TS Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho biết các thư viện vẫn tổ chức những chương trình, cuộc thi qua mạng chào mừng Ngày sách Việt Nam 21/4 và lan tỏa tình yêu với sách.
– Những năm qua, Ngày sách Việt Nam có tác động tích cực tới ngành xuất bản. Với lĩnh vực thư viện, Ngày sách có ý nghĩa như thế nào?
– Thực tế đã chứng minh rõ Ngày sách Việt Nam có tác động tốt trên nhiều lĩnh vực.
Từ trước khi có Ngày sách, các thư viện Việt Nam đã quan tâm tổ chức Ngày sách bản quyền thế giới. Sau khi 21/4 được chọn là Ngày sách Việt Nam, các hoạt động của hệ thống thư viện còn đa dạng, phong phú hơn.
Hoạt động tại Ngày hội sách 2019 ở Thư viện Quốc gia. Ảnh: Hùng Mạnh, Minh Đức / nlv. |
Thông qua chương trình chào mừng Ngày sách, chúng tôi thu hút nhiều độc giả, thực hiện hoạt động có chiều sâu, giao lưu tác giả tác phẩm, các cuộc giao lưu trẻ em.
Các trưng bày triển lãm, trò chơi… thu hút nhiều người tham dự. Chúng tôi cũng có hoạt động bổ trợ, tương hỗ như vẽ tranh, nặn tượng, đóng kịch…, khiến trẻ em thích thú, thiện cảm hơn với việc đọc sách.
Ngày sách Việt Nam có tác động lớn với toàn xã hội nói chung, trong đó có ngành thư viện. Ngành cũng là thiết chế giúp cho Ngày sách trở nên sinh động, hấp dẫn. Đó cũng là biện pháp lan tỏa tình yêu văn hóa đọc.
– Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 phức tạp, giãn cách xã hội, hệ thống thư viện hiện nay hoạt động ra sao?
– Chúng tôi hướng dẫn địa phương đẩy mạnh triển lãm, tuyên truyền trực tuyến. Nhiều địa phương đã thực hiện linh hoạt các chương trình. Một số thư viện tổ chức những chương trình qua mạng khá phong phú, cho phép bạn đọc tiếp cận đa chiều.
Những sự kiện trực tuyến này đạt được hiệu quả nhất định. Trong đó, Thư viện Tổng hợp TP.HCM có triển lãm trực tuyến mừng Ngày sách Việt Nam với nội dung phong phú, từ trưng bày sách theo chủ đề, sách cho thiếu nhi, tư liệu quý tới sách cho người khiếm thị, tài liệu số…
– Mọi năm, Ngày sách Việt Nam diễn ra sôi nổi ở các thư viện. Năm nay, không thể làm chương trình offline, Vụ thư viện có hoạt động gì?
– Vụ Thư viện thực hiện 2 việc. Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn địa phương tổ chức sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Kết quả đạt được rất đáng mừng.
Dịp này, nếu ta thúc đẩy ebook, xây dựng thư viện điện tử, sách có thể đến với mọi người, mọi nhà một cách dễ dàng, thuận lợi. Đó cũng là cơ hội để mọi người tiếp thu nguồn tri thức trực tuyến.
TS Vũ Dương Thúy Ngà
Mặc dù thời gian này học sinh không đến trường, các em vẫn hào hứng đọc sách và tham gia. Ở Hà Tĩnh, hơn 4.000 bài dự thi, Kiên Giang hơn 2.000 bài. Qua hoạt động ấy, nhìn lại, chúng tôi thấy trẻ em ngày càng quan tâm việc đọc.
Thứ hai, từ khi giãn cách xã hội, việc đến thư viện gần như không thể. Vì vậy, chúng tôi lập ra kênh YouTube “Cùng bạn đọc sách”, mục đích là truyền cảm hứng, kết nối, lan tỏa tri thức. Dù mới thực hiện, bạn đọc hồ hởi đón nhận. Có những bạn góp clip khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
– Vụ Thư viện có hoạt động gì tham gia công tác tuyên truyền thông tin phòng, chống Covid-19, thưa bà?
– Ngay những ngày đầu tiên dịch bệnh, chúng tôi tham mưu ban hành công văn tuyên truyền phòng chống dịch. Khi dịch bệnh căng thẳng hơn, chúng tôi biên soạn 3 thông tin chuyên đề về phòng chống Covid-19, góp phần vào công tác tuyên truyền trên không gian mạng.
Gần đây nhất, sau khi có chỉ thị về cách ly xã hội, chúng tôi đẩy mạnh phục vụ thư viện trực tuyến. Dù thư viện có đóng cửa, sách vẫn đến với bạn đọc.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện. Ảnh: NVCC. |
Thư viện điện tử rất cần, nhưng thiếu kinh phí triển khai
– Kênh “Cùng bạn đọc sách” được thiết kế ra sao để khuyến khích mọi người đọc sách?
– Kênh được chia ra 5 mục nhỏ bên trong. “Sách hay nên đọc” giới thiệu sách hay sách tốt đến bạn đọc. “Đọc sách cùng bạn” có 2 nội dung: Sách nói, Câu chuyện kể cho thiếu nhi và người lớn.
Thứ ba, mục “Góc bạn đọc” dành cho chính bạn đọc chia sẻ các kinh nghiệm, điều tâm đắc khi đọc sách. Ở mục này, thiếu nhi tham gia rất tích cực. Chúng tôi cũng đưa lên đó các bài thi Đại sứ văn hóa đọc 2019.
Chúng tôi cũng dành “Góc thiếu nhi” với các đầu sách sôi động hấp dẫn cho các em.
Cuối cùng là “Góc cho người tâm huyết với văn hóa đọc”. Phần này gồm những clip về câu chuyện nhân vật, bài hát, nhằm khích lệ người nhiệt huyết tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.
– Trong lúc thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, ebook, sách nói được phổ biến ra sao trong hệ thống thư viện?
– Hiện nay, không chỉ thư viện, các nhà sách, NXB đã cung cấp tới độc giả sách điện tử. Nhà sách Alpha có iPub với các xuất bản phẩm điện tử, NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP.HCM… đều có phần hỗ trợ cho bạn đọc truy cập sách điện tử.
Trong thư viện, việc phổ biến sách điện tử mang tính bài bản, hệ thống. Ở đó, sách điện tử được tổ chức lại, giúp bạn đọc tiếp cận một cách bài bản.
Dịp này, nếu ta thúc đẩy ebook, xây dựng thư viện điện tử, sách có thể đến với mọi người, mọi nhà một cách dễ dàng, thuận lợi. Đó cũng là cơ hội để mọi người tiếp thu nguồn tri thức trực tuyến.
Sinh viên Đại học Duy Tân đăng nhập, khai thác tài nguyên số tại thư viện của trường. Ảnh: Ictdanang. |
– Hiện nay, hoạt động thư viện điện tử được triển khai ra sao?
– Các thư viện truyền thống thường song song thực hiện thư viện điện tử, bổ sung ebook, số hóa sách… Do nguồn kinh phí có hạn, thư viện điện tử mới chỉ là hoạt động bổ trợ. Về lâu dài, nó sẽ là xu thế. Khi công nghệ càng phát triển, thư viện điện tử sẽ thành xu hướng.
Chúng ta đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ebook trong thư viện lâu rồi. Nhưng để nó thực sự mạnh, làm cho mọi người có thói quen sử dụng thì cần thời gian.
– Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến thư viện điện tử chưa phát triển?
– Thứ nhất, từ phía các NXB, việc xuất bản ebook chưa phong phú.
Thứ hai, từ phía thư viện, kinh phí cho công nghệ thông tin, sách điện tử chưa đủ đáp ứng.
Sắp tới, khi Luật Thư viện đi vào cuộc sống, có ưu tiên đầu tư cho một số thư viện quan trọng, ta phải đẩy mạnh hoạt động thư viện điện tử. Hiện nay, tùy điều kiện địa phương, nơi nào được quan tâm, thư viện điện tử được phát triển.
Việc này cần sự quan tâm của các bộ ngành, địa phương.