Cuốn sách Kho báu bị nguyền rủa của nhà văn trinh thám Michel Bussi đem đến cho độc giả câu chuyện nhiều bi thương về phận nhập cư.
Câu chuyện dài nghìn lẻ một đêm
Cuốn sách mở ra bằng cái chết của các quan chức cấp cao nằm trong hiệp hội giúp đỡ người nhập cư. Loạt xác chết được phát hiện trong những khách sạn được bày trí như trong Nghìn lẻ một đêm.
Một camera ghi lại hình ảnh của cô gái trùm kín khuôn mặt, chỉ lộ mắt đang nhìn thẳng vào camera như thách thức. Tin nhắn, bức ảnh trên Facebook và những cái tên trở thành manh mối để cảnh sát truy tìm hung thủ.
Cuốn sách Kho báu bị nguyền rủa của Michel Bussi. Ảnh: Ngô Vinh. |
Leyli – bà mẹ của ba người con – thường xuyên lui tới ủy ban hành chính để xét duyệt một căn nhà mới đủ rộng cho một gia đình bốn người.
Nơi đây, những tập hồ sơ cao chất ngất xin duyệt nhà ở cho người nhập cư như Leyli, những nụ cười, cái nhìn, ánh mắt và cả những bí mật còn dài hơn cả đêm trường trong Nghìn lẻ một đêm.
Đan xen giữa hiện tại và quá khứ, câu chuyện của Leyli được kể song song cùng những vụ án mạng xảy ra. Cô gái xinh đẹp Bamby bị tình nghi là hung thủ, chính là con gái của Leyli.
Cô đi tìm cha mình trong những người đàn ông từng ngủ với mẹ. Manh mối chỉ là những cái tên trong quyển nhật ký mà mẹ cô giấu dưới gầm giường.
Hóa thân thành nàng Sheherazade của Nghìn lẻ một đêm, Leyli kể cho hàng xóm nghe câu chuyện đời mình từ thuở ấu thơ đến khi nhập cư vào Pháp.
Những bi kịch được bóc tách từng lớp và chỉ còn trơ lại cái lõi sự thật, Leyli là người bắt đầu, đồng thời cũng kết thúc hành trình đi tìm kho báu bị nguyền rủa.
Những cảnh đời được trình hiện sống động bằng giọng kể của phụ nữ từng trải dường như hòa thành một, dẫn độc giả đến cái kết khó đoán định.
Nàng Sheherazade bước ra từ bi kịch
Những vụ án mạng, những cuộc điều tra, những chi tiết được hé lộ gây tò mò cho độc giả dường như chỉ là ba phần nổi của câu chuyện.
Bảy phần chìm còn lại, được vùi lấp bởi những bí mật trong quá khứ, nơi hai bờ đại dương nối kết bằng bi kịch đen tối và hé mở về một hành trình có một không hai của Leyli.
Câu chuyện của Leyli được chia thành nhiều chương, và mỗi chương được kể bằng những sắc thái khác nhau. Tuổi thơ được kể bằng thứ màu trong trẻo, những vạt nắng neo đậu trên dòng sông Niger hùng vĩ.
Những chiếc thuyền độc mộc đi ngang, cô bé Leyli nhanh chân bì bõm chạy đến để chào bán những món trang sức, đồ gốm, thuốc lá và cả bao cao su. Tuổi thơ ấy chứa đựng cả những câu chuyện mà cô đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần.
Đến khi thị giác không còn, cô gái mù Leyli dần trở nên xinh đẹp và thông thái khi ghi nhớ tất cả bằng trí não. 17 tuổi, cô trở thành người dẫn đường cho chuyến vượt biên sang châu Âu. Tất cả bị bắt, trừ Leyli ngồi co quắp trong một góc tối bất động.
Cũng nơi đó, cô được giải cứu bởi tình yêu đầu đời của mình. Nói đúng hơn là bị cầm tù trong hy vọng được hạnh phúc, cô bị dẫn dắt làm điếm bởi kẻ đầu ấp tay gối.
Những vị khách cấp cao mà cô tiếp, cô chỉ biết tên mà không biết mặt. Cô ghi nhớ những câu chuyện mà họ kể và nhờ người bạn mình ghi chép lại.
Không chỉ tiền mà còn là vàng bạc, đồng hồ, những món đồ có giá trị sau cuộc đổi trao với đích đến là cuộc phẫu thuật mắt. Tất cả đều trở thành kho báu bị nguyền rủa được cất giấu dưới hầm sâu.
Nhà văn trinh thám Pháp Michel Bussi. Ảnh: Joel Sage/AFP. |
Nhập cư – đêm trường ngập trong nước mắt
Thông qua câu chuyện của Leyli, những phận người nhập cư được khắc họa. Ở đó, những cuộc vượt biển được ngã giá bằng chính tài sản và tính mạng.
Những chiếc vòng với màu sắc khác nhau định giá “thứ bậc” trên con thuyền lênh đênh đến Pháp. Có người tìm được người thân bên kia đại dương bằng tài sản cả đời kiếm được, nhưng cũng có người bị quăng xuống biển khi mới đi được nửa hành trình.
Kho báu bị nguyền rủa của Michel Bussi đã chạm vào bí mật đen tối với đường dây vượt biên được tổ chức bởi những kẻ đứng đầu một hiệp hội chuyên trợ giúp người nhập cư.
Vài nghìn euro cho một vị trí trên thuyền với xác suất 50% cập bến, 50% còn lại sẽ nằm dưới đáy biển sâu bởi những tai nạn chìm xuồng được ngụy tạo.
Khoác lên chiếc áo trinh thám, Kho báu bị nguyền rủa đánh dấu sự dấn thân của tác giả vào đề tài xã hội gai góc.
Thân phận những con người vượt đại dương với bi kịch chất chồng bi kịch. Tội ác đội lớp tiếng nói nhân danh công lý. Số phận được bày biện và bện chặt thành một sợi dây dẫn lối độc giả về cuối hành trình của sự cảm thông.
Không chỉ xuất sắc trong việc “bày binh bố trận”, thắt chiếc nút hoàn hảo trên sợi dây câu chuyện, Michel Bussi đã vượt qua ngưỡng của một tác giả trinh thám thông thường.
Ông đưa câu chuyện gần gũi và thực tế hơn bởi những nhân vật bình thường đã làm nên những điều phi thường với trái tim biết thương yêu.
Michel Bussi được mệnh danh là ông hoàng trinh thám Pháp với phong cách viết lắt léo, bất ngờ và tài tình. Ông từng giáo sư địa lý, một nhà chính trị học trước khi trở thành nhà văn trinh thám nổi tiếng giành được hơn 15 giải thưởng văn học lớn.
Các tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt gồm: Hoa súng đen, Xin đừng buông tay, Mẹ đã sai rồi, Vết khắc hằn trên cát.