Trao đổi với Zing trong Ngày sách Việt Nam (21/4), ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, nhận định ngoài sách in truyền thống, chúng ta còn hai hình thức tồn tại song song – ebook và audiobook. Xu hướng này sẽ là chủ đạo trong những năm tới.
Ông cũng hy vọng Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 là bước khởi đầu để ngành xuất bản đẩy mạnh tương tác qua lại giữa sự kiện online và offline sau này.
Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng trong việc lựa chọn sách, người trẻ vừa dễ vừa khó. Ảnh: NVCC. |
Người trẻ hình thành và thay đổi thói quen đọc sách
Là NXB hướng tới người trẻ, ông nhìn nhận như thế nào về văn hóa đọc của người trẻ?
– Những năm gần đây, giới trẻ đã và đang tạo thói quen đọc sách và thay đổi cách đọc sách. Đọc sách thời nay khác trước đây, bạn trẻ đọc sách dưới nhiều hình thức như sách in, sách điện tử (ebook), sách nói (audio book)…
Họ có cái nhìn lạc quan về tương lai, sự nghiệp, nên nhu cầu đọc sách để nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng cũng tăng dần lên.
Ngoài sách kỹ năng, kinh tế, khoa học công nghệ, nhiều bạn trẻ quan tâm sách lịch sử, đặc biệt lịch sử Việt Nam được viết với nhiều góc nhìn khác nhau.
Tôi hy vọng trong thời gian giãn cách xã hội, sách tiếp tục là cầu nối tri thức, kết nối mọi người với nhau, trước hết là trong gia đình khi cha mẹ con cái cùng nhau đọc, thảo luận về sách.
– Làm thế nào để nắm xu hướng đọc của người trẻ, ra sách đúng nhu cầu đọc của họ?
– Trong việc lựa chọn sách, người trẻ vừa dễ vừa khó. Dễ là đôi khi, các bạn chọn theo trend, bạn bè hay người mình follow trên mạng xã hội. Khó ở chỗ người trẻ dễ thay đổi gu vì họ thường tạo xu hướng mới, dẫn dắt nhiều nhóm lứa tuổi khác.
Sách làm ra phải vừa đáp ứng đòi hỏi cao của giới trẻ, vừa có đề tài nền để ai đến lứa tuổi này cũng phải đọc.
Để nắm bắt được nhu cầu của giới trẻ, chúng tôi luôn đổi mới, trước hết trong lựa chọn đề tài – phải hợp thời, có tính dự báo, phản ánh tâm lý lứa tuổi.
Đội ngũ của chúng tôi luôn đổi mới cách làm sách, từ dàn trang đến chọn giấy in, không ngừng xây dựng đội ngũ cộng tác viên tác giả, dịch giả là những người gần, hiểu giới trẻ.
Chúng tôi có nhiều đầu sách giúp bạn đọc trẻ có cái nhìn về thế giới, tương lai, cùng sách quản trị công ty, quản trị bản thân… để họ có thêm kiến thức, kỹ năng.
Qua website và fanpage, NXB giới thiệu với bạn đọc những cuốn sách phù hợp, có thể chọn đọc trong dịch. Ảnh: NXB Trẻ. |
NXB phối hợp kênh online, đôi bên cùng thắng
– Người ta đi từ sách giấy đến ebook, audiobook, NXB Trẻ có đi theo xu hướng này không?
– Đây là xu hướng trên thế giới. Chúng ta cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Năm 2012, chúng tôi là một trong những NXB đầu tiên ở Việt Nam bước vào con đường “khởi nghiệp” với ebook. Vài năm gần đây, xu hướng đổ dồn vào audiobook. Chúng tôi đang làm việc với các công ty kinh doanh sách nói để chuẩn bị ra mắt bạn đọc.
Ngoài sách in truyền thống, chúng ta còn hai hình thức tồn tại song song – ebook và audiobook. Tôi nghĩ xu hướng này sẽ là chủ đạo trong những năm tới.
Các hình thức sách cùng tồn tại, cộng sinh. Mỗi hình thức phù hợp một số đề tài khác nhau. Chúng ta không cần lo lắng hình thức này lấn lướt, làm ảnh hưởng hình thức khác hay sách in mai một.
– Trong đợt cao điểm phát hành “Tháng ba sách Trẻ” với hàng trăm đầu sách được tung ra thị trường, doanh số của NXB Trẻ tại các khu vực đường sách, cửa hàng giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Đây là khó khăn chung và NXB Trẻ ứng phó như thế nào với dịch Covid-19?
– Sau khi tổ chức họp báo giới thiệu chương trình, cả nước rơi vào đại dịch. Đa số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề. Các nhà sách truyền thống không bán được nhiều sách, đường sách đóng cửa.
Trong đại dịch, kênh online lên ngôi. Là nhà xuất bản, chúng tôi đứng sau với chương trình PR để hỗ trợ cho các kênh bán hàng. Tôi nghĩ cách tốt nhất là phối hợp kênh online hiện hữu để đôi bên cùng chiến thắng.
Phó giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Thành Nam
Doanh số các đơn vị phát hành sụt giảm, phải tập trung mạnh vào kênh phát hành online.
Là NXB có nhiều đầu sách mới xuất bản trong những tháng “chật vật”, chúng tôi nỗ lực đẩy mạnh hoạt động thông qua kênh online, phối hợp chặt chẽ với đơn vị phát hành như Tiki, Fahasa, Phương Nam…
Đồng thời, chúng tôi tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, tăng cường tối đa truyền thông trên kênh online.
Đặc biệt, qua website và fanpage, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc những cuốn sách phù hợp, có thể chọn đọc trong dịp nghỉ dài ngày ở nhà, để tăng cường sức khỏe thể chất, luôn giữ “thân tâm an lạc”.
– Hướng tiếp cận bán hàng online có gì khác biệt để thu hút độc giả, thưa ông?
– Dịch bệnh lần này buộc chúng ta phải nhìn lại phương thức, mô hình kinh doanh của mình. Bán online thông qua sàn thương mại điện tử là xu hướng từ lâu trên thế giới. Khoảng 10 năm qua, Việt Nam cũng chuyển mình khá rõ trong ngành sách.
Đơn vị phát hành sách nào chưa đầu tư kênh online, sẽ gặp khó khăn thật sự. Bởi, khách hàng có nhu cầu di chuyển qua lại giữa kênh mua sách truyền thống và online.
Trong đại dịch, kênh online lên ngôi. Là nhà xuất bản, chúng tôi đứng đằng sau với các chương trình PR để hỗ trợ cho các kênh bán hàng. Tôi nghĩ cách tốt nhất là phối hợp các kênh online hiện hữu để đôi bên cùng chiến thắng.
Thách thức lớn nhất là làm sao để trụ được qua đại dịch và thời gian sau đó. Khi nhiều người rơi vào khó khăn sau dịch, liệu tiền chi cho mua sách có còn là ưu tiên nữa không? Các đơn vị xuất bản nhỏ có đủ tiền để in sách mới?
Để vượt qua thách thức này, ngoài nỗ lực tự thân của NXB và đơn vị phát hành, tôi nghĩ cần có hỗ trợ từ bộ, ban, ngành liên quan như miễn giảm thuế mặt bằng, thay đổi chính sách về lợi nhuận giữ lại…
Ông Nguyễn Thành Nam hy vọng Hội sách trực tuyến quốc gia sẽ được độc giả trẻ đón nhận, là bước khởi đầu để ngành xuất bản có thể đẩy mạnh sự tương tác qua lại giữa sự kiện online và offline sau này. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
– NXB Trẻ có cắt giảm mục tiêu đề ra đầu năm không hay vạch phương hướng mới để hoàn thành mục tiêu?
– Chắc chắn, doanh số năm nay bị ảnh hưởng nhiều. Số lượng đầu sách mới không giảm, nhưng tinh gọn hơn.
Việc thị trường sách nói chung, NXB Trẻ nói riêng, sụt giảm là do thời gian gián đoạn ở các nhà sách truyền thống. Kênh online có tăng gấp rưỡi hay gấp đôi cũng không thể bù đắp phần thiếu hụt từ kênh truyền thống.
Ngoài ra, tôi nghĩ sức mua cũng giảm mạnh. Chúng tôi cân nhắc giảm mục tiêu doanh số đặt ra, nhưng chờ thêm 1-2 tháng nữa xem giảm cỡ nào là hợp lý mà vẫn có thể phát triển được.
– Ông đánh giá như thế nào về Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, lần đầu tiên được tổ chức?
– Hội sách online không mới, nhưng đây là điểm mới trong lĩnh vực xuất bản khi Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng chỉ đạo để gần 50 đơn vị xuất bản, phát hành trong cả nước tham gia.
Trong lúc khó khăn, không tổ chức được các hội sách truyền thống, sự kiện lần này là nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý và những đơn vị làm sách, phát hành sách.
Hội sách online cho bạn đọc có thêm kênh để mua sách thật. Gần đây, nhiều trang Facebook hay một số gian hàng bán trên các sàn thương mại nổi tiếng bán sách giả, sách lậu.
Hành vi này gây thiệt hại lớn cho những người làm sách và bạn đọc. Họ không nhận được sản phẩm tử tế tương xứng số tiền bỏ ra, chuốc bực vào thân khi mua phải sách giả.
Tôi hy vọng đây không phải sự kiện một lần rồi thôi, mà là bước khởi đầu để ngành xuất bản có thể đẩy mạnh sự tương tác qua lại giữa sự kiện online và offline sau này. Offline và online cùng tồn tại song song để đẩy mạnh ngành sách là xu hướng tất yếu.