Phạm Cự Lượng bèn thuật rõ việc Dương Tam Kha giả di chiếu của Ngô Vương tự ý lên ngôi vua, truất phế Xương Ngập, đến việc cha chàng nhiếc mắng nghịch thần ngay tại triều và bị hãm hại, cùng việc Bình Vương bị thích khách giết hụt tại đền vua Thục và cả nhà các vị trung thần ký tên trong tờ nghĩa trạng bị chém đầu, nhất nhất kể lại cho Trần Lãm nghe.
Trần Lãm giương cao ngọn cờ Cần vương
Nghe tới đâu, ông tỏ vẻ tức giận tới đó. Cuối cùng, khi Cự Lượng dứt lời, ông có quyết định ngay:
– Thế là rõ ràng quá rồi, ta không thề cúi đầu vâng lệnh một kẻ bất tài thiếu đức như Dương Tam Kha. Tướng soái và ba quân vùng Bố Hải Khẩu này sẽ ly khai khỏi triều đình Cổ Loa, tự xây dựng lực lượng hùng mạnh, giương cao ngọn cờ Cần vương, giải phóng kinh đô, đem lại thanh bình cho trăm họ. Cứ tình thế này thì nước ta sẽ loạn to, không còn ai coi quyền lực triều đình ra gì nữa.
Rồi nhìn thẳng vào mặt hai chàng, ông nói:
– Bây giờ là lúc các cháu có dịp đem chí tang bồng hồ thỉ ra giúp nước. Tổ quốc gặp cơn hoạn nạn mới biết ai là kẻ trung thần, nhà nghèo khổ mới biết người con có hiếu. Các cháu có chung ý nghĩ với bác không?
Bộ tiểu thuyết dã sử Loạn 12 sứ quân. |
Cự Lượng cung kính đáp:
– Thưa bác, chúng cháu tới đây với bác không ngoài cái ước vọng đó. Chúng cháu xin hết lòng phụng sự dưới cờ chỉ huy của bác.
Trần Lãm bằng lòng lắm, hỏi:
– Võ nghệ các cháu luyện tập đến đâu rồi?
Cự Lượng vẫn thay mặt cho Nguyễn Phục để trả lời các câu hỏi của Trần tướng công:
– Dạ thưa bác, chúng cháu đã có thể một mình địch cả trăm người. Cháu chuyên dùng song kiếm, còn anh Phục đây lại hay sử dụng cây côn. Ngày đêm chúng cháu vẫn ôn tập không ngừng nghỉ.
Trần Lãm gật đầu nói:
– Thế thì tốt lắm.
Ông nói xong thì có quân hầu vào trình là người tâm phúc đi điều tra tình hình ở kinh đô đã về tới xin vào ra mắt để tường trình. Ông cho vào ngay. Chỉ lát sau, một thanh niên lực lưỡng, tuổi ngoài ba mươi bước vào, cung kính chào chủ soái. Trần Lãm niềm nở nói:
– À, Cao Sơn đã về, đi đường có mệt không? Tình hình ở kinh đô ta đã biết rồi do hai cháu đây nói lại. Ngoài ra ngươi có thu thập được tin gì mới hơn thì mau cho ta biết.
Người kia – chính là Cao Sơn – lễ phép thưa:
– Thưa tướng công, tiểu tốt còn được tin mới nhất là Chu Thái đã nổi loạn ở Đường Lâm, hiện chiếm hai thôn Thái Bình và Đường Nguyễn làm căn cứ, hàng ngày cho quân đi cướp phá các làng lân cận, dân chúng phải bồng bế nhau lánh nạn.
Các nhà giàu phải chạy thẳng lên kinh đô để tránh tai họa. Còn ở vùng Chí Linh thuộc Hồng Châu thì có Lý Huy nổi dậy, không tuân phục triều đình nữa.
Y dựa vào địa thế núi non hiểm trở mưu việc lâu dài. Dân chúng kinh đô Cổ Loa xôn xao mấy ngày nay, đi tới đâu cũng nghe người ta bàn tán, lo sợ.
Cao Sơn trình bày xong, Trần Lãm nói:
– Ta đã biết mà, nước nhà sẽ phải trải qua một thời kỳ đại loạn, tất cả đều do tên nghịch thần Dương Tam Kha gây nên cả. Cái nạn ngoại thích làm mất nước xưa nay vẫn thế.
Bố Hải Khẩu tế cờ khởi nghĩa
Sáng mồng sáu tháng hai, dân chúng quanh vùng Bố Hải Khẩu nô nức cơm nắm nước bầu rủ nhau tới xem cuộc tế cờ của Trần tướng công.
Lễ đài đắp bằng đất, cao ba tầng. Trước mặt lễ đài cách khoảng ba mươi thước, một đội quân danh dự gồm ba trăm người đứng thành năm hàng ngang, gươm giáo dựng đứng, ánh thép sáng loáng.
Đúng giờ Tỵ, Trần Lãm cùng các quan văn võ bước lên tầng lễ đài thứ nhất. Các quan chia đứng dàn hai bên, Trần Lãm đứng vào phía trước hương án làm lễ dâng hương…
Làm lễ dâng hương và cầu nguyện xong, Trần Minh công trở xuống tầng thứ nhất, giữa những tràng pháo nổ ran do quân sĩ và dân chúng các làng mang theo đốt mừng.
Khi tiếng pháo đã ngớt, ông quay mặt về phía quân sĩ đang đứng nghiêm chỉnh phía trước và các tầng lớp đồng bào đông như ngày hội, trịnh trọng đọc bản tuyên cáo khởi nghĩa như sau:
“Hỡi muôn nhà trăm họ
Hỡi các tướng sĩ và ba quân
… Ngô Vương mới nằm xuống, bá tánh chưa kịp để tang, tên loạn thần Dương Tam Kha đã lợi dụng địa vị quốc cựu, ra vào tự do nơi cung cấm, làm việc soán nghịch cướp ngôi vua của thái tử Xương Ngập.
Hành động phản loạn của Tam Kha đã gây nên làn sóng căm phẫn khắp nơi khiến giặc giã đã nổi lên, giang sơn bắt đầu bước qua giai đoạn đen tối, dân chúng sẽ lầm than khổ sở.
Đứng trước tình thế ấy, những kẻ thật lòng yêu nước và nhớ ơn nhà Ngô không thể cúi đầu khoanh tay để cho tên loạn thần Dương Tam Kha tọa hưởng phú quý và tác oai tác quái, cũng như không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ cực của đồng bào vì nạn giặc cướp khắp nơi.
Do đó, bỉ nhân, Trần Lãm, cùng anh em văn võ đồng chí hướng một lòng thề nguyền đứng dậy, phất cao ngọn cờ chính nghĩa, đánh đuổi tên loạn thần, khôi phục ngôi chính thống về cho nhà Ngô và đem lại sự an cư lạc nghiệp cho trăm họ…”.
Trần Lãm vừa dứt lời, tiếng vỗ tay cùng tiếng reo hò vang dậy cả một góc trời. Đoạn ông cầm chén múc một ít huyết trâu đựng trong cái bát lớn uống cạn làm gương, mọi người đứng xung quanh lần lượt làm theo, cùng nhau uống huyết ăn thề, quyết đồng sinh đồng tử cùng nhau lo toan việc lớn…