Khoảng năm 2000, trên báo Văn nghệ Trẻ (thuộc tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam) mở chuyên mục mới. Ban biên tập “đặt hàng” các nhà văn nổi tiếng chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, cũng như những chuyện “bếp núc” của công việc sáng tác với mục đích từ mỗi bài viết sẽ là những bài học thiết thực, giúp ích cho các tác giả trẻ, nhất là những người mới chập chững thử sức với văn chương.
Nhà văn Tô Hoài là một trong những người đầu tiên được Ban biên tập “chọn mặt gửi vàng” vì ông từng có những cuốn “cẩm nang viết văn” được nhiều người tìm đọc như: Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, Sổ tay viết văn: Những chia sẻ về kinh nghiệm cầm bút…
Trưng bày ảnh chân dung Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Một nhà văn chuẩn chỉ, nghiêm túc và đúng hẹn
Khi đó, tôi được nhà văn Trần Thị Thắng, Trưởng ban, giao nhiệm vụ hàng tuần đi nhận các bài viết của ông, tôi háo hức lắm. Ngày còn nhỏ, tôi đã mê mẩn tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, từng rơm rớm nước mắt khi đọc đến đoạn Dế Choắt bị chị Cốc hại chết, từng phiêu diêu theo bước đường giang hồ của anh chàng Dế Mèn.
Sau Dế Mèn phiêu lưu ký, tôi cũng thích thú không kém với các tác phẩm như O Chuột, Võ Sĩ bọ ngựa, Đám cưới chuột, Mụ Ngan, Cá đi ăn thề, Dê và lợn, Bốn con gà...
Giờ được gặp tác giả, được trò chuyện cùng ông và ở một góc độ nào đó là tôi được làm việc cùng ông, quả không có hạnh phúc nào bằng. Nhưng tôi cũng có đôi chút e dè khi mình chỉ là phóng viên đến làm việc với một nhà văn lớn.
Khác với sự lo ngại của tôi, việc đến nhà và được làm việc cùng nhà văn Tô Hoài vô cùng dễ chịu. Ông có phong thái khoan thai, điềm đạm, vẻ mặt hiền hậu, cách nói chuyện từ tốn, nhẹ nhàng.
Không hiểu sao khi ngồi với ông, tôi có cảm giác như thể ông là người thân trong gia đình. Đặc biệt, đối với công việc, ông rất chuẩn chỉ, nghiêm túc và đúng hẹn. Điều này với các tờ báo rất quan trọng.
Cộng tác với Văn nghệ Trẻ, một số nhà văn thường để tòa soạn phải gọi, giục khá nhiều lần mới có được bài viết đã đặt. Thậm chí, có nhà văn lúc tòa soạn gọi điện thì cam kết sống chết bài đã viết xong, đang cho người mang đến. Bộ phận trực kỹ thuật dàn trang chờ sẵn, đợi có bài sẽ đổ chữ vào phần ”đất” chờ. Đến phút 89, nhà văn kia mới thú nhận là chưa viết được chữ nào!
Thế nhưng, nhà văn Tô Hoài chưa một lần chậm trễ hay thất hứa. Ông đã nhận là chắc chắc sẽ viết, nộp đúng hẹn, thực hiện đúng yêu cầu. Vì thế, công việc làm “người liên lạc” của tôi khi đó rất nhàn. Cứ đúng ngày, đúng giờ ông dặn, tôi chỉ việc qua nhà, nhận ”sản phẩm”.
Cuốn tự truyện của nhà văn Tô Hoài. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Lần nào cũng thế, ông trịnh trọng trao cho tôi bản thảo được viết nắn nót trên những trang giấy màu vàng ngà không có dòng kẻ nhưng chữ ngay ngắn và rất thẳng hàng. Tôi vẫn nhớ chữ ông khá nhỏ, các nét viết mộc mạc, dễ nhìn và đặc biệt là rất ít khi gạch xóa.
Nhưng ấn tượng hơn cả đối với tôi trong vai trò ”người liên lạc” chính là những cuộc trò chuyện cùng ông trong căn nhà 21 phố Đoàn Nhữ Hài vào mỗi thứ hai hàng tuần.
Tôi thường tìm cách nấn ná, tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngôi nhà ấy. Bởi, ông đã lớn tuổi, khách ngồi lâu quá sẽ khiến ông bị mệt. Đôi khi, ông nể khách mà tiếp chuyện lâu quá thì vợ ông cũng sẽ xuất hiện, ý tứ nhắc nhở.
Do đó, tôi cố gắng trong vòng mươi phút tranh thủ chuyện trò cùng ông về các vấn đề của văn chương, đời sống, bởi đó cũng là cách giúp tôi hiểu thêm một nhà văn mà mình yêu mến.
Mỗi lần gặp gỡ, tôi luôn ngạc nhiên về khả năng cập nhật thời sự hàng ngày của ông. Điều đó chứng tỏ dù đóng cửa ngồi trong nhà, ông vẫn không bao giờ để mình lạc điệu với cuộc sống xung quanh.
Cũng có lúc tôi và ông ngồi yên lặng, lắng nghe tiếng ồn ào từ ngoài đường vọng vào. Tôi tranh thủ ngắm những vệt nắng chiếu xiên qua khung cửa xanh đã bợt mầu, rọi xuống nền nhà, thấy bình yên đến lạ. […]
Trong ngôi nhà của ông, diện tích tuy nhỏ, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ấm cúng. Những cuốn sách được xếp ngay ngắn trên giá, và vài cuốn đặt trong rổ ngay cạnh chỗ ông ngồi.
Tôi nhớ mãi một lần, trong câu chuyện của chúng tôi thoang thoảng hương của trái thị đầu mùa đặt trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ, cạnh một trang báo đang đọc giở. Trong lúc đó, tiếng nói của ông vẫn vang bên tai tôi.
Giọng ông khoan hòa, từ tốn. Hình như chưa bao giờ tôi thấy ông nói to. Âm lượng chỉ vừa đủ nghe. Một cảm giác bình yên dâng đầy trong tôi. Nghiệm lại sau những cuộc chuyện trò cùng ông tôi nhận ra những điều ông chia sẻ rất mộc mạc, gần gũi, tuyệt đối không lập ngôn, không lên lớp, không dạy dỗ.
Tôi dù nhỏ tuổi, trong lúc ông nói chuyện, ông chọn cách xưng hô ”cô – tôi” như cách thể hiện sự tôn trọng với người đang đối thoại với mình. Không chỉ ở cách xưng hô, mà ngay trong cách ứng xử thường ngày, ông cũng luôn dành sự quý mến, ân cần với người trẻ.
Người không bao giờ từ chối viết
Tôi nhớ năm 2011, sau Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII tại Tuyên Quang trở về Hà Nội, một tác giả trẻ muốn tìm gặp ông để xin phép được viết tiếp tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký.
Người bạn ấy rất đắn đo, lo âu vì tác phẩm của ông đã được định danh trong lòng độc giả, có thể ví như một thành trì ”bất khả xâm phạm”. Việc một người trẻ chưa có tên tuổi dám liều lĩnh đòi viết tiếp phần ”hậu Dế Mèn” liệu có khiến ông nổi giận?
Nhà văn Tô Hoài, sau khi nghe ý định của tác giả, đã sẵn lòng mời bạn trẻ đến nhà mình chơi. Buổi gặp gỡ hôm đó, tôi cũng có mặt cùng một số bạn viết khác. Nhà văn Tô Hoài hiền từ ngồi nghe nguyện vọng của tác giả nọ và… bằng lòng để Dế Mèn tiếp tục có một đời sống mới. Ông còn động viên tác giả và hứa sẽ chờ đọc tác phẩm này.
Ấn bản Dế Mèn phiêu lưu ký do họa sĩ Ngô Xuân Khôi minh họa. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Đến nay, dù kế hoạch của người bạn tôi vẫn chưa thực hiện được, câu chuyện nhỏ này cho thấy sự rộng lượng, bao dung của nhà văn Tô Hoài, cũng như sự trân trọng, quý mến mà ông dành cho những người viết trẻ.
Từ làm việc trực tiếp đến việc tìm hiểu hành trình văn chương của nhà văn Tô Hoài, điều khiến tôi ngưỡng mộ ông đó là sức làm việc bền bỉ đến phi thường với một thái độ làm nghề nghiêm túc và cẩn trọng.
Dù tuổi cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, ông vẫn cố gắng duy trì công việc viết văn, làm báo, và quan tâm đến mọi vấn đề của cuộc sống, từ chuyện giá cả chợ búa đến các vấn đề chính trị.
Như ở tuổi 90, ông vẫn viết và tham gia một cuộc thi về Hồ Chí Minh. Viết dường như cũng chính là thể hiện thái độ sống, thái độ làm nghề của ông: Nếu còn sức thì còn làm việc, nhất định không thể để thời gian trôi đi một cách uổng phí.
Thế nên trong cuộc đời của mình, đồng nghiệp luôn thấy ông trong tâm thế sẵn sàng nhập cuộc, thích nghi với mọi hoàn cảnh, làm nhiều việc và duy trì viết mọi lúc mọi nơi: Viết trên đường đi, viết trong cuộc họp, viết trong lúc đợi xe…
Ông là minh chứng sống động cho chân lý: Dù tài năng giàu có đến đâu cũng chỉ chiếm 1% trong sự thành công của một nhà văn, bởi nếu không chịu khó lao động thực sự thông qua sự học hỏi, quan sát, trải nghiệm, duy trì việc viết, tài năng kia ắt cũng sẽ mai một. Thế nên, ông không bao giờ từ chối viết dù chỉ là những bài báo nhỏ.
Ông cẩn trọng, nghiêm túc với từng con chữ mình viết ra. Chính nhờ thái độ sống và viết ấy ông đã tạo dựng cho mình một gia tài văn chương đáng ngưỡng mộ với gần 200 đầu sách được xuất bản, trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần.
Đây quả là một kỷ lục có lẽ khó ai vượt qua được. Có người đã tổng kết về ông: Nhà văn có khối lượng tác phẩm nhiều nhất; các đầu sách dịch ra nhiều thứ tiếng nhất; nhà văn có nhiều huân huy chương nhất, nhiều giải thưởng nhất. Kết quả ấy là ”mùa màng bội thu” từ chính nỗ lực làm việc bền bỉ, và đầy tâm huyết của ông.
Ông cũng chính là tấm gương mà tôi muốn học theo ngay từ những ngày đầu có duyên được gặp gỡ và làm việc cùng ông. Và cũng từ ông, tôi đã xác định được cho mình rằng khi đã quyết tâm gắn bó với văn chương, hãy lao động một cách miệt mài và nghiêm túc.
Cuộc sống ngắn ngủi, song sự hữu hạn của đời người sẽ trở nên có ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết tận hiến với con đường mà mình đã lựa chọn.