Jenny McLaine chia tay bạn trai nhiếp ảnh gia và rơi vào bế tắc. Cô còn gặp rắc rối với bạn cùng phòng, mất việc. Mẹ cô luôn giận dữ, chì chiết. Tệ hơn là Suzy Brambles – một nhân vật nổi tiếng – hủy theo dõi Jenny trên Instagram.
Điều đó khiến phụ nữ 30 tuổi này cảm thấy phải đăng gì đó vui vẻ lên mạng. Không điều gì cấp thiết bằng cảm giác khi bạn thân nhất của Jenny – Kelly – từ chối giúp cô nghĩ chú thích cho bức hình mình chuẩn bị đăng.
Bức hình chiếc bánh sừng bò được đặt trong nền trắng tinh khôi và áp lên bộ lọc màu hoàn hảo. Điều khiến Jenny chưa thể đăng tải nó là chú thích. Cô bắt đầu thử “CROISSANT, WOO! #CROISSANT”, nhưng nó không chính xác.
Jenny thử tiếp câu khác: “CROISSANT! # CROISSANT” rồi đến “CROISSANT.” hay “CROISSANT” không có dấu chấm (Croissant là bánh sừng bò). Người này băn khoăn từng ký tự nhỏ để tìm ra câu biểu đạt đúng cảm xúc của mình về tấm hình đã chụp.
Đó cũng chính là nghịch lý trong xã hội hiện đại. Chúng ta luôn ngập trong suy nghĩ, ý kiến và đắn đo điều mình chuẩn bị đăng tải lên mạng sẽ nhận phản ứng như thế nào. Người đó đang nghĩ gì? Tại sao họ đặt dấu chấm ở đó, hy vọng của họ là gì với ký tự này?
Bìa sách Grown Ups của Emma Jane Unsworth. Ảnh: Sassideeee. |
Những câu hỏi trên lần lượt được Emma Jane Unsworth lý giải trong Grown Ups – tiểu thuyết phát hành hồi tháng một. Tác phẩm của nhà văn người Anh vạch trần mối quan hệ có thể thấy ở bất kỳ ai, thông qua câu chuyện của Jenny – phụ nữ 30 tuổi nghiện Internet và chiếc điện thoại thông minh.
Với Jenny, mạng xã hội không tự nhiên và chân thật như những điều cô được nghe khi làm việc tại một website nữ quyền. Có lẽ vì thế, cô dành nhiều thời gian chỉ để tìm bộ lọc hình ảnh phù hợp hay chiếc thẻ hashtag nhiều người dùng.
Cuộc sống trên mạng và ngoài đời thực của Jenny có nhiều mâu thuẫn. Cô nhiều lần đấu tranh chọn cách sống thật hay tìm một bức hình, trạng thái, chú thích giả dối nào đó. Những câu chuyện mà cô kể trên mạng đều mang tác dụng hoặc hàm ý riêng. Thậm chí, nhiều điều trong số đó không hoàn toàn là sự thật.
Dần dần, Jenny ít quan tâm những trải nghiệm thực. Cô bị mê hoặc bởi cuộc sống của những nhân vật như Suzy Brambles – nổi tiếng, nhiều người theo dõi, luôn được ủng hộ, có sức ảnh hưởng trên Internet.
Trước khi nghiện mạng xã hội, Jenny là phụ nữ tự tin và đĩnh đạc, dù cô chia tay, trải qua đau khổ và cuộc sống không thiếu rắc rối. Bước vào không gian mạng, Jenny bỗng chốc trở thành “kẻ cuồng dã lưu manh”, mỗi lần đăng ảnh, trạng thái là một lần “vật vã và đau khổ” để tìm nội dung phù hợp, được nhiều người yêu thích.
Trên mạng, Jenny vẫn là phụ nữ tự tin và đĩnh đạc, nhưng sâu thẳm bên trong, người phụ nữ này chết dần vì đau khổ và rắc rối.
Nữ nhà văn Emma Jane Unsworth. Ảnh: Dan Rowley. |
Tác phẩm được cấu trúc như một mạng xã hội với cách kể chuyện phi tuyến tính, đan xen là dòng tin nhắn SMS, email đối thoại hoặc độc thoại của nhân vật. Jenny quên trả lời tin nhắn tuyệt vọng từ bạn thân Kelly cho đến hàng loạt hành động thiếu suy nghĩ, làm sứt mẻ tình bạn mong manh đều trở thành “mồi nhử” hấp dẫn bạn đọc.
The Guardian đánh giá Grown Ups thành công khi miêu tả chính xác nỗi ám ảnh hiện đại của con người. Nó còn tiết lộ những động cơ thúc đẩy quyết định của chúng ta trong cuộc sống hiện đại.
Từ đó, Emma Jane Unsworth phơi bày mối quan hệ lỏng lẻo ngày nay. Đó là tình cảm mong manh, chỉ cần một vết nứt nhỏ cũng làm nó tan vỡ, biến mất và sớm chìm vào quên lãng.
Là tiểu thuyết hài hước, pha giọng châm biếm, thông điệp mà Grown Ups mang đến lại rất thực tế: Hãy bước ra khỏi thế giới ảo, đặt điện thoại xuống và tận hưởng cuộc sống ngoài đời thật.