt được toàn bị ma ăn mất. Sau phải rình phục mà đánh cho tan ra thành mảnh sàng, quần áo, chổi rách thì mới diệt được.
Tác phẩm Thoái thực ký văn có mục “Trưng kỳ” ghi việc quỷ thần. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Ma quỷ cũng có tính nhân
Theo Lĩnh Nam chích quái, ngay chính Lạc Long Quân cũng có khả năng biến hóa muôn hình vạn trạng, lúc là yêu tinh, lúc là quỷ, khi là rồng, lúc là hổ… Riêng Lạc Long Quân dù biến ra cả ma quỷ, nhưng lại là người tốt, giúp dân diệt trừ họa ma quỷ, giao long…
Nghe tới quỷ, ma là nói tới sự xấu, nhưng không phải hoàn toàn vậy. Việt điện u linh (việc u linh ở cõi nước Việt) của Lý Tế Xuyến ra đời đầu thế kỷ 14 viết về những thần linh nước Việt, nhưng cũng song hành với đó đề cập đến ma quỷ có tính nhân.
Trong truyện viết về Lý Phục Man vốn là tướng của vua Lý Nam Đế thế kỷ 6, đã hiện lên trong mộng vua Lý Thái Tổ ở thế kỷ 11 kể khi chết mình được thượng đế cho lãnh đội quỷ binh. Với đội quỷ binh ấy, Lý Phục Man từng giúp Ngô Quyền, Lê Đại Hành dẹp giặc.
Nam Ông mộng lục ghi nhiều sự quái dị. Truyện “Tổ linh định mệnh” nói về việc Trần Nhân Tông mất được Trần Anh Tông hỏa táng. Lúc ấy ngôi thái tử chưa định liệu vì chưa có con đích. Sau khi bọc cốt, thì xá lị Nhân Tông bay vào ống tay người cháu thứ, tức là Hoàng tử Mạnh, “hễ lấy ra lại cứ bay vào”. Thế là Mạnh được làm Thái tử, tức vua Trần Minh Tông, nhờ hồn thiêng của ông nội chọn.
Hai tác phẩm Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh đề cập đến quỷ thần. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Nhiều tác phẩm như Việt điện u linh, Thánh Tông di thảo… kể những chuyện các bậc vương, đế, danh nhân nằm mộng, được hồn người chết nhập mộng má báo việc này sự nọ, nhưng thường đều thể hiện tâm tính con người cả. Như trường hợp nàng Mỵ Ê hiện hồn báo mộng cho vua Lý Thánh Tông trong Việt điện u linh tỏ bày sự oan khuất của mình rồi sau được lập đền thờ.
Trong Tang thương ngẫu lục có truyện Thơ ma. Theo đó có ngôi chùa Nguyệt Đường gần trấn Hoa Dương là nơi đô hội, bỗng một hôm trên vách đề bài thơ tứ tuyệt.
Nội dung bài thơ đại ý nói mấy năm không đến thăm chùa, cảnh chùa vẫn như cũ. Trước mồ cỏ mọc như nỗi hờn của người vợ và em gái, “lời rất thê thảm, ngờ đó là thơ ma”. Làm thơ giãi bày được nỗi lòng thì phải là người có học.
Ma cổ thụ trong tác phẩm Kiến văn lục cũng là một trường hợp có nhân tính. Nó náu mình trên cây đa lớn ở phố Đình Ngang của kinh đô, có tài biến hóa làm cho thầy cúng, phù thủy cũng phải thua, còn dân làng phải lập đền thờ.
Ông Nguyễn Kính chẳng sợ ma cổ thụ, bị làm cho đau ốm, rồi ma cổ thụ biến thành thiếu phụ cho thuốc nhưng bị Kính nổi giận mắng nhiếc, cuối cùng ma không làm hại ông.
Làm ma, làm quỷ, cô hồn theo quan niệm dân gian, ấy là do lúc sống nghiệp chướng nặng, làm việc tà ác, hoặc chết oan chết uổng. Thế nên cô hồn cũng có khao khát được giải oan lắm. Chuyện gã trà đồng giáng sinh của Truyền kỳ mạn lục là một ví dụ.
Lúc hàng trăm giống ma quái kẻ vít thuyền, kẻ leo lên đầu thuyền định hại Dương Thiên Tích, được Đạo nhân kêu gọi chúng rửa ruột, thay lòng quay về hướng chính, tâu lên thượng đế để giải nghiệp oan hồn thì chúng sung sướng reo vui, dừng việc hại người rồi tan biến, ấy cũng là tính nhân còn lẩn khuất sau khi chết.