Yuval Noah Harari là tác giả best-seller với các cuốn Sapiens – Lược sử loài người tìm hiểu quá khứ và Homo Deus – khám phá tương lai nhân loại. Gần đây nhất, ông đi sâu vào các vấn đề quan trọng của hiện tại và tương lai gần của xã hội loài người trong 21 bài học cho thế kỷ 21.
Được sự đồng ý của Nhã Nam – đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách – Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Một số có thể tranh luận rằng con người không bao giờ có thể trở nên vô dụng về mặt kinh tế vì ngay cả khi không thể cạnh tranh được với AI tại nơi làm việc, họ vẫn luôn được cần đến với tư cách người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là nền kinh tế tương lai sẽ cần chúng ta với tư cách là người tiêu dùng. Máy móc và máy tính cũng có thể làm được điều đó. Về lý thuyết, ta có thể có một nền kinh tế trong đó một công ty khai khoáng sản xuất và bán sắt cho một công ty robot, công ty robot sản xuất và bán robot cho công ty khai khoáng, công ty này đào được nhiều sắt hơn, sắt lại được dùng để sản xuất thêm nhiều robot, và cứ thế.
Các công ty này có thể phát triển và mở rộng đến tận cuối dải Ngân hà và chúng chỉ cần robot và máy tính mà thôi; chúng thậm chí không cần con người để mua các sản phẩm của chúng.
Ảnh: Shutterstock/sciencenordic. |
Máy tính và thuật toán cũng là khách hàng
Trên thực tế, ngày nay, các máy tính và thuật toán đã bắt đầu hoạt động với tư cách khách hàng bên cạnh việc làm nhà sản xuất. Trên thị trường chứng khoán chẳng hạn, các thuật toán đang trở thành những người mua trái phiếu, cổ phần và hàng hóa quan trọng nhất.
Tương tự, trong ngành công nghiệp quảng cáo, khách hàng quan trọng hơn cả là một thuật toán: thuật toán tìm kiếm Google. Khi thiết kế các trang web, người ta thường đi theo thị hiếu của thuật toán tìm kiếm Google hơn là “gu” của bất kỳ con người nào.
Thuật toán đương nhiên không có ý thức, thế nên không như khách hàng-con người, chúng không thể tận hưởng những gì chúng mua và các quyết định của chúng không do các rung động và xúc cảm nhào nặn mà thành.
Thuật toán tìm kiếm Google không thể nếm kem. Tuy nhiên, các thuật toán lựa chọn mọi thứ dựa trên các tính toán bên trong và các ưu tiên gắn liền với chúng; các ưu tiên đó đang ngày càng định hình thế giới của chúng ta.
Thuật toán tìm kiếm Google có một thị hiếu rất phức tạp khi xếp hạng trang web của những đơn vị bán kem, và những đơn vị bán kem thành công nhất thế giới là những đối tượng được thuật toán Google xếp hạng nhất, không phải là những đơn vị sản xuất ra loại kem ngon nhất.
[…]
Vậy nếu con người không còn cần thiết, dù với tư cách người sản xuất hay người tiêu dùng, thì điều gì sẽ bảo vệ sự tồn tại về thể xác cũng như sự lành mạnh về tinh thần của họ?
Chúng ta không thể ngồi chờ cuộc khủng hoảng bùng nổ hết mức trước khi bắt đầu tìm kiếm câu trả lời. Đến lúc đó sẽ là quá muộn.
Sách 21 bài học cho thế kỷ 21. Ảnh: Nhã Nam. |
Phát triển các mô hình kinh tế bảo vệ con người
Để đương đầu với những đứt gãy công nghệ và kinh tế chưa hề có tiền lệ của thế kỷ 21, chúng ta cần phát triển các mô hình xã hội và kinh tế mới càng sớm càng tốt. Các mô hình này nên được dẫn dắt bởi nguyên tắc bảo vệ con người chứ không bảo vệ việc làm.
Nhiều công việc đơn điệu nhàm chán và cũng không đáng để bảo vệ. Chẳng ai có mơ ước cả đời là đi làm thu ngân cả. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào việc chuẩn bị cho các nhu cầu cơ bản của con người và bảo vệ địa vị xã hội cũng như giá trị bản thân của họ.
Một mô hình mới đang ngày càng được chú ý là thu nhập cơ bản phổ quát (UBI, viết tắt của Universal Basic Income). UBI đề xuất các chính phủ đánh thuế các tỷ phú và các tập đoàn kiểm soát các thuật toán và robot, rồi sử dụng số tiền đó để cho mỗi người một khoản lương hào phóng để chi trả cho những nhu cầu cơ bản của họ.
Điều này sẽ giảm bớt tác động của việc thất nghiệp và mất địa vị kinh tế của người nghèo, trong khi bảo vệ người giàu trước cơn tức giận của những người theo chủ nghĩa dân túy.
Một ý tưởng có liên quan đề xuất việc mở rộng phạm vi những hoạt động của con người được xem là “công việc”. Hiện tại, hàng tỷ ông bố, bà mẹ đang chăm sóc con cái, hàng xóm láng giềng trông nom nhau và các công dân tổ chức ra các cộng đồng, không hoạt động giá trị nào trong số này được xem là công việc cả.
Có lẽ chúng ta cần thay đổi tư tưởng và nhận ra rằng chăm sóc một đứa trẻ có thể xem là công việc quan trọng và thử thách nhất trên thế giới. Nếu thế, sẽ không bao giờ thiếu việc làm ngay cả khi máy tính và robot thay thế hết tài xế, nhân viên ngân hàng và luật sư.
Câu hỏi dĩ nhiên là ai sẽ định giá và trả tiền cho những công việc mới được thừa nhận này? Mặc nhiên, những em bé sáu tháng tuổi sẽ không trả lương cho mẹ chúng, chính phủ có lẽ sẽ phải tự chi trả khoản này. Giả sử chúng ta muốn các khoản lương đó sẽ trang trải được toàn bộ nhu cầu cơ bản của một gia đình, vậy thì cuối cùng chúng sẽ không khác thu nhập cơ bản phổ quát là bao.
Một cách khác là các chính phủ có thể trợ cấp các dịch vụ cơ bản phổ quát thay vì thu nhập. Thay vì cho mọi người tiền, để rồi họ dùng tiền đó mua sắm bất cứ thứ gì họ thích, chính phủ có thể miễn phí giáo dục, y tế, giao thông…