Những người đàn bà phi thường của Đinh Giang là tập truyện ký, tản văn viết về những phụ nữ được ví mềm mại như dòng nước chảy, nhưng lại gánh trên vai nghị lực như đá. Đó là những phụ nữ can trường, đầy lòng nhân hậu và kiên nhẫn… Được sự đồng ý của tác giả, Zing trích đăng một phần cuốn sách.
Tôi rất thích lục giỏ mạ. Đó là một thế giới nhỏ bé nhưng vô cùng hấp dẫn. Tôi muốn kiểm tra xem trong đó có chứa lỉnh kỉnh những gì mà lại được kè kè ở bên cạnh bà suốt cả ngày, trong khi tôi có lúc hai ba ngày chưa thấy mặt. Những dịp cao điểm bán buôn, khi mạ tôi trở về nhà là lúc tôi đã đi ngủ, tới chừng sáng ra, lúc tôi đi học thì bà lại đi rồi.
Tiếng là buôn bán ở chợ nhưng mạ tôi không có một sạp hàng hay chỗ ngồi cố định. Vật bất ly thân của bà là một cái giỏ đi chợ bằng nhựa, thường là màu đỏ cho lâu cũ, phía dưới đáy giỏ đựng một cái đòn nhỏ cũng bằng nhựa với bốn chân ngắn cũn được lật úp mặt xuống cho đỡ tốn diện tích, lọt trong lòng nó là một cái túi xách cỡ vừa, thường là màu đen, trong đó có chứa những gì tôi không nhớ rõ, nhưng có thể tạo ra cơm.
Có một thứ đặc biệt ấn tượng khiến tôi mê mẩn nhớ mãi trong cái giỏ ấy, là cây son. Luôn luôn có một cây son ở đó.
Nó dường như đến từ một thế giới khác, một thế giới đã mất. Đối với tụi con gái nhỏ chúng tôi hồi đó, son phấn là những thứ rất xa lạ, bí ẩn và mê hoặc. Thời đó son cũng không có nhiều màu nhiều loại như bây giờ, hoặc nếu có thì cũng ở một nơi nào khác.
Những thứ như son phấn, xà bông thơm, áo quần đẹp,… đến trên TV tụi tôi cũng còn chưa thấy nữa là ngoài đời thường. Lâu lâu mấy cửa tiệm chuyên bán đồ Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo trước mặt chợ Đông Ba có ít hàng loại này là chỉ kín đáo dành cho khách quen sang chảnh, khái niệm hàng xách tay chắc là bắt đầu từ đó.
Tác giả Đinh Giang tại buổi ra mắt sách Những người đàn bà phi thường. Ảnh QM. |
Cây son của mạ có màu đỏ rực nồng nàn và thơm tho kỳ lạ. Nó nằm nép mình im lặng nhưng kiêu hãnh dưới đáy giỏ, tận hình dáng đẹp đẽ khác biệt. Tôi chưa bao giờ kìm được ham muốn mở nắp ống son ra, vặn thật chậm, ngắm nhìn thỏi son đỏ mượt mà như cánh hồng nhung từ từ nhô lên như có phép thuật.
Tôi hít hà mùi của nó một hơi thật dài và thầm nghĩ mai mốt lớn mình sẽ tô son thiệt đẹp giống mạ.
Cây son dịu dàng đưa cho tôi một sợi dây vô hình, lần dắt tôi về quá khứ, cái thời mạ tôi vẫn còn thảnh thơi, trang điểm tươi tắn chờ ba về chở đi dạo những chiều cuối tuần, nơi hàng quán phố xá xôn xao, nơi đàn ông cư xử lịch lãm, đàn bà, con nít được bảo bọc, chở che và giới thợ thuyền, dân nghèo thì thiện lương, chất phác.
Lúc đó tôi chưa hề được sinh ra, chưa từng được chứng kiến mà sao tôi vẫn nhớ về nó nao nao như một phần của cuộc đời mình. Mãi bây giờ tôi mới hiểu đó là cái phông nền của mình, ba mạ tôi đã gắn anh em chúng tôi vào đó ngay cả khi chúng tôi chưa chào đời. Vậy nên những khắc nghiệt của cuộc sống mới cũng không thể khiến mạ tôi quên tô son mỗi ngày.
Chắc có lẽ son phấn giúp bà luôn tự tin, bất chấp cuộc bươn bả mưu sinh mỗi ngày. Hay thói quen giữ cho mình được tươm tất, gọn gàng đã in vào nếp nghĩ của bà, không dễ gì ngày một ngày hai thay đổi được.
Nhiều lúc tôi nghĩ, son phấn với những người đàn bà như mạ tôi không đơn thuần chỉ để trang điểm, nó giống như là vũ khí, là thành trì của họ hơn. Nếu thiếu son phấn, họ sẽ mất đi mấy phần sức mạnh để đối phó với cuộc đời.
Nhưng chuyện mạ tôi đi buôn đi bán mà sửa soạn cũng không khiến tôi ngạc nhiên bằng việc mệ Tải bán nước mắm mà lại mặc áo dài. Tôi không biết mệ bao nhiêu tuổi và ở đâu, nhưng mỗi khi mệ gánh mấy can nước mắm đi ngang trước cửa ngõ nhà là lưng áo gầy guộc của mệ đã thấm ướt mồ hôi.
Mệ hay mặc áo dài bằng vải thô màu nâu đất hay vàng sậm, dáng áo suông nhẹ và cổ áo thấp, kiểu dáng bình dân nhưng nền nã.
Tà áo lất phất ríu rít hai ống quần làm tôi có cảm giác cái đòn gánh trên vai mệ như nặng thêm. Thế mà mệ vẫn cứ đi điềm nhiên, lưng bà già thẳng ro như thể cái nắng hỗn hào ngoài đường chẳng qua cũng chỉ là chuyện thường tình thế sự.
Hai ba đứa con nít bọn tôi hay đứng vây quanh, không hiểu nổi cái người buôn gánh bán bưng này tại sao lại không hề có chút nào là lam lũ như đáng lý ra phải thế. Từ cái áo dài thô sần của mệ lan ra một vẻ gì vừa điềm tĩnh vừa bao dung.
Mệ Tải khác lạ đến nỗi đôi khi tôi tưởng mệ cứ thế gánh mấy can nước mắm đi thẳng vào sân nhà mình. Có lần không kìm được ngạc nhiên tôi bật hỏi: “Mệ, răng mệ gánh nước mắm đi bán mà lại mặc áo dài chi cho cực?”.
Mệ quạt cái nón lá ố màu làm lất phất mấy sợi tóc bạc trên vầng trán nhăn sạm, nở một nụ cười từ tốn hiền khô rồi trả lời: “Tui quen rứa rồi, chừ ra đường mà mặc áo cụt là thấy ốt dột khó chịu”.
À ra vậy. Những người đàn bà này đã được giáo dục như vậy.
Họ có nhiệm vụ phải giữ gìn phẩm giá của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nên dù có ngược xuôi kiếm sống thì họ vẫn giữ cho bằng được sự tử tế đàng hoàng, biểu hiện cả ở dáng vẻ bên ngoài.
Cái phẩm giá đó, nền giáo dục đó, bất kể là người giàu hay người nghèo, dạy họ biết trân quý giá trị bản thân và không cho phép họ lôi thôi nhếch nhác, bỏ mặc mình bầm dập, thôi kệ cho hoàn cảnh lôi đi. Nó càng không cho phép họ mượn tình cảnh mà cư xử hồ đồ, nói năng xằng bậy hay hằn học với cuộc đời.