Văn nhân thi sĩ làm thơ, viết báo viết sách thì rõ là nhanh nhạy vì đó là nghiệp chữ. Nhưng cũng có dạo như trước 1945, các nhà văn nhà thơ của chúng ta không muốn bó mình chỉ bên trang giấy, hoặc giả vì thấy các nhà xuất bản in ấn sách lời quá, mà nhuận bút của mình thì bèo bọt, bị cắt đầu cắt đuôi. Vậy là họ dấn thân vào mảng kinh doanh, xuất bản sách. Hiềm nỗi, kinh nghiệm chẳng có nên nhiều văn thi sĩ… toang ngay khi mới bắt đầu, như trường hợp Phạm Cao Củng, Tô Hoài là những dẫn chứng sống động.
Phạm Cao Củng tự xuất bản, tự bán sách và ế ‘nhăn răng’
Trong làng văn nước Việt dạo trước 1945, nói đến mảng sách trinh thám, tên tuổi Phạm Cao Củng (1913-2012) nổi bật với những tiểu thuyết Kỳ Phát giết người, Người một mắt, Đám cưới Kỳ Phát… được Vũ Ngọc Phan nhận xét trong Nhà văn hiện đại là “Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn”. Nhiều sách của họ Phạm được ấn hành bởi NXB Mai Lĩnh. Nhưng hẳn ít người biết dạo mới bước chân vào làng văn, chàng Củng mặt búng ra sữa từng tự mình xuất bản sách, mơ tưởng mộng kiếm lời. Những bồng bột ban đầu ấy, được ông kể lại trong Hồi ký Phạm Cao Củng.
Dạo học trường Thành chung Nam Định, Phạm Cao Củng cùng anh bạn văn chương cùng lớp Lê Tài Phúng (sau được biết đến với bút hiệu Lê Tràng Kiều) đã có nhiều bài đăng trên các báo. Để trở thành văn sĩ, Kiều mới bàn với Củng “gom một số tác phẩm của hai đứa in thành sách, có thế thì mới có thể thành một văn sĩ đích danh được”. Vậy là vào năm thứ tư ở trường Thành chung, hai anh chàng “ngựa non háu đá” quyết biến giấc mơ văn chương thành hiện thực. Và vẫn lời họ Phạm cho hay sự vụ.
Trước khi nổi danh với mảng sách trinh thám, Phạm Cao Củng tự xuất bản sách và thất bại. |
Để in sách, hai anh chàng thiếu niên tuổi mới 15, 16 chọn những truyện ngắn đã đăng báo, cùng hợp bài lại, rồi kẻ lấy bút hiệu Văn Tuyền (Phạm Cao Củng), người Tràng Kiều (Lê Tài Phúng) và đặt tên sách là Hang gió. Bìa sách được thiết kế bởi anh ruột của Kiều là Lê Tài Vịnh và anh thợ khắc dấu Dương Quốc Ân khắc giúp bản in gỗ. Ngặt nỗi, vì tên tuổi còn chìm nghỉm trong làng văn làng báo, nên hai văn sĩ chưa tìm được ai tài trợ. Cuối cùng, họ điều đình được với nhà in Nam Việt nhờ in 3.000 bản với giá rẻ nhất và chỉ phải đặt trước một số tiền nhỏ. Hai chàng dự rằng, sách đem bán hội chợ được khoảng 2.000 và gửi hiệu sách số còn lại, sau sẽ tái bản chẳng bao lâu. Ngặt nỗi, giấc mộng hồng lại đối ngược với thực tế.
Khi hội chợ được khai mạc ở bên hồ Hoàn Kiếm, Củng-Kiều đến nhà in năn nỉ và lấy được 1.000 cuốn đem từ Nam Định đến hội chợ bán. Sau khi gửi sách cho các sạp hàng trong hội chợ, hai chàng nghênh ngang đi lượn. Đến xế trưa, Củng đảo qua các sạp coi tình hình Hang gió được độc giả ái mộ mua hết chưa để bổ sung thì hỡi ôi “chúng tôi vô cùng thất vọng vì thấy chồng sách nào cũng y nguyên không hề nhúc nhích”. Kết thúc sự kiện, chưa quá 20 cuốn đến tay độc giả. Hai văn sĩ muối mặt một phần thì tặng các vị trong ban tổ chức, các cô kiều nữ, còn lại đem gửi cho mấy tiệm sách nhờ bán với chiết khấu 20%.
Nhưng nào đã xong, tiền nhà in còn nợ đó, hai chàng chẳng biết cách nào nên “lẩn như chạch” để rồi sau đó nhận giấy của mõ tòa ra hạn trong 30 ngày không trả hết số tiền thiếu của nhà in Nam Việt, thì sẽ bị đưa ra tòa. Thế là bố mẹ Củng-Kiều phải đôn đáo chung nhau trả nợ cho ước mơ văn sĩ của hai ông con. Số sách còn lại ở nhà in, hai chàng muối mặt đến nhận và lại tiếp tục đi gửi nhà sách nhờ bán vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Dù sau này hai cái tên Phạm Cao Củng, Lê Tràng Kiều đều có tiếng nơi làng văn, làng báo, nhưng kỷ niệm đầu đời văn thì cũng tởn đến già.
Tô Hoài đứt duyên xuất bản khi mới bắt đầu
Nói đến Tô Hoài, Vũ Bằng trong tác phẩm Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp vẫn còn ấn tượng ở truyện Dế mèn phiêu lưu ký, bởi tác phẩm ấy được đăng lần đầu tiên trên báo nhi đồng Truyền bá do Vũ Bằng phụ trách. Trong khi đó Bùi Hiển kể về người bạn văn có tên thật Nguyễn Sen, lại nhớ đến dạo Tô Hoài nuôi mộng lập nhà xuất bản nhưng không thành. Kỷ niệm ấy, còn lưu dấu trong tác phẩm Bạn bè một thuở của họ Bùi.
Theo lời Bùi Hiển, dạo trước năm 1945 “Tô Hoài đang rắp ranh làm chủ một doanh nghiệp: nhà xuất bản”. Nhưng éo le ở chỗ, cái nhà xuất bản mà tác giả của Dế Mèn, Dế Trũi lại là một doanh nghiệp “hầu như không một đồng vốn”. Ý định lập một nhà xuất bản “tay không” là thế, nhưng Tô Hoài tất bật lắm. Công việc chuẩn bị thỉnh thoảng lại được chàng nhà văn trẻ thuật qua thư cho người bạn văn biết. Như có lần thư gửi tháng 11/1943 từ Nghĩa Đô vào Vinh cho Bùi Hiển tâm tình “Từ hôm về tới nay, chậm có thư vào anh, bởi tôi bị mệt mấy hôm. Nhưng bây giờ đã hết và bận liền vì công chuyện xuất bản”. Rồi tháng 12/1943, thư Tô Hoài lại bày tỏ do việc Đồng minh ném bom Hà Nội nên phải di tản và “Thợ nhà in bỏ ráo! Sách đương in chậm rồi. Có lẽ sang giêng mới có được cuốn đầu”.
Tô Hoài (bên trái, cùng Nguyễn Huy Tưởng) sớm thất bại khi làm xuất bản, nhưng lại thành công với mảng sách thiếu nhi. |
Xem trong Tự truyện của Tô Hoài, được biết nhà văn từng có phen đi làm thầy xuất cho nhà xuất bản Bách Việt với ý nghĩ “đặt hy vọng có thể hoạt động “bán công khai” ở nhà xuất bản này. Chân thầy xuất ấy, thực chất là chạy tiền để thoát kiểm duyệt của phòng kiểm duyệt thuộc phủ Thống sứ mà in sách. Nhưng làm cái chân chạy kiểm duyệt, Tô Hoài đứt gánh ngay từ vụ đầu tiên khi đem tiểu thuyết Xóm Giếng của mình và tiểu thuyết Một đời người của Nam Cao gửi kiểm duyệt, dẫu đã đút hẳn trăm đồng cho tay kiểm duyệt Nguyễn Văn Chỉnh, nhưng đều bị bị chặn vì Xóm Giếng thì phạm luật với cái lý “Ông viết cả cái xóm cháy trụi, tan nát, thì hỏng to”, và Một đời người thì “ông Nam Cao ông ấy chửi Tây thâm thật”.
Trên đây chỉ là dăm ba dẫn chứng cho sự thất bại của các văn thi sĩ dạo ấy khi tự lực xuất bản. Nhưng đồng thời dạo trước 1945, chứng kiến nhiều nhà xuất bản để lại tiếng tăm trong lịch sử ngành xuất bản Việt Nam như Tân dân, Tân Việt, Đời nay, Mai Lĩnh… mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết không xa.