Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ gồm các tác phẩm văn xuôi tự sự là truyện ký (truyện dài, truyện ngắn, mẩu chuyện) được ghi lại trong tài liệu, sách vở viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm tồn tại trong suốt thời kỳ phong kiến Việt nam từ thời Lý – Trần đến cuối đời Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XX).
Những tác phẩm văn xuôi tự sự này không chỉ có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học nước nhà, mà còn là di sản văn học truyền thống quý báu của dân tộc, chứa đựng những giá trị lớn lao về nội dung và nghệ thuật.
Bên cạnh đó, những tác phẩm này còn chứa đựng những vui buồn, trăn trở, tâm tư, cũng như ước mơ, nguyện vọng của người Việt Nam thời trung đại. Nhiều tác phẩm cũng thể hiện khá rõ nét niềm tự hào của nhân dân ta về tổ tiên, non sông đất nước và là bức tranh văn hóa tinh thần dân tộc với tất cả khí vị đậm đà của phong tục, tập quán lưu truyền từ rất lâu đời.
Với mong muốn đưa những tác phẩm này đến với độc giả, hai nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm là Lâm Giang (Nguyễn Văn Bến) và Nguyễn Văn Tuân đã lựa chọn 16 văn bản (đơn vị tác phẩm) với tổng cộng 261 truyện để dịch và biên soạn thành sách Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ (2 tập). Cuốn sách này vừa được Trung tâm Nghiên cứu quốc học và NXB Văn học liên kết phát hành trong quý IV, năm 2020.
Sách Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ. Ảnh: NTC. |
Theo các tác giả, 16 văn bản được lựa chọn để biên dịch trên đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam. Những truyện được lựa chọn trong tập sách này đều là tác phẩm tiêu biểu cho truyện dài và truyện ngắn.
Về truyện dài, đây là những tác phẩm viết theo lối chương hồi như Tam quốc diễn nghĩa. Nội dung phản ánh chủ yếu là cảm hứng từ lịch sử. Bên cạnh đó còn có các tác phẩm viết theo lối bút ký hoặc chia ra từng tiết. Các truyện tiêu biểu được tập hợp trong sách gồm có Sự tích ông Trạng Quỳnh, Sự tích ông Trạnh Lợn…
Về truyện ngắn, đây là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, gồm cả những ghi chép ngắn (các mẩu truyện). Truyện ngắn xuất hiện khá sớm, thường được tập hợp thành chủ đề nhất định.
Truyện ngắn cũng có nội dung phong phú gồm nhiều thể loại khác nhau, có thể kể đến truyện chí quái, truyền kỳ, lịch sử, truyện tình yêu, hài hước châm biếm, truyện vụ án, sự tích, ngụ ngôn, truyện về đạo lý, hiện thực đương đại…
Các truyện ngắn tiêu biểu được tập hợp trong sách có Cổ quái bốc sư truyện, đại diện cho chí quái, Tân kỳ lục truyện đại diện cho truyện truyền kỳ, Dã sử tạp biên đại diện cho truyện bút ký, Sử Nam chí dị đại diện cho truyện lịch sử, Truyện ký trích lục đại diện cho chuyện tình yêu, Tiếu lâm tân truyện đại diện cho truyện hài hước, châm biếm…
Ở mỗi tác phẩm, các tác giả đều tiến hành khảo sát và đối chiếu dị bản để tìm ra bản tin cậy (bản nền) tiến hành biên dịch giới thiệu.
Chẳng hạn Đại Nam kỳ truyện có 4 văn bản (dị bản) với 4 tên gọi khác nhau là Đại Nam kỳ truyện ký hiệu tra tìm A.229, gồm 49 tờ, chép 37 truyện; Đại Nam hiển ứng truyện ký hiệu tra tìm A.386, 49 tờ, chép 34 truyện; Bản quốc dị văn, ký hiệu tra tìm A.3197, 31 tờ, chép 30 truyện; Bản quốc dị văn lục, ký hiệu tra tìm A.3187, chép 30 truyện.
Mặc dù các truyện trong trong 4 văn bản trên không có sự xuất nhập, những tình tiết khác nhau, song thứ tự sắp xếp giữa các truyện đôi chỗ lại không thống nhất… Cuối cùng, các tác giả đã chọn văn bản ký hiệu A.229 để biên dịch vì có số lượng truyện nhiều hơn.
Một điểm đáng kể nữa về cuốn sách này là tất cả truyện trong sách đều đính kèm ảnh nguyên bản sách Hán Nôm, nên rất tiện kiểm tra, đối chiếu. Đây là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam.