Chân dung
Zing lược dịch gửi tới độc giả một chương trong cuốn “LeBron James: Câu chuyện truyền cảm hứng từ một trong những VĐV bóng rổ hay nhất lịch sử”. Phân đoạn này ghi lại những ngày đầu tiên gian khó của LeBron James khi anh phải xa gia đình, nỗ lực học tập và trở thành hiện tượng bóng rổ ở cấp trung học.
Những câu chuyện về việc LeBron James bền bỉ như thế nào và chinh phục đỉnh cao NBA ra sao đã xuất hiện trong hơn một thập kỷ qua. 10 trận đấu NBA Finals gần nhất, LeBron góp mặt trong 9 trận. LeBron giành 4 chức vô địch NBA, 4 danh hiệu Finals MVP và 4 danh hiệu MVP.
Nhưng tất cả sự hào nhoáng, đỉnh cao danh vọng đó đều bắt đầu từ căn nhà tập thể nhỏ bé tại Akron, bang Ohio.
LeBron James vừa giành chức vô địch NBA cùng Los Angeles Lakers. Ảnh: Getty. |
Xuất thân gian truân
LeBron Raymone James có một sự khởi đầu vất vả trong cuộc sống. Anh là đứa con của một người mẹ vẫn còn đang tuổi vị thành niên và một người cha rũ bỏ trách nhiệm. Sinh ngày 30/12/1984, LeBron sớm biết sự khắc nghiệt từ khi còn đỏ hỏn. Cha của LeBron không hề có một chút hứng thú về việc anh được sinh ra và từ chối có mặt trong cuộc đời anh.
Akron cũng không phải nơi tốt đẹp đối với một bà mẹ đơn thân như Gloria James. Nền công nghiệp sản xuất lốp xe của thành phố đi xuống trầm trọng vào những năm cuối thập niên 80 và đầu 90, kéo theo sự bất bình đẳng lớn trong xã hội khi những người nghèo khó không tìm được cơ hội vươn lên.
LeBron sinh ra và được nuôi dưỡng tại vùng ngoại ô của Akron. Ngay sau khi sinh, mẹ Gloria James phải quay lại trường học ngay lập tức, để lại LeBron cho bà ngoại. Tuy nhiên, khi James 3 tuổi, bà ngoại của anh mất vì đột quỵ.
Bà Gloria James là nguồn động lực đặc biệt với LeBron. Ảnh: Getty. |
Gánh nặng tài chính đổ dồn lên đầu người mẹ đơn thân còn trẻ tuổi và chẳng mấy chốc hai mẹ con phải sống qua ngày tại từng vùng tái định cư. Không thể kiếm được việc làm ổn định, cuộc sống của Gloria và đứa con trai của cô là những chuỗi ngày chuyển nhà, chuyển trường. LeBron James không hề có được sự ổn định trong cuộc sống.
Chàng trai bé nhỏ loay hoay lớn lên. Mẹ thường đi vắng nhiều ngày và tất cả mọi thứ trong cuộc sống của mình, LeBron đã phải lo liệu từ khi mới lên 7. Sự khó khăn vất vả khiến cậu bé già đi trước tuổi. Ánh mắt của LeBron ít khi nào có được sự ngây thơ của con trẻ, Anh cũng gần như chẳng bao giờ cười. Cuộc sống chỉ thay đổi với LeBron, khi anh tham gia vào đội bóng bầu dục có tên East Dragons.
LeBron nếm được niềm vui từ đây và dần có nền tảng tinh thần vững chắc trong cuộc sống. Thể thao giúp LeBron bắt đầu có những người bạn. Frankie Walker, con trai của huấn luyện viên trưởng đội bóng, trở thành người bạn đầu tiên của LeBron trong cuộc sống.
Dần dần, LeBron trở nên thân thiết với gia đình Walkers. Tới năm anh 9 tuổi, LeBron xin mẹ đến ở nhà gia đình này. Người mẹ đơn thân có phần đau khổ khi không lo được cho con trai nhưng bà biết, đó là điều tốt cho LeBron. LeBron cần một địa chỉ nhà để có thể đăng ký theo học. Trên tất cả, LeBron cần một mái ấm.
Gia đình Walkers đăng ký cho LeBron theo học cùng ba đứa trẻ gia đình tại trường tiểu học Portage Path. Đáp lại tình cảm đó, LeBron luôn cố gắng hết sức học tập, cư xử điều độ và tránh xa tất cả những cám dỗ. Đây cũng là nơi LeBron bắt đầu làm quen với trái bóng cam.
Với tất cả tiện nghi trong cuộc sống nhưng LeBron và mẹ Gloria James không hề mất đi sợi dây tình cảm gắn bó. Gloria thường tới thăm con trai mỗi cuối tuần. Cô đảm bảo chắc chắc tất cả số tiền mình làm được đều giành cho LeBron.
Gloria không muốn mình biến mất trong cuộc đời vốn đã thiếu thốn tình cảm gia đình của người con trai bé nhỏ. Đó là lý do mà người đầu tiên LeBron gọi điện sau khi giành chức vô địch thứ 4 trong sự nghiệp cùng Lakers là bà Gloria.
Những bài học bóng rổ đầu tiên
Từ khi còn nhỏ, LeBron đã tới những phòng tập bóng rổ của những người chơi lớn hơn mình nhiều tuổi. Anh thường lui tới công viên Elizabeth. Luật lệ ở đây là mỗi người bỏ tên vào một cái nón. Sau đó sẽ bốc thăm chọn đội. LeBron hiếm khi nào được chọn. Anh coi đó là sự khinh thường.
LeBron không nói ra miệng nhưng anh tin do mình nhỏ bé nên bị gạt ra. Anh liền luyện tập dứt điểm bằng cả hai tay. LeBron là người thuận tay trái nhưng lại ném bóng bằng tay phải. Điều này giúp anh dễ dàng ghi điểm hơn. Dần dần LeBron thống trị sân chơi. Đây cũng là bàn đạp đầu tiên đưa anh vươn tầm ngôi sao.
Sự chú ý của truyền thông và công chúng đã theo LeBron từ những ngày đầu tiên. Ảnh: Getty. |
LeBron ở lại căn nhà của gia đình Walkers cho tới khi 17 tuổi. Đó cũng là lúc tiếng tăm của LeBron bắt đầu cất cánh. Ngừoi ta truyền tai nhau về chàng trai tại trường trung học St Vincent – St Mary với tốc độ đáng kinh ngạc trong một thân hình to lớn và khả năng chuyền bóng ấn tượng.
Vé xem các trận đấu của LeBron thường xuyên bán hết. Các trận đấu của trường trung học này sau đó phải chuyển tới thi đấu tại nhà thi đấu với sức chứa lớn hơn để có thể phục vụ nhiều khán giả.
“Hiện tượng” LeBron James khiến ESPN phải truyền hình trực tiếp một trận đấu bóng rổ học sinh trung học toàn quốc. Trong khi những đồng đội còn đang tuổi lớn, LeBron đã sẵn sàng cho NBA với màn trình diễn 31 điểm trước đội bóng trung học số 1 nước Mỹ thời điểm đó, Oak Hill Academy. Đã có những khẳng định chắc nịch: đây là cầu thủ bóng rổ trung học hay nhất lịch sử.
Điều khác biệt giữa LeBron James và những ngôi sao trung học khác là sự trưởng thành trong lối chơi. Là ngôi sao nhưng LeBron đề cao những đường chuyền và luôn muốn các đồng đội cùng tham gia. Điều này phải nhắc tới vai trò của huấn luyện viên John Reed.
Ông là người đã giúp LeBron biết cách trở thành một cầu thủ bóng rổ thực sự vì tập thể. LeBron học chơi tất cả vị trí trên sân. Nhờ đó anh biết được vai trò cũng như cách nhìn trận đấu từ mọi góc độ.
Những người từng tiếp xúc với anh từ nhỏ hiểu được vì sao James trở thành vĩ đại như hôm nay. Mặc cho những khó khăn, gian khổ trong cuộc sống, LeBron luôn nhìn mình như một người chiến thắng.
Đứng trước thử thách, LeBron luôn tích cực. Thay vì bị đánh gục bởi những lời nhận xét, châm chọc cay đắng trong cuộc sống, như lần thất bại đáng xẩu hổ trước Dallas Maverick tại Chung kết NBA 2011, LeBron không ngừng tiến lên. Vì anh luôn tin mình là người dẫn đầu và sẽ là người chiến thắng chung cuộc.