Mùa hè ấy còn có biển và vách đá, với những nỗi buồn và niềm bất an mơ hồ qua lớp ngôn từ nhẹ nhàng, đẹp đẽ.
Tác giả của Thân gửi mùa hạ là Tove Jansson, người nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên như A Winter Book, Fair Play, Sun City và Sculptor’s Daughter. Bà theo học nghệ thuật ở cả Stockholm và Paris.
Từ năm 1929 đến năm 1953 bà cộng tác với tạp chí Garm và đây là khoảng thời gian bà tạo ra nhân vật nổi tiếng nhất của mình: Moomin – một sinh vật giống hà mã với tính tình mơ mộng dễ thương. Tove Jansson nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994.
Sách Thân gửi mùa hạ. Ảnh: Ehomebooks. |
Những câu chuyện bình dị của mùa hạ
Thân gửi mùa hạ kể những câu chuyện nhỏ, bình dị diễn ra xung quanh cuộc sống của gia đình ba người: Bà nội, bố và Sophia trên một hòn đảo thuộc vịnh Phần Lan trong một mùa hè và cũng như của mọi mùa hè.
Có thể bạn sẽ hỏi cuốn sách gửi gắm điều gì, mang những tầng nghĩa nào như một người đọc vẫn tìm kiếm khi đọc một cuốn sách. Có điều với Thân gửi mùa hạ, có lẽ khó tìm ra một lớp nghĩa rạch ròi.
Thông qua ngôn từ miêu tả giàu hình ảnh, đôi khi ta không thấy gì hơn hoặc rằng chỉ muốn thấy và dành mọi giác quan để cảm nhận mùa hè đang hiện hữu ngay trước mắt. Nhưng những cuộc trò chuyện, những diễn biến nội tâm nhân vật thể hiện nhiều chiêm nghiệm lý thú về thời gian.
Xuyên suốt cuốn sách, độc giả sẽ đi qua từng câu chuyện nhỏ cùng bà nội và Sophia. Đó là câu chuyện hai bà cháu trốn bố để đến hẻm núi và tắm, chuyện về loài vịt biển đuôi dài, chuyện về con mèo thích săn chim, chuyện về những ngày giữa mùa hè, chuyện về loài giun đất…
Những câu chuyện ấy là chuyện của mùa hè, chuyện của sự nối nhau vụt qua của thời gian.“Khi gió tây nam thổi, người ta có thể dễ dàng cảm thấy ngày tháng cứ gối đầu, thay phiên nhau mà không có mấy đổi thay hoặc sự kiện rõ ràng, cả ngày lẫn đêm đều từa tựa nhau trong tiếng gió thì thầm”.
Và “Đêm cứ xuống và ngày cứ lên. Mỗi người có một bận tâm riêng, quỹ đạo riêng trên hòn đảo này, hiển nhiên đến nỗi người ta chẳng buồn nói về chúng, bởi có nói gì thì cũng không ai thán phục hoặc cảm thông”.
Và đó cũng là câu chuyện của những ngày tháng cũ. Nhiều đêm trăng mùa xuân, nhiều những ngày trung hạ trôi đi, cách nhìn nhận đời sống của con người cũng thay đổi. Như lời bà nội nói: “…mọi thứ cứ trôi đi rồi trở lại, và có những điều tốt đẹp bỗng chẳng mang ý nghĩa gì nữa, thật đáng tiếc. Đại loại là bà chẳng còn muốn tạ ơn với đời vì những ngày tháng cũ. Nhưng chí ít người ta vẫn có thể tâm sự về nó”.
Thời gian cũng khiến người ta nhìn nhận cái chết như một sự ra đi nhẹ bẫng. Ông Verner – một người bạn cũ của bà nội tới thăm và nói rằng: “Mà này, Backmansson đi rồi!”.
Bà hỏi: “Ông ta đi đâu vậy?”/ “Ông ấy không còn ở lại đây với chúng ta nữa”. Thế là bà hiểu, ông ấy chết rồi.
Nhưng bà bắt đầu nghĩ đến tất cả những cách nói hoa mỹ về cái chết và những chuyện kiêng kị đó thường xuyên thu hút sự chú ý của bà. Thật khó chịu khi người ta cứ nói chuyện kiểu cách như thế. Người ta còn quá trẻ hoặc đã quá già hoặc cũng có thể chẳng có thời để tự cắt nghĩa.
Và có lẽ, Thân gửi mùa hạ còn hấp dẫn bởi lối kể, lối tả về những chuyển biến của đất trời thật tự nhiên, thật nên thơ.
“Vẫn đang là mùa hè nhưng mùa hè đã không còn ở đây, mùa hè đã đi hẳn dẫn rằng cảnh vật chưa hề tàn úa, và mùa thu vẫn chưa sẵn sàng lộ diện… Không phải ngay lập tức mà cứ dần dần mỗi ngày một chút, mọi thứ bắt được đổi vị trí để thuận theo những chuyển biến của đất trời”.
Nhà văn Tove Jansson. Ảnh: Eva Konikoff. |
Nỗi bất an mơ hồ về sự mong manh của số phận
Thân gửi mùa hạ có ngôn từ nhẹ nhàng, đẹp đẽ, bởi thế tạo nên những ngày mùa hè nên thơ. Dù vậy, ẩn sau lớp ngôn từ ấy, sau những câu chuyện nhỏ hài hước và thú vị của bà nội và Sophia đôi khi sẽ khiến người đọc cảm thấy nỗi bất an mơ hồ về sự mong manh của số phận.
Nỗi bất an xuất hiện khi bà nội và Sophia trốn bố để đến hẻm núi chơi và tắm, vì bà nội đã già và Sophia còn nhỏ. Đôi lúc, Sophia lo lắng khi bà nội mệt chỉ ngồi im đọc sách mà không nói gì.
Mùa hè trên đảo thường có bão, đôi khi bố của Sophia còn ở thuyền cá trên biển khi bão nổi. Bởi vậy Sophia tin vào bùa thuốc mà bà của bà nội từng làm, có thể giúp giải nguy cho bố. Cô bé trở nên mê tín khi nghĩ rằng việc sắc thuốc thảo dược vào đúng đêm trăng rằm thì thuốc mới hiệu nghiệm.
Giữa đêm cô bé cùng bà nội vào rừng tìm thảo dược, và mỗi lần bà nội nhặt một thứ gì và nhét vào túi áo là mỗi lần cô bé thấy nhẹ nhõm hơn.
Và người đọc cũng được thở phào sau những dòng kể mang ám hiệu của sự ra đi, bởi bà nội đã tìm đủ những thứ cần thiết để hóa giải tai ương. Thế rồi mọi người sống hạnh phúc cùng nhau đến tận mùa thu.
Nhưng rồi “chiếc áo choàng của bà được gửi đến tiệm giặt là, và ngay lập tức, bố của Sophia bị trẹo chân”. Đó như một lời khẳng định, rằng “đằng sau đường chân trời, định mệnh đã an bài đang ngồi đó và chờ đợi”. Vì vậy, bên cạnh một mùa hè tươi mới, người đọc có thể cảm nhận được nuỗi buồn vương vất qua từng câu chuyện nhỏ.
Cuốn sách kết thúc khi những ngày tháng tám đến và mùa hè sắp sửa qua đi. Bà nội Sophia ngồi trên đống củi nghe nhịp tim mình mà ngỡ tiếng máy của con thuyền cá trích ngoài kia. Cảm xúc của người đọc lặng đi, như mặt trăng lặn xuống dưới mặt biển và cơn bão đã ngủ yên.