Cái ấn tượng về con voi có tên A Khầm ấy cứ hối thúc tôi một ngày được đến công viên và nhìn ngắm chúng.
Nhưng công viên Thủ Lệ không chỉ có voi mà hiện thời có rất nhiều loại chim thú đặc trưng ở đó. Đó là những chú hổ Đông Dương, hổ Amur có tiếng gầm ghê rợn, những con sư tử châu Phi nằm dài trên những bệ gỗ, những con đà điểu to lồng ngồng, vài chú cá sấu nằm giả chết, lũ vẹt Nam Mỹ lúc nào cũng ầm ĩ cùng những báo, khỉ, hà mã, nhím, hươu, nai…
Công viên Thủ Lệ còn cho tôi một kỷ niệm đáng nhớ nữa. Đó là khi chập chững viết văn, tôi nhớ khi ấy đài báo đưa tin, lần đầu tiên có một chú hổ con được sinh ra ở ngay trong công viên và được đặt tên là Sơn Nhi – đứa con của rừng.
Đền Voi Phục còn có tên đền Thủ Lệ tọa lạc bên hồ Thủ Lệ, thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Thảo Nhi. |
Tôi thích thú với cái tên đó quá và lấy làm tên một nhân vật nữ chính trong truyện ngắn lịch sử của mình.
Nhưng chính lịch sử nơi này cũng là phóng chiếu những trầm tích văn hóa rất đáng chú ý với sự hình thành và phát triển của những làng ven đô quanh kinh thành Thăng Long xưa.
Công viên Thủ Lệ vốn nằm trên đất làng Thủ Lệ xưa kia. Cái tên Thủ Lệ liên quan một thần tích đáng chú ý của tín ngưỡng dân gian mà mỗi câu chuyện liên quan được giải thích một cách đa dạng và mang thêm sự hấp dẫn cho những huyền sử tồn tại trong vùng.
Huyền sử đáng chú ý nhất liên quan đền Voi Phục nằm trong khuôn viên Thủ Lệ bây giờ. Đền Voi Phục thờ vị thần chủ là hoàng tử Linh Lang, sau được phong đại vương và trở thành một vị thánh.
Linh Lang là một trong những vị thần quan trọng của hệ thống tín ngưỡng Việt, được rất nhiều nơi thờ phụng và thần tích thì rất khác nhau và đa dạng.
Ngay ở khu vực nội thành Hà Nội, Linh Lang được thờ ở hơn chục ngôi đền khác nhau. Và ở ba ngôi làng cổ của Hà Nội là Yên Phụ, Thụy Khuê và Thủ Lệ, đã có ba thần tích khá khác nhau về nguồn gốc của thần.
Nhưng trong tất cả nơi thờ Linh Lang, đền Voi Phục là nơi quan trọng và nổi tiếng hơn cả, vì đây là quê mẹ của thần và nơi thần hóa.
Một điểm đáng chú ý nữa là Linh Lang được coi là một trong những vị thần bảo vệ cho kinh thành Thăng Long. Đền Voi Phục là một trong “Thăng Long tứ trấn” cùng đền Bạch Mã, đền Quán Thánh và đền Kim Liên.
Linh Lang được coi là vị thần quan trọng hộ mệnh cho kinh thành Thăng Long vì thần là người đã có công đánh giặc cứu nước. Theo huyền sử làng Thủ Lệ, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông. Chàng đã có công lớn trong việc đánh dẹp giặc Tống.
Khi đánh thắng giặc trở về, nhà vua có ý muốn nhường ngôi cho Linh Lang nhưng hoàng tử không chịu. Hoàng tử sau đó mắc bệnh và xin về ở quê mẹ là Trại Chợ – tên cũ của làng Thủ Lệ – để tĩnh dưỡng. Một thời gian sau, hoàng tử mất, biến thành con giao long và trườn xuống hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) rồi biến mất.
Hoàng tử mất, vua thương tiếc cho lập đền thờ, giao cho dân làng giữ lệ thờ cúng và được miễn các khoản tạp dịch. Cái lệ ấy được yêu cầu truyền đời và tên Thủ Lệ ra đời.
Thủ Lệ nghĩa là giữ lấy cái lệ thờ cúng ấy. Gần đây, tôi có đọc trên mạng có cách giải thích rằng Thủ Lệ là mảnh đất có hình giống như giọt lệ, e rằng điều đó không đúng và khiên cưỡng.
Điều thú vị nữa là trong khuôn viên Công viên Thủ Lệ và đền Voi Phục có những cái tên được đặt rất đặc thù theo kiểu thức dân gian Việt Nam.
Đền thờ Linh Lang đại vương nhưng gọi là Voi Phục vì cổng đền có hai con voi nằm phục theo lệnh của hoàng tử. Khu vực này xưa còn có ngọn núi gọi là Núi Bò vì ngày trước, khi dân làng Thủ Lệ làm đám rước mang bài vị của thần từ đình làng Vạn Phúc sang đền Voi Phục, phải đi qua một quả đồi cao. Để tránh cho khỏi làm đổ bài vị, những người khênh kiệu đôi khi phải nằm bò xuống, từ đó cái tên Núi Bò ra đời.
Thủ Lệ ngày trước vốn là một khu ít dân, ao đầm và cây cối mọc um tùm. Khi cải tạo thành công viên thì khu vực này vẫn còn nhiều cây cổ thụ rất lớn. Bây giờ, quanh khu vực đền Voi Phục vẫn còn có những cây muỗm to nhiều người ôm không xuể.