Có không ít người yêu sách, thích đọc nhiều sách, nhưng lại không có thời gian để đọc. Lại có người do công việc buộc phải đọc sách nhưng vì tốc độ đọc quá chậm nên dù có quyết tâm đến mấy số sách đọc vẫn thấp, thậm chí số sách đọc còn ngày càng suy giảm.
Atsushi Innami – một nhà bình luận sách, biên tập viên, cây viết tự do người Nhật Bản – từng trải qua những điều này nên ông hiểu rõ cảm xúc của người đọc sách chậm và những người không có thời gian để đọc sách.
Sách Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời. Ảnh MC. |
3 bước tạo “nhịp điệu đọc nhiều sách”
Trong cuốn Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời (Chi Anh dịch, NXB Công Thương liên kết với Thái Hà Books phát hành) Atsushi Innami đã chia sẻ những kinh nghiệm của một người từng đọc chậm một trang sách trong 5 phút cho đến khi tìm ra bí quyết đọc nhanh hai cuốn sách trong một ngày, một tháng viết bình luận 60 cuốn sách (một năm đọc 700 cuốn sách).
Cuốn sách của ông còn gợi ý những phương pháp giúp cho người đọc có thể: Hình thành thói quen đọc sách chuyên nghiệp; không bị mệt mỏi dù phải thu nhận nhiều thông tin; thay đổi được thói quen tích trữ sách mà không đọc.
Theo Atsushi Innami tốc độ đọc và mức độ hiểu, ghi nhớ không tỷ lệ thuận với nhau. Dù đọc kỹ đến đâu thì bạn vẫn cứ quên. Chướng ngại vật không phải là “tốc độ đọc chậm” mà là việc “ám ảnh đọc kỹ”.
Nhiều người quá căng thẳng khi phải cố nhớ những điều mình đã đọc. Nhưng kết cục của việc nhồi nhét này không hiệu quả và gây lãng phí thời gian.
Atsushi Innami khuyên người đọc trước tiên hãy từ bỏ ám ảnh đọc kỹ, vì đọc sách chậm không nằm ở đó mà nằm ở việc bạn có nắm được cách đọc sách hay không.
Ông cũng cho rằng thay vì việc đọc kỹ một cuốn sách trong vòng một tuần (sau đó một tháng bạn nhớ 1% nội dung sách) thì bạn hãy đọc nhanh 10 cuốn cũng trong tuần đó và đến một năm sau bạn vẫn nhớ 10% kiến thức.
Để việc đọc sách hiệu quả, Atsushi Innami đã gợi ý 3 bước tạo “nhịp điệu đọc nhiều sách”.
Đầu tiên là xây dựng cho mình một khung giờ đọc sách cố định. Có thể là 10 phút sau bữa ăn trưa, hoặc trước khi đi ngủ… Atsushi Innami thì khuyến khích mọi người nên đọc sách vào buổi sáng, 10 phút ngay sau khi ngủ dậy.
Tại sao lại là buổi sáng? Atsushi Innami cho biết trước kia ông là người theo trường phái hoạt động về đêm, vì cảm giác là vào buổi tối não linh hoạt hơn.
Sau khi làm xong việc, ông nhâm nhi chút rượu, sau đó lại khởi động máy tính, rồi lại đột ngột quay sang đọc sách, vừa đọc vừa gật gù trong tình trạng bắt đầu chuyếnh choáng. Và hậu quả là ông chẳng hiểu nội dung sách nói gì. Chưa kể việc thức đêm còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Cho đến một ngày, bất ngờ ông không ngủ muộn và thức dậy làm việc vào sớm hôm sau. Hiệu suất làm việc cao đến không ngờ. Kể từ đó ông thay đổi và trở thành người hoạt động buổi sáng.
Bước thứ hai là ưu tiên chọn những sách có thể đọc nhanh. Theo Atsushi Innami nếu muốn biến đọc sách thành thói quen thì hãy bắt đầu bằng việc chọn những cuốn sách có thể đọc nhanh chứ không phải cuốn mình thích.
Để thực hiện điều này, ông chia sách thành 3 nhóm: (1) Sách không cần đọc, đây không phải những cuốn sách có giá trị mà là những cuốn sách không cần thiết cho mình; (2) Sách không cần đọc nhanh là những cuốn bản thân mình muốn đọc một cách từ tốn; (3) Sách đọc nhanh là những sách có thể nhanh chóng nhận định được giá trị của nó nằm ở đâu.
Bước thứ 3 là luôn đọc cuốn khác với ngày hôm qua. Nghĩa là không đọc một cuốn dang dở trong một thời gian mà nên chuẩn bị những cuốn có thể đọc nhanh, đọc xen kẽ.
Lý do dù cuốn sách bạn đọc có nội dung thú vị đi chăng nữa nhưng đọc từ tốn mãi 10 ngày chưa xong một cuốn thì sẽ nảy sinh cảm giác ngán. Tìm cách để không có cảm giác ngán là điều tối quan trọng trong việc xây dựng thói quen đọc sách.
Nhiều người biết chắc không thể đọc hết nhưng vẫn tích trữ sách. |
Đọc sách cũng như hít thở và 4 bước tốc độ hóa việc đọc
Theo Atsushi Innami đọc sách như việc hít vào thở ra. Nhưng nếu bạn chỉ liên tục hít vào và thở ra thì chắc chắn sẽ cảm thấy khó chịu. Đọc sách cũng vậy, nếu vừa đọc vừa viết sẽ thu được những kiến thức.
Trong quá trình đọc hãy chọn và ghi lại những câu trích dẫn có giá trị nhất của cuốn sách. Đây chính là những gì thu được khi đọc xong một cuốn sách.
Chuẩn bị một tờ giấy A4, viết ra những mục mình quan tâm, những việc mình không muốn quên thì ghi lại tóm tắt (việc ghi chép bằng tay giúp bạn hiểu rõ nội dung hơn).
Sau công đoạn trên, đọc lại những mục đã ghi chép và chọn ra một dòng tóm tắt. Có thể là một chi tiết khiến mình cảm động, hay chỉ một dòng cảm tưởng có thể tái hiện ký ức về cuốn sách.
Để giúp cho việc đọc sách nhanh, hiệu quả, Atsushi Inami đã đưa ra 4 bước tốc độ hóa việc đọc đó là: Hãy đọc kỹ “Lời nói đầu – mục lục”; Chỉ đọc 5 dòng đầu tiên và 5 dòng cuối cùng; quyết định từ khóa và đọc; Đọc với nhiều nhịp điệu khác nhau.
Khi mở sách ra, điều đầu tiên bạn đọc sẽ là lời nói đầu và mục lục. Nếu sử dụng tốt phần này bạn sẽ có trải nghiệm đọc sách không hề lãng phí.
Lời nói đầu chính là phần dẫn nhập thể hiện mục đích và tóm tắt sơ lược nhất nội dung toàn bộ cuốn sách. Còn mục lục chính là sơ đồ giúp phán đoán cấu trúc của cuốn sách.
Việc nắm rõ mục đích giúp cho đọc lướt hiệu quả và việc nắm được cấu trúc sẽ quyết định được việc đọc lướt cũng như đọc nhảy cóc.
Tiếp theo là tập trung thông tin thu thập được, đọc tìm kiếm từ khóa, đồng thời luôn giữ cho mình một nhịp điệu tốt nhất để đọc sách đạt hiệu quả.
Cũng trong cuốn sách, Atsushi Innami còn đưa ra quy luật của việc đọc lướt, bí quyết của “cách đọc không quên”, hay cách đối diện với sách không thể đọc nhanh…