Cùng tình trạng hiệu sách và thư viện đóng cửa, các buổi ra mắt sách bị hủy bỏ, tác giả đang phải đối mặt một thử thách to lớn trong việc kết nối với độc giả tiềm năng.
Đây có thể là khoảng thời gian mang tính hủy hoại đối với sự nghiệp của các tác giả. Nhiều người trong số đó đang vật lộn để kiếm sống.
Thư viện khẩn cấp quốc gia là gì?
Ngày 24/3, Internet Archive, một tổ chức phi lợi nhuận tự mô tả là thư viện số gồm các nội dung miễn phí, có thể cho mượn, thông báo rằng họ tự cấp cho mình quyền được phân phối sách điện tử miễn phí tới bất kỳ người nào.
Viện dẫn lý do đại dịch, tổ chức này loại bỏ tất cả giới hạn về cho mượn sách đến ngày 30/6.
Từ năm 1996, Internet Archive đã sao chép và lưu trữ nhiều trang web. Nó chạy trên nền tảng Wayback Machine (kho lưu trữ kỹ thuật số phổ biến của World Wide Web), cho phép lưu trữ những trang web không còn tồn tại.
Tổ chức này cũng vận chuyển nhiều container sách đến Trung Quốc để sao chép, cũng như đang sao chép rất nhiều sách ngay tại San Francisco, Mỹ.
Qua nhiều năm, tổ chức trên đã xây dựng bộ sưu tập 1,4 triệu tựa sách điện tử. Trong đó, rất nhiều tựa vẫn còn bản quyền.
Bằng cách đưa ra thông báo đáng chú ý và tự khen ngợi hành động của mình vì đã góp phần giải cứu học sinh, sinh viên và giáo viên đang phải ở nhà, Internet Archive được đưa tin tích cực trên một số tờ báo phố biến như The New Yorker và NPR, đồng thời có được sự công nhận của một số tổ chức nổi bật.
Tuy nhiên, Thư viện khẩn cấp quốc gia không phải là thư viện. Đó là trang web vi phạm bản quyền sách.
Internet Archive không hề trả một xu cho những tựa sách đó thông qua tác giả hay nhà xuất bản. Thay vào đó, tổ chức này tiếp nhận sách cũ ủng hộ từ nhiều nguồn khác nhau.
Sau khi sao chép, những cuốn sách đó được lưu trữ ở kho, họ tuyên bố rằng mình sở hữu những cuốn sách đó, có quyền hợp pháp để cho mượn các bản sao phiên bản số.
Ông Trịnh Minh Tuấn, sáng lập và là giám đốc điều hành Quảng Văn, tổng hợp và lược dịch từ New York Times. |
Bên ngoài ranh giới của Luật bản quyền
Các thư viện hợp pháp cũng cho mượn sách điện tử miễn phí, nhưng có một điểm khác biệt to lớn là họ trả phí bản quyền đắt đỏ cho những tựa sách điện tử đó. Họ trích một phần phí xem như tiền nhuận bút để trả cho tác giả.
Internet Archive cho rằng những gì họ làm hoàn toàn hợp pháp, bởi chỉ cho mượn mỗi lần một tựa sách.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Capitol Records (hãng thu âm lớn của Mỹ) và Redigi (dịch vụ cho phép người dùng mua và bán các tệp âm nhạc kỹ thuật số đã qua sử dụng), tòa án phán quyết việc sao chép nhạc kỹ thuật số mà không có sự cho phép bán hay mượn là bất hợp pháp, dù chỉ tạo ra một bản sao.
Phán quyết của tòa án đã thiết lập các nguyên tắc liên quan vi phạm bản quyền kỹ thuật số và rõ ràng chúng nên được áp dụng cho tất cả tác phẩm có bản quyền, bao gồm sách.
Hơn nữa, Thư viện khẩn cấp quốc gia hiện không còn cho mượn bản sao tại một thời điểm nữa. Nó đã mở kho lưu trữ số cho mọi người, cho phép số người không giới hạn từ bất kỳ đâu trên thế giới tải về cùng một tệp. Đây đúng là cách trang web vi phạm bản quyền sách hoạt động.
Hiệp hội Tác giả Mỹ đã đưa ra tuyên bố rằng họ “sốc” khi biết Internet Archive đang lợi dụng tình trạng khủng hoảng toàn cầu để đẩy mạnh hệ tư tưởng về bản quyền vốn vi phạm luật liên bang hiện tại và làm tổn hại các tác giả.
Internet Archive đã tự bảo vệ mình bằng cách tuyên bố các tác giả có thể từ chối bằng cách đề nghị gỡ bỏ sách của họ. Nhưng quá trình từ chối không hiệu quả.
Tôi đã từ chối chương trình cho mượn sách hai lần trong vài năm qua, nhưng một vài cuốn sách của mình vẫn còn trên trang web.
Internet Archive cũng tuyên bố phần lớn sách họ sao chép không có phiên bản điện tử tương đương và không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Họ cung cấp những cuốn sách hiếm mà sinh viên cần cho các khóa học.
Nhưng lướt nhanh qua trang web này sẽ thấy ngay hàng nghìn tựa sách có phiên bản điện tử miễn phí từ các thư viện hợp pháp, các cuốn sách bán chạy của J.K Rowling và John Grisham tới các hợp tuyển, tác phẩm lịch sử và tiểu sử.
Thư viện quốc gia khẩn cấp đã gây tổn hại cho các tác giả vì nó tước đi thu nhập của họ tại một thời điểm đang phải đối mặt nhiều khó khăn nhất.
Nó tước đi cơ hội bán hàng của các hiệu sách, gây tổn hại cho các thư viện thực sự. Phần lớn trong số đó đang chạy chương trình cho mượn sách điện tử hợp pháp và bây giờ họ cần được bảo vệ hơn bao giờ hết.
Nó làm suy yếu toàn bộ hệ sinh thái xuất bản và tất cả người phụ thuộc vào nó, từ nhà báo, người thiết kế sách cho tới biên tập viên và các công ty đại diện.
Ai đứng đằng sau Internet Archive?
Người sáng lập Internet Archive và là kiến trúc sư của Thư viện khẩn cấp quốc gia chính là Brewster Kahle, một doanh nhân triệu phú, cũng là người tạo ra và bán một vài công ty cho AOL (công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu) và Amazon.
Trong nhiều năm, ông ta thúc đẩy triết lý chống bản quyền triệt để rằng tất cả tác phẩm sáng tạo từ sách, nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca, kịch nghệ, phim ảnh… đều nên có sẵn phiên bản trực tuyến miễn phí.
Internet Archive được tài trợ một phần bởi quỹ Austin mà Kahle là chủ tịch cùng gói tài trợ hơn 100 triệu USD.
Theo hồ sơ pháp lý của Internet Archive, họ cũng nhận hỗ trợ tài chính lớn từ một số quỹ khác, bao gồm Andrew W.Mellon và Quỹ Khoa học Quốc gia.
Những lãnh đạo cấp cao tại Internet Archive dường như có thu nhập rất tốt. Theo hồ sơ thuế phi lợi nhuận năm 2017 công bố tại ProPublica (tổ chức phi lợi nhuận chuyên xuất bản báo chí điều tra vì lợi ích công), 6 nhân sự hàng đầu của tổ chức này kiếm được tổng cộng hơn một triệu USD mỗi năm.
Cuộc khảo sát của Hiệp hội Tác giả Mỹ năm 2018 dành cho thành viên trong tổ chức và thành viên của các tổ chức nhà văn khác cho thấy mức thu nhập trung bình của người được xác định là tác giả toàn thời gian ở nước này là 20.300 USD, thấp hơn mức chuẩn nghèo liên bang đối với gia đình có từ 3 người trở lên.