Trong tiểu thuyết Số đỏ, khi nhắc tới thần tượng của Xuân Tóc đỏ thời còn nhặt “banh quần”, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã viết: “Mộng tưởng của nó là sẽ có ngày được oai như Chim, Giao nếu hạnh phúc dắt đến cho nó một ông bầu”.
“Chim, Giao” được nhà văn Vũ Trọng Phụng nhắc trên chính là 2 tay vợt nổi tiếng của miền Nam trong thập niên 1920 và 1930: Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao. Đây cũng là 2 tay vợt đầu tiên của Việt Nam tham dự Grand Slam: Roland Garros và Wimbledon vào năm 1931.
Chim và Giao (trên) và Triệu Văn Yên. Nguồn: báo L’Avant-Garde 24/7/1929. |
Trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn thể thao và báo chí trước 1945, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp đã cung cấp nhiều tư liệu báo chí xưa viết về quần vợt ở Sài Gòn và hai tay vợt “Chim, Giao” nổi tiếng.
Ông Hiệp cho biết quần vợt được người Pháp đưa vào Sài Gòn đầu thế kỷ 20 và không lâu sau đó nó trở thành một môn thể thao được ưa chuộng trong giới thượng lưu người Việt.
Chỉ trong vòng vài năm đã có nhiều hội thể thao quần vợt được thành lập và nhiều giải quần vợt được lập ra.
Vào giai đoạn đầu, hai tay vợt nổi tiếng Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao (được khán giả và dân chúng gọi là Chim và Giao) đánh cho hội Cercle Sportif Annamite do ông Triệu Văn Yên là chủ tịch và cũng là ông bầu của hai tay vợt này.
Tiếng tăm của Chim và Giao trong giới quần vợt lan ra tất cả mọi tầng lớp trong xã hội từ Nam ra Bắc. Danh tiếng của Chim được một số người dùng để hoạt động trong thương mại và truyền bá môn thể thao quần vợt.
Vào đầu tháng 10/1928, Chim và Giao được Tổng cục thể thao Annam cử sang Singapore thi đấu. Đây là chuyến thi đấu thể thao đầu tiên của người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Hiệp cho biết tờ The Straits Times ra ngày 11/10/1928 có đăng lịch các trận đánh ở giải Tournament S.R.C (Singapore Recreation Club). Nguyễn Văn Chim, vô địch Nam Kỳ đấu với Khoo Hooi Hye vô địch người Hoa giải Singapore và giải Malayan Championship. Huỳnh Văn Giao đấu với Lim Bong Soo.
Hai năm sau đó, tháng 8/1930 Chim và Giao tham dự giải vô địch quần vợt Malaya trên sân cỏ ở Kuala Lumpur.
Giải quần vợt này đã đem lại thành tích cao nhất trong cuộc đời sự nghiệp thể thao của cả 2 tay vợt. Giao đoạt được chức vô địch đơn nam và Chim đứng nhì và trong trận chung kết đánh đôi nam nữ, Giao và Chim còn đứng nhì đôi nam.
Sau giải Malay, danh tiếng của Chim và Giao vang khắp Đông Dương và Viễn Đông.
Các sân quần vợt của Cercle Sportif Saigonnais. |
Năm 1931, Chim và Giao được mời qua Pháp và Anh tham dự 2 giải Grand Slam lớn nhất mà tất cả các tay quần vợt trên thế giới đều mơ ước tham dự: giải quần vợt Pháp mở rộng (French Open) và giải Wimbledon.
Đây là lần đầu tiên có 2 người Việt Nam tham dự các giải Grand Slam. Ngoại trừ Võ Văn Bảy sau này vào năm 1955 và Võ Văn Thanh (em Võ Văn Bảy) năm 1963 tham dự giải quần vợt Pháp mở rộng. Cho đến nay vẫn chưa có người Việt Nam nào tái lập được thành tích này.
Tại vòng 2 của giải quần vợt Pháp mở rộng trên sân Roland Garros, Paris, Nguyễn Văn Chim đã đánh với Jean Borotra, tay quần vợt nổi tiếng của Pháp được coi là một trong “4 chàng ngự lâm pháo thủ” (4 mousquetaires) thời đó gồm Borotra, Brugnon, Cochet và Lacoste.
Borotra vô địch 15 lần hai giải Grand Slam (9 lần vô địch giải quần vợt Pháp mở rộng và 6 lần vô địch giải Wimbledon). Với một đối thủ như vậy, Nguyễn Văn Chim tuy thua 4-6, 3-6, 3-6 nhưng đã có gây ấn tượng với giới quần vợt thế giới.
Sau đó, Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao theo dự định là sẽ đến London để tham dự giải quần vợt Wimbledon.
Tuy nhiên, ngày đấu vòng đầu giữa Nguyễn Văn Chim với Charles Kingsley (Anh) là 22/6/1931 (như trong hồ sơ tư liệu của giải Wimbledon và ngày nay của Association of Tennis professionals (ATP) đã ghi), nhưng có lẽ vì không đến được nên Kingsley được cho là thắng (walk over) để vào vòng hai.
Tương tự Huỳnh Văn Giao cũng đã thua W. Legg (walk over) có lẽ vì không có mặt.
Cũng theo ông Hiệp, đến những năm cuối thập niên 1930, Chim và Giao vẫn là những cây vợt chưa có ai so bằng, mặc dù tuổi đã bắt đầu cao.
Vào tháng 8/1950, Nguyễn Văn Chim tham dự giải Monte Carlo Country Club nhưng trong vòng hai đã thua Horsten (Pháp). Vài năm sau thì ông mất.
Để ghi nhớ đóng góp của ông trong lĩnh vực thể thao quần vợt, năm 1955, một con đường ở Quận 1, gần nhà thờ Đức Bà và đường Phạm Ngọc Thạch đã được đặt tên là Nguyễn Văn Chiêm (đúng ra phải là đường Nguyễn Văn Chim) và ngày nay đường vẫn giữ tên như vậy.