Trong bài viết “Từ núi Đanh đến thành phố Sài Gòn” của cuốn hồi ký Theo vết xích xe tăng, tập 2 (NXB, Hội nhà văn, 2004), đại tá Lê Xuân Kiện, lúc đó là Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng – Thiết giáp, kể chi tiết về câu chuyện này.
Ông Lê Xuân Kiện sau này được bổ nhiệm là Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp (giai đoạn 1980-1989) và được phong quân hàm thiếu tướng.
Xe tăng quân giải phóng chiếm Dinh Độc lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/Thông Tấn Xã Việt Nam. |
Đạn cho xe tăng – vấn đề cấp thiết
Cuối tháng 9/1974, ông Kiện được giao nhiệm vụ chỉ huy đoàn cán bộ và thợ sửa chữa các loại về xe tăng – thiết giáp vào miền Nam.
Mục đích là giúp các đơn vị khôi phục, sửa chữa xe tăng – thiết giáp và tập huấn cán bộ tăng thiết giáp về cách đánh hiệp đồng binh chủng có xe tăng tham gia, từ Quảng Trị đến Tây Nguyên (B3) và miền Đông Nam Bộ (B2), chuẩn bị cho hoạt động Đông Xuân 1974-1975.
Chấp hành chỉ đạo, đoàn cán bộ của Binh chủng Tăng – Thiết giáp nhanh chóng hành quân vào chiến trường miền Nam.
Sau khi tham mưu cho Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên về cách sử dụng xe tăng trong đánh hợp đồng binh chủng, đưa chiến dịch đến thắng lợi, ông Kiệm được mời làm việc với Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Buôn Ma Thuột chiều 21/3/1975.
Ông Kiệm kể trong bài viết tướng Văn Tiến Dũng nói ông Lê Đức Thọ ở Hà Nội sẽ vào Tây Nguyên, chúng ta phải khẩn trương chuẩn bị giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Tổng tham mưu trưởng muốn biết xe tăng của B3 khả năng chiến đấu tiếp có khó khăn gì.
Trả lời Tổng tham mưu trưởng, ông Kiệm cho biết lực lượng xe tăng B3 sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Cheo Reo, anh em rất phấn khởi và đang chuẩn bị xe pháo cho những trận chiến đấu tiếp theo.
Toàn bộ xe tăng – thiết giáp của B3 qua hai trận chiến đấu tiêu diệt Buôn Ma Thuột và Cheo Reo đều tốt, có thể cơ động tiến công Sài Gòn.
Chỉ có hai xe tăng bị địch bắn hỏng, đã được cho kéo xuống suối dùng thuốc nổ phá hủy. Khí tài kỹ thuật, dầu ma dút, dầu nhớt, khí tài kỹ thuật còn đủ.
Khó khăn lớn của lực lượng xe tăng là thiếu đạn pháo 100 ly, không đủ một xe hai cơ số đạn. Đánh Sài Gòn, mỗi xe cần có 2-2,5 cơ số đạn.
Kịp thời sử dụng không quân vận tải
Thiếu tướng Lê Xuân Kiệm kể tiếp trong bài viết: Anh Dũng vui vẻ nhìn tôi và nói: Cậu đã đi các kho vũ khí của B3 kiểm tra chưa?
Tôi trả lời: Trước khi mở chiến dịch, tôi đã đi các kho của B3 xem đạn pháo, đạn 12,7 ly, đạn súng máy trên xe tăng thì đạn pháo 100 ly đã hết, còn các loại 12,7 ly, đạn súng máy có nhiều.
Thiếu tướng Lê Xuân Kiện, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp. Ảnh tư liệu Binh chủng Tăng – Thiết giáp. |
Anh Dũng hỏi tiếp: Bây giờ làm thế nào để có đạn pháo xe tăng để đánh Sài Gòn?
Tôi nói: Đề nghị Thủ trưởng điện cho Tổng cục Hậu cần chở đạn pháo 100 ly từ miền Bắc vào Tây Nguyên.
Tuy nhiên, tướng Văn Tiến Dũng băn khoăn vì thời gian gấp lắm rồi, chúng ta phải giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm nay.
Giải đáp băn khoăn của chỉ huy, vị đại diện binh chủng Tăng – Thiết giáp chia sẻ nếu đạn pháo chở bằng ôtô từ miền Bắc vào Tây Nguyên thì không kịp. Mùa mưa ở miền Nam bắt đầu từ tháng 5, từ nay đến tháng 5, ta còn hơn một tháng.
Do đó, ông Kiệm đề nghị Tổng Tham mưu trưởng điện cho Tổng cục Hậu cần, lấy đạn pháo 100 ly ở Kho Bộ Tư lệnh Tăng – Thiết giáp đưa về Gia Lâm dùng máy bay IL-18 chở khoảng 2.000 viên thì trong thời gian một tuần sẽ bảo đảm cho mỗi xe tăng 2-2,5 cơ số đạn 100 ly.
Ông Kiệm bổ sung thông tin là dùng ôtô đi trinh sát sân bay của địch. Trong số hai sân bay ở Đắk Lắk, sân bay Hòa Bình có thể cất hạ cánh IL-18. Qua tìm hiểu người quản lý sân bay, hàng ngày, khi ta chưa tiến công Buôn Ma Thuột, địch vẫn dùng để cất hạ cánh máy bay F105 và Dakota.
Nghe vị chỉ huy xe tăng nói vậy, tướng Văn Tiến Dũng cười hỏi: “Cậu cũng hiểu về không quân à?”.
Đại tá Kiệm trả lời: “Báo cáo anh, năm 1973-1974, tôi đi học ở Học viện Liên xô, bạn cho học về không quân, đi tham quan sân bay và một số loại máy bay của bạn”.
Được tham mưu phương án hợp lý, tướng Văn Tiến Dũng bảo: “Kiện sang cơ quan tham mưu làm việc với anh Lê Ngọc Hiền và bảo anh Hiền điện cho Tổng cục Hậu cần, dùng máy bay vận tải IL-18 chở đạn pháo cho Tây Nguyên hạ cánh xuống sân bay Hòa Bình ở phía nam Buôn Ma Thuột khoảng 8 km”.
Theo cuốn sách sách Lịch sử 60 năm hàng không dân dụng Việt Nam (1956-2016), NXB Quân đội Nhân dân, 2015, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cầu hàng không Gia Lâm – Đồng Hới đã được thiết lập.
Hàng trăm chuyến bay chở vũ khí, đạn được, lương thực đã đã được Lữ đoàn Không quân vận tải 919 chi viện kịp thời cho chiến trường. Các thành phố Huế, Đà Nẵng, Phan Rang được giải phóng đến đâu, máy bay vận tải của ta bay vào tiếp quản, khai thác đến đấy.
Trong bài viết “Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh” của phi công Lê Đình Ký, thuộc Lữ không quân 919, in trong cuốn sách này, cho biết không quân ta đã sử dụng máy bay trực thăng Mi-6, Mi-8 của lữ đoàn, cất cánh liên tục, để chuyển hàng cho chiến dịch.
Các phi công nhận được lệnh thực hiện cầu hàng không để vận chuyển gấp đạn pháo lên Buôn Ma Thuột. Đây là một thử thách, vì phải xác định hướng tuyến bằng mắt thường, vượt qua nhiều rặng núi dài.
Tuy nhiên, từ lái chính, phụ, dẫn đường đến thợ máy, đều bay đi bay về không biết mệt. Các tổ bốc xếp nhanh chóng, giải phóng hàng, chỉ nghỉ giây lát rồi lên đường. Ai cũng chung một ý nghĩ: Thần tốc.
Và, phân đội đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên chở hơn 100 tấn đạn pháo cùng khối lượng lớn bản đồ Sài Gòn – Gia Định kịp thời cung cấp cho các hướng tiến công vào Sài Gòn – Gia Định, góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.