Con đã về nhà – Ký họa cách ly dịch Covid là cuốn sách ghi lại hình ảnh những người trẻ học tập, sinh sống ở nước ngoài trở về nước và được cách ly tập trung 14 ngày trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Cuốn ký họa không chỉ phản ánh cuộc sống trong khu cách ly, mà còn cho thấy giá trị của tình người trong biến cố, về cách lựa chọn thái độ sống, thích nghi với hoàn cảnh, sự lạc quan, yêu đời, tình yêu và sự biết ơn…
Trong dịp tác giả ra Hà Nội dự buổi ra mắt sách (ngày 9/6), anh có những chia sẻ về cuốn sách đầu tiên của mình.
Tác giả Tăng Quang. |
Tràn đầy lòng biết ơn sau cách ly
– Nguồn cảm hứng nào khiến anh vẽ nên những bức ký họa trong khu cách ly?
– Mới đầu, tôi nghĩ chỉ vẽ tranh phong cảnh thôi, không có định vẽ ký họa lại. Sau khi thấy được nhiều hành động có ý nghĩa và có nhiều cảm xúc diễn ra trong khu cách ly tập trung, mình muốn vẽ lại bộ tranh này để làm kỷ niệm cũng như là một món quà tặng cho các anh chị bác sĩ khi hoàn thành xong cách ly.
– Vì sao anh chọn tranh ký họa chứ không phải các thể loại tranh khác?
– Đặc điểm của ký họa là không phải chỉn chu cầu kỳ về chi tiết như các thể loại tranh hội họa khác, đa phần tôi dùng bút kim mực đen để có thể vẽ nhanh lại sau đó dùng màu nước để tăng độ phong phú về sắc độ cho bức tranh.
Ký họa là sự ghi chép trực quan cảnh vừa thấy, nắm bắt nhanh được tinh thần của không gian bối cảnh, dễ truyền tải được nhiều cảm xúc hơn khi phải nắn nót từng chi tiết để vẽ lại.
– Trong quá trình thực hiện các ký họa, đâu là bức tranh để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất?
– Đó là tranh vẽ phòng nữ bên cạnh phòng tôi trong ngày chuẩn bị chia tay. Khi các bạn tặng quà cho các anh chiến sĩ để nói lời cảm ơn, tôi thấy được sự xúc động, những giọt nước mắt chân thành của các anh chị. Tôi muốn lưu giữ lại khoảnh khắc ấy bằng nét vẽ.
Khung cảnh lúc đó gợi nhiều cảm xúc: Một căn phòng tràn ngập ánh sáng làm tôi muốn vẽ lại ngay lập tức.
– Anh tâm đắc nhất về mặt thẩm mỹ với bức tranh nào?
– Về mặt thẩm mỹ, tôi thích nhất bức tranh vẽ lại căn phòng vào buổi sáng trước giờ chia tay khu cách ly để về nhà. Ánh nắng sớm chiếu rọi vào, không còn ồn ào náo nhiệt hay người qua lại mà là một bầu không khí rất khác, khoảnh khắc ấy, trong tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn, đan xen.
– Cảm xúc của anh ra sao khi nhận được lời mời của nhà xuất bản đề nghị xuất bản thành sách?
– Đầu tiên, tôi rất vui và bất ngờ khi tác phẩm của mình lan tỏa đến cộng đồng. Sau đó, tôi cảm thấy khá áp lực. Tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm viết sách, sách khi được xuất sẽ được lan truyền đến nhiều người hơn, nhận được nhiều sự đánh giá, phản hồi hơn.
Để xuất bản được cuốn sách như ngày hôm nay, tôi nhận được hỗ trợ rất nhiều từ các anh chị làm công tác xuất bản, biên tập và các bạn du học sinh khác.
– Điều đáng nhớ nhất của anh sau khoảng thời được sống và sinh hoạt trong khu cách ly là gì?
– Trước khi về nước, tôi được biết trong khu cách ly, mọi người được chăm sóc đầy đủ nhưng vẫn không tranh khỏi tâm lý e ngại vì môi trường cách ly vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro về bệnh tật. Trước sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các bác sĩ, chiến sĩ mọi người dần thoải mái, làm quen và cởi mở với nhau.
Ngoài việc cách ly khỏi bệnh tật thì, tôi còn được “cách ly” khỏi những bộn bề bên ngoài, 2 tuần đó là 2 tuần cho tôi cơ hội để nạp lại năng lượng và phát triển sở thích của bản thân.
Cảm xúc nhận được nhiều nhất sau khi thực hiện xong cách ly là sự biết ơn và trân trọng. Những người trong phòng đều là những người xa lạ nhưng đối đãi với nhau rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với những gì mọi người hình dung trước khi về nước.
Sách Con đã về nhà. |
Chạy đua với thời gian để làm sách
– Là một người hoàn toàn không có chuyên môn về xuất bản và là lần đầu tiên làm sách, vậy khó khăn lớn nhất đối với anh là gì?
– Khó khăn lớn nhất là áp lực về thời gian, chưa đến 1 tháng để xuất bản thành sách. Cuốn sách gắn với khoảng thời gian đặc biệt của xã hội, nên sách phải truyền tải được thông điệp kịp thời.
Mọi người chỉ có một khoảng thời gian nhất định vừa vẽ, biên tập, thiết kế… Điều này tạo ra áp lực rất lớn với tôi khi phải chạy đua với thời gian.
– Đơn vị xuất bản nói lượng sách phát hành vượt mục tiêu. Anh có kỳ vọng gì với tác phẩm của mình?
– Việc xuất bản thành sách là điều nằm ngoài mong đợi và dự tính ban đầu của tôi. Sau khi chiến dịch thành công và sách được in thêm lần thứ 2, tôi rất vui. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì thông điệp và giá trị của cuốn sách sẽ được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng. Tôi càng thấy ý nghĩa hơn khi nhà xuất bản Phụ Nữ trích một phần tiền bán sách để giúp 20 phụ nữ yếu thế sau Covid-19.
– Thông điệp mà anh muốn truyền tải đến mọi người thông qua cuốn sách này là gì?
– Hy vọng với trải nghiệm của mình, tôi có thể mang đến một góc nhìn tích cực cho các bạn từ nước ngoài trở về thoải mái và lạc quan hơn với những gì các bạn sắp phải trải qua.
Cuốn sách còn là cảm xúc, sự chia sẻ của các bạn du học sinh khác về những gì các bạn đã trải qua và của các cô chú các vị phụ huynh có con từ nước ngoài trở về sống trong trung tâm cách ly tạo nên góc nhìn nhiều chiều, chủ yếu là góc nhìn của các bạn trẻ đa phần đều là góc nhìn tích cực với nhiều màu sắc khác nhau để mọi người có thể có cái nhìn lạc quan hơn khi phải trải qua biến cố trong cuộc sống.
– Sau thành công của cuốn sách đầu tiên, anh có dự định để tiếp tục phát triển công việc làm sách trong tương lai không?
– Hiện tại, tôi nhận được một vài lời đề nghị từ các nhà xuất bản khác nhau cho những cuốn sách tiếp theo nhưng tôi cũng đang cân nhắc, tôi phải cân đối thời gian giữa công việc chính và việc làm sách.
Làm sách là một công việc vất vả phải đầu tư nhiều thời gian mới có được một cuốn sách chất lượng và chỉn chu Vì vậy, tôi ko dám chắc có đồng ý nhận lời hay không, nhưng tôi cũng xin cảm ơn vì những đề nghị đó!
Tăng Quang là du học sinh từ Anh trở về và đã có trải nghiệm 14 ngày cách ly tập trung. Tại đây, bằng cái nhìn tích cực, anh đã vẽ bộ tranh sống động, ấm áp về sự tận tụy của các y bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu. Tranh anh đã để lại nhiều cảm xúc, trở thành hiện tượng trên mạng xã hội và nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng.