Thác loạn ở Las Vegas là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn, nhà báo người Mỹ Hunter S. Thompson. Bằng những trải nghiệm cá nhân, tác giả đã mang đến cho người đọc bức tranh toàn cảnh và ấn tượng về xứ sở cờ hoa những năm 70.
Điều con người ta muốn thấy và được thấy đôi khi không phải một. Có lẽ, đó là khởi nguồn của những khổ đau.
Tiểu thuyết Thác loạn ở Las Vegas của Hunter S. Thompson. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Ở Las Vegas, chúng ta sẽ tìm thấy những gì?
Ra mắt độc giả năm 1972, Thác loạn ở Las Vegas tường thuật một cách dí dỏm và hài hước, nhưng cũng đầy châm biếm về cuộc hành trình của nhà báo Raoul Duke và gã luật sư nhiều mưu mẹo Gonzo.
Họ từ California đến Las Vegas để tường thuật giải đua xe “hoành tráng nhất thế giới” như cái cách đuổi theo giấc mơ Mỹ đầy quyết liệt của những con người của thập niên 60.
Ngay từ những trang đầu của tác phẩm, chúng ta bắt gặp hình ảnh của hai người đàn ông đậm chất Mỹ và đầy lãng tử. Họ lái chiếc Great Red Shark mui trần, lướt nhanh trên những cung đường cao tốc lộng gió và thanh vắng cùng cặp kính đen và mái tóc bồng bềnh lãng tử.
Hành trang của Raoul Duke và Gonzo có những gì? Có phải là máy ảnh, sổ và máy ghi âm như những phóng viên khác?
Hunter S. Thompson đã miêu tả: “Cốp xe như một phòng thí nghiệm ma túy di động của cảnh sát. Chúng tôi có hai túi cỏ, bảy mươi lăm viên mecasline, năm vỉ a-xít dạng viên giấy cực mạnh, một nửa lọ cocain”…
Hành trang của họ chỉ toàn ma túy, cuộc hành trình như dài hơn với những kẻ mơ mộng. Thực tại quá nghiệt ngã, họ luôn muốn đắm chìm trong miền hoang tưởng xa xôi nào đó.
Hai gã dẫu lo sợ và đề phòng, vẫn không nỡ từ chối một đứa nhóc tội nghiệp muốn đi nhờ xe. Cuối cùng, nỗi lo ám ảnh bị tố cáo, không thể ngăn cản được một phần lương thiện trong con người họ.
Trên hành trình đến Las Vegas, Raoul Duke luôn trăn trở: Liệu những gì gã nhìn thấy, có phải những thứ bản thân đã kỳ vọng hay không?
Nhiều lần, anh bạn luật sư Gonzo khuyên Raoul Duke từ bỏ “giấc mơ Mỹ” kia đi. Nhưng giấc mơ của thập niên 60 dường như vẫn đeo đuổi những con người của thời đại.
Ngoài công việc, những bản tin và giải đua xe, có lẽ trong sâu thẳm của hai con người đang chán nản và rệu rã ấy, đều muốn đến Las Vegas để tìm kiếm giấc mơ. Hay ít ra, họ nghĩ ở đó chắc chắn còn đọng lại chút vàng son của quá khứ.
Nhà văn Hunter S. Thompson (trái) và người bạn của mình là luật sư Oscar Zeta Acosta, nguyên mẫu của hai nhân vật Raoul Duke và Gonzo. Ảnh: The Guardian. |
Hunter S. Thompson và hiện thực sắc sảo về nước Mỹ
Thế nhưng, họ đã nhầm. Las Vegas chẳng có gì khác so với California, Los Angeles hay New York. Thậm chí, mọi thứ còn khốc liệt hơn.
Để có được những gì mình muốn, cả hai đã phải tận dụng hết những mánh khóe đã góp nhặt trong suốt bao năm rong ruổi với cuộc đời. Chán nản, tuyệt vọng, cả hai lại tìm đến ma túy như một cách để tạm quên đi hiện tại.
Thật khó để kể lại những gì mà hai gã Raoul Duke và Gonzo đã làm. Bởi cả hai đã dành phần lớn thời gian cho những cơn say mê man bởi cỏ, ma túy tổng hợp.
Trong những phút giây tỉnh táo hiếm hoi, thứ duy nhất mà người ta thấy được cũng chỉ là mánh khóe, thủ đoạn và lừa lọc. Đôi khi, làm một kẻ lưu manh tốt hơn làm người lương thiện.
Hunter S. Thompson từng là phóng viên với nhiều năm cộng tác cho tờ báo nổi tiếng Rolling Stone, nơi đầu tiên đăng tải Thác loạn ở Las Vegas.
Chúng ta có thể thấy trong nhân vật Raoul Duke hình bóng của phóng viên liều lĩnh, người khởi nguồn cho phong cách báo chí Gonzo, kết nối giữa phê bình xã hội và tự châm biếm.
Nhiều người cho rằng Thác loạn ở Las Vegas là “biên niên ký tuyệt vời nhất” về thập niên 70 của nước Mỹ. Điều ấy đúng, nhưng chưa đủ.
Nếu dõi theo hành trình của hai gã đàn ông chưa già, nhưng cũng chẳng còn trẻ trung Raoul Duke và Gonzo, chúng ta sẽ thấy tác phẩm này còn là “bài điếu văn” đầy chua xót mà hóm hỉnh, tưởng nhớ đến thập niên 60, giai đoạn vẫn được xem là đỉnh cao của văn hóa đại chúng Mỹ.
Năm 1998, tiểu thuyết Thác loạn ở Las Vegas được chuyển thể thành phim do Terry Gilliam đạo diễn, nam tài tử Johnny Deep thủ vai chính. Ảnh: Hollywood Reporter. |
Những bài hát của John Lennon, Elvis Presley được nhắc đến trong tác phẩm như một cách thi vị để nhớ về thời kỳ này. Đôi khi, người ta thấy tác phẩm giống như bản tường thuật hài hước, đầy châm biếm về những gì đã diễn ra trong giai đoạn cuối thập niên 60, đầu thập niên 70. Nhiều cái tên đáng nhớ của thời đại đều được nhắc đến, ý nhị có, trần trụi cũng có.
Phong cách báo chí ảnh hưởng nhiều tiểu thuyết của Hunter S. Thompson. Ông không chú trọng miêu tả, mà chủ yếu đi vào kể chuyện.
Không chỉ có vậy, nhà văn còn đưa khá nhiều khẩu ngữ vào tác phẩm Bên cạnh đó, tác giả đã khai thác triệt để điểm nhìn cá nhân của mình trong việc xây dựng và định hình nhân vật. Đây cũng là nét đặc trưng của phong cách báo chí Gonzo, một thương hiệu đã làm nên tên tuổi của Hunter S. Thompson.