Trong nhiều năm đảm nhận vị trí giám đốc quảng cáo khu vực của nhiều tạp chí xa xỉ, Courtney Carver vô cùng bận rộn. Cô thường xuyên phải ăn ở bàn làm việc: “Tay này lấy đồ ăn, tay kia gõ phím”.
“Tôi kiểm tra email liên tục. Điện thoại của tôi lúc nào cũng mở, tôi sẽ trả lời khách hàng và đồng nghiệp trong vòng vài phút hoặc vài giây. Thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn làm tốt hơn, nhanh hơn, nhiều hơn”, Carver kể lại.
Trong cuộc sống “phải xong mọi việc” đầy hối hả đó, Carver thậm chí từng nghiên cứu lắp đặt phòng làm việc trong xe ô tô vì cô nghĩ gửi email khi dừng đèn đỏ bằng máy tính sẽ hiệu quả hơn khi dùng điện thoại nhiều.
Đến nay, khi đã từ bỏ mọi thứ và trở thành blogger hàng đầu về lối sống tối giản, nhìn lại quãng đời điên cuồng trong vòng xoáy công việc, Courtey Carver thừa nhận: “Mục tiêu của tôi là hoàn thành mọi việc, chứ không phải là hoàn thành tốt một việc nào đó”.
Tác giả Courtney Carver. Ảnh: bemorewithless. |
Làm việc quá nhiều một cách vô nghĩa
Ngày nay, bận rộn đã trở thành một nét văn hoá. “Tôi nhìn quanh và thấy tất cả những người mà tôi nghĩ là thành công cũng đang điên cuồng làm việc, và càng bận rộn thì họ lại càng tiến nhanh về phía trước, như thể họ có thể hoàn thành nhiều việc hơn chỉ đơn giản bằng cách đẩy nhanh tốc độ”, Courtney Carver nói. “Những tiến bộ công nghệ hiện đại cùng khao khát được ghi nhận, có thành tựu khiến chúng ta muốn làm nhiều hơn”, cô giải thích.
Cuộc sống bận rộn lên tiếng thúc giục: “Nhanh lên! Bạn đang tụt lại phía sau đấy! Hãy làm nhiều hơn!” Và thế là cũng như Courtey Carver, rất nhiều người trong chúng ta trở thành những kẻ tham công tiếc việc, thức dậy với một danh sách dài những việc cần làm trong ngày.
Song song đó, tại nhiều quốc gia, công việc đã trở thành một nỗi ám ảnh, gây nên stress, burn-out (hội chứng cháy sạch, giảm năng suất lao động ở nhân viên). Những giây phút nghỉ ngơi, theo đuổi sở thích cá nhân trở nên hiếm hoi, những kỳ nghỉ dài ngày bên gia đình trở thành điều xa xỉ.
Vấn đề là, ta có thật sự phải bận rộn đến vậy? Liệu ta có thể làm việc ít đi mà lại đạt được hiệu quả hơn?
Đã có nhiều ý tưởng và thử nghiệm về làm việc ít hơn. Hồi đầu năm, mạng xã hội xôn xao với đề xuất đi làm 4 ngày/tuần, mỗi ngày chỉ 6 tiếng của nữ thủ tướng Phần Lan. Vào tháng 11/2019, Microsoft Nhật Bản tiết lộ chương trình chạy thử “một tuần làm việc 4 ngày” đã giúp tăng 40% năng suất.
Xét về khía cạnh kết quả, thời gian làm việc hay khối lượng công việc trên thực tế không quan trọng bằng năng suất làm việc. “Tôi ngừng dành mỗi buổi sáng thứ hai cho việc họp hành vô nghĩa. Tôi từng dành hàng giờ viết báo cáo tuần vì các đồng nghiệp cần bằng chứng cho thấy tôi bận rộn”, Carver thành thực.
Còn về phương diện sự hạnh phúc của nhân viên, một lịch trình kín việc hết ngày này qua ngày khác chỉ gây nên căng thẳng, kiệt sức và sự mất cân bằng.
“Khi mải chú trọng vào việc xoay xở để có thời gian làm hết mọi chuyện thay vì dành thời gian cho những điều quan trọng, chúng ta không còn nhớ cách tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa nữa”, Carver nói.
Cá nhân Courntey Carver, sau nhiều năm trời cố gắng thêm nhiều việc vào lịch trình hết ngày này qua ngày khác và tìm mọi cách để làm mọi thứ “tốt hơn, nhanh hơn, nhiều hơn”, đến một ngày cơ thể cô phản đối bằng chứng bệnh đa xơ cứng – một chứng rối loạn não bộ và tuỷ sống làm suy giảm chức năng thần kinh.
Carver xem nó như một hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc cô rằng khi sống hoặc làm việc không đúng theo tâm ý, thế nào cô cũng sẽ lâm vào cảnh đổ vỡ, suy sụp hoặc cả hai.
“Tôi không muốn mình phải bận rộn quá mức nữa”, cô nói.
Sách Tâm hồn giản dị. Ảnh: First News. |
Làm việc ít đi và chỉ làm những việc quan trọng
Trong cuốn sách Tâm hồn giản dị bàn về lối sống tối giản, bên cạnh chủ đề về dọn dẹp không gian, tâm trí, Courntey Carver dành nhiều thời lượng bàn về sự tối giản trong công việc. “Chúng ta có rất nhiều phương pháp để tinh giản đồ đạc, nhưng ta nên làm gì với cuộc sống bận rộn của mình?”, cô gợi ý.
Cũng như triết lý cốt lõi của “chủ nghĩa tối giản”, nguyên tắc của tối giản trong công việc là giảm lượng việc cần làm, chỉ giữ lại những việc quan trọng và dành trọn tâm huyết, sự tập trung vào phần việc còn lại đó. “Thay vì tìm cách hiệu quả hơn để làm hết mọi việc, hãy giảm số lượng công việc cần phải làm”, Carver nói.
“Việc này có quan trọng đối với mình không?” là câu hỏi mà bạn luôn giữ trong đầu. Có bao nhiêu phần trăm đầu việc, dự án hiện tại của bạn là thật sự quan trọng? Bao nhiêu phần trăm là những việc có thể gạch bỏ hay nhờ sự giúp đỡ của người khác?
Để thực hành tối giản công việc, đầu tiên, hãy biết nói lời từ chối. “Khi quyết định liệu có làm việc gì hay không, nếu không thể nghĩ ‘Chà, sẽ tuyệt lắm đây! Chắc chắn rồi! Hết sảy!’ thì câu trả lời của tôi là không. Khi từ chối hầu hết mọi việc, cuộc sống của bạn sẽ có khoảng trống để thật sự hoàn toàn vui vẻ”, Carver ghi trong Tâm hồn giản dị.
Theo cô, điều quan trọng là biết “rũ bỏ cảm giác tội lỗi khi làm việc ít đi, và thay vì làm người khác thất vọng, hãy nhắc họ nhớ điều gì mới là quan trọng trong cuộc sống của họ bằng cách đề cao điều quan trọng của chính bạn”.
Tiếp theo, Carver đề nghị bạn đọc thực hành tối giản công việc với danh sách việc cần làm mỗi ngày: Mỗi ngày trong 7 ngày kế tiếp, hãy loại bỏ một mục ra khỏi lịch ghi chú hay danh sách việc phải làm của bạn.
“Nếu bạn thật sự lo lắng mình sẽ luyến tiếc việc gì đó, hãy viết điều đó ra giấy và bỏ vào phong bì. Đến cuối tuần, nếu bạn không thấy luyến tiếc việc đó nữa, hay thậm chí là không còn nhớ tới nó thì hãy vứt phong bì đi”, Carver hướng dẫn.
Cuối cùng, tác giả Tâm hồn giản dị cho rằng mỗi người thử cân nhắc đổi việc nếu cần thiết. “Thay vì hoà mình vào công việc, hãy chọn công việc hoà hợp với mình”, cô nói. Tại sao phải dành nhiều năm trời bận rộn vì một công việc vô nghĩa? Bản thân Carver cũng dần chuyển từ công việc quảng cáo sang công việc làm blogger mà cô yêu thích và từ đó tận hưởng trọn vẹn từng giây phút khi cô ngồi vào bàn làm việc.
Đến nay, Courtney đã thực hành lối sống tối giản được 10 năm, trở thành một người khoẻ mạnh, một blogger hạnh phúc với những dự án xuất hiện trên BBC, Forbes, CNN, The Oprah Magazine. Trên hết, cô có những buổi sáng thức dậy thong dong, một cuộc sống “nói không với sự bận rộn”, có nhiều thời gian dành cho chính mình và gia đình.
“Nếu bạn từng cảm thấy suy nhược vì bệnh tật, mệt mỏi vì túng quẫn, căng thẳng vì làm việc quá sức và không bao giờ bắt kịp người khác, vậy thì sống đơn giản hơn có thể mang lại cho cuộc sống của bạn nhiều mục đích và ý nghĩa hơn”, Carver kết luận.