Gần 10 năm sau thảm họa kép động đất sóng thần ngày 11/3/2011, Nhật Bản đã điều chỉnh lại cách sống của mình để có được sự hồi phục và phát triển đến kinh ngạc.
Cuốn sách Sống đủ của tác giả Azby Brown soi xét lại nếp sống của người Edo (tên gọi cũ của Tokyo) xưa để biến chúng thành ngọn hải đăng soi sáng cho không chỉ người Nhật mà cả thế giới trên con đường nỗ lực đạt đến sự bền vững.
Những câu chuyện không phải truyền thuyết
Những câu chuyện trong cuốn sách này không phải truyền thuyết. Đó là những mô tả lại cách sống đã phai mờ, được kể từ góc nhìn của người đương thời, dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu và được trình bày dưới hình thức kể chuyện.
Cuốn sách viết về cách người Nhật đã sống vào khoảng 200 năm trước, vào cuối thời kỳ Edo (1603-1868), thời mà văn hóa và kỹ nghệ truyền thống đang phát triển và được thực hành ở giai đoạn đỉnh cao. Đó là thời điểm chỉ ngay trước khi đất nước Á Đông này mở cửa với phương Tây và đứng vào hàng ngũ những quốc gia công nghiệp hóa.
Cuốn sách Sống đủ của tác giả Azby Brown. |
Sống đủ được chia làm ba phần chính. Phần I – Ruộng và rừng, đưa người đọc quay trở lại thời những người nông dân canh tác, trồng trọt, thiết kế các hệ thống tưới tiêu và lưu trữ. Cách người Nhật xây dựng nhà ở cũng như mở rộng không gian sống khiến người đọc được mở mang tầm mắt hơn về tư duy của con người hàng trăm năm về trước. Những bài học đưa ra ở phần này tập trung chủ yếu vào cách con người sống hòa hợp với thiên nhiên, đảm bảo sự đa dạng của hệ sinh thái, biết cách tận dụng tự nhiên để biến thành nguồn lực cho con người.
Phần II bàn đến cách xây dựng một thành phố bền vững. Edo hoa lệ khi xưa được đánh giá là mạnh mẽ và kiên cường hơn thủ đô Tokyo ngày nay. Thành phố ban đầu cũng chỉ là một vùng đồng bằng rộng lớn, nhưng được cải tạo, xây dựng thành một kinh thành hưng thịnh suốt thế kỷ 17, 18.
Người Nhật coi trọng những cung đường sạch, đường xanh, chôn hệ thống ống ngầm dưới lòng đất để đảm bảo nguồn cung nước sạch dồi dào. Đặc biệt, Edo nổi tiếng là thành phố làm từ đồ dùng lại với sự tài hoa của những người thợ mộc, thợ hàn… tái chế hầu hết mọi thứ. Edo hoạt động như một bộ não tập thể tìm ra những giải pháp thông minh và tiết kiệm.
Phần III cuốn sách bàn đến một cuộc sống thanh đạm cũng như khám phá nhà ở của tầng lớp samurai tại Edo. Chính những thiết kế nhà độc đáo này đã gợi mở ra rất nhiều bài học về kiến trúc cũng như việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Lấy đủ từ thế giới
Khi sống ở thời đại công nghiệp hóa đủ lâu, hầu hết mọi người đều sẽ nhận ra được vấn đề và bắt đầu thở dài ngao ngán. Trái Đất hơn 7 tỷ người, chẳng bao lâu nữa sẽ là 10 tỷ, rồi 20 tỷ.
Từng ấy miệng ăn, làm sao có thể nuôi sống hết? Hai mươi tỷ bàn chân, làm thế nào có đủ giày mà đi? Mười tỷ cơ thể, chỗ đâu mà ở? Phải làm gì khi “lá phổi xanh” của thế giới ngày càng bị thu hẹp lại? Khi cây xanh bị đốn hạ liên tục mà rác thải nhựa và không khí độc ngày một nhiều lên?
Phải làm gì khi các vấn đề về môi trường và hệ sinh thái liên tục báo động đỏ trước sức ép quá lớn từ việc công nghiệp hóa? Liệu con người có đủ thông minh để tìm ra cách giải quyết hay thế giới đang dần bước vào một thời kỳ sụp đổ hoàn toàn?
Những hình minh họa sinh động trong cuốn sách. Ảnh: Huy Hoàng Bookstore. |
Cuốn sách Sống đủ kể về một dân tộc đã vượt qua nhiều vấn đề giống như những gì chúng ta đang phải đương đầu ngày nay: Về năng lượng, nước, nguyên vật liệu, thực phẩm và bài toán dân số. Sống đủ kể về những người đã vượt lên từ những thử thách cam go, về một xã hội có tư tưởng bảo tồn, không rác thải, người dân có nơi ăn chốn ở đủ đầy, kinh tế thịnh vượng.
Nhật Bản thời Edo đã đạt được sự bền vững trong nông nghiệp, lâm nghiệp, kiến trúc, quy hoạch đô thị, giao thông vận tải cũng như sử dụng nguyên liệu và năng lượng. Lúc này, dù Nhật Bản chưa có góc nhìn toàn cầu, nhưng họ đã vận hành hoàn toàn tự chủ mà không có tác động tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh những kiến thức hữu ích, cuốn sách còn được trình bày kèm nhiều tranh ký họa sinh động về cuộc sống, con người cũng như kiến trúc thời Edo. Lề sách được cách một khoảng rộng để người đọc cũng như chính tác giả viết lời ghi chú, cảm nhận, hoặc thậm chí là đặt câu hỏi thắc mắc trên bản sách của mình.
Tác giả Azby Brown vốn không phải là người Nhật nhưng lại có đam mê và hứng thú kỳ lạ với đất nước này. Ông là người gốc New Orleans, Giám đốc của Viện Thiết kế Tương lai (KIT) ở Tokyo, tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc và Điêu khắc tại Đại học Yale, sau đó theo học khoa Kiến trúc của Đại học Tokyo năm 1985 với trợ cấp từ Bộ Giáo dục Nhật Bản.
Ông trở thành phó giáo sư ngành Thiết kế Kiến trúc tại Học viện Công nghệ Kanazawa năm 1995 và đang làm việc ở khoa Tin học Truyền thông. Năm 1988, ông nhận bằng thạc sĩ và nhận bằng tiến sĩ vào năm 1995.
Tác giả Azby Brown. Ảnh: Lea Suzuki/The Chronicle. |
Cuốn sách Sống đủ của ông được phát hành tại Nhật chỉ đúng 2 tháng trước khi vụ thảm họa kép xảy ra tại quốc gia này năm 2011. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh người Nhật, giúp toàn nước Nhật nhìn ra vấn đề và rẽ sang lối sống tự nhiên và lành mạnh. Tác phẩm sau đó được người Nhật tìm kiếm và đánh giá cao, coi cuốn sách là một hình mẫu hữu ích để học hỏi với trọng điểm “mọi thứ vừa vặn với nhau”.
Với những câu chuyện tuyệt vời mà tác giả đã mang lại trong cuốn sách, độc giả sẽ cần học lại xem “sống đủ” có nghĩa là gì. Từ đó, mỗi người sẽ có lựa chọn cho riêng mình được truyền cảm hứng từ quá khứ và hướng tới tương lai.