Cuốn sách là những trải nghiệm, chuyến đi của tác giả, đồng thời là những câu chuyện văn hóa, lịch sử, với những cuộc gặp gỡ, tiếp tân mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.
Đường từ thủ đô Bruxelles về tỉnh Brabant Wallon nước Bỉ phải đi ngang qua một vùng nông thôn hiện đại hóa. Tuy vậy, cảnh vật vẫn còn màu sắc điển hình của đồng quê miền ôn đới. […]
Tất cả chúng tôi đều cảm thấy lạ lẫm khi đặt chân đến xứ này. Chiếc xe con do anh bạn người Bỉ lái vẫn bon bon vun vút không chút ngập ngừng, bởi đã được hướng dẫn bởi một giọng nữ dịu dàng qua chiếc máy con gắn ở tấm kính chiếu hậu bên phải tay lái, thông tuyến với vệ tinh định vị toàn cầu.
Cảnh quan quanh đây tuyệt nhiên không một dấu hiệu nhỏ mang hơi hướng chiến tranh. Vậy mà đâu đây, về bên phải con xa lộ hiện đại này, được biết xưa kia từng diễn ra một trận giao chiến cực kỳ khốc liệt quyết định chiều hướng lịch sử của châu Âu cận đại: trận Waterloo.
Đâu đây, vào tháng 6 năm 1815 từng diễn ra một trận đấu pháo dữ dội, rồi tiếp đến là hai đạo kỵ binh, bộ binh đánh giáp lá cà từ 10 giờ sáng cho đến tối mịt. Cuộc chiến giữa hai cánh đại quân đối địch bao gồm đủ loại kỵ binh, bộ binh, pháo binh…, ngoại trừ hải quân, diễn ra trên cánh đồng lầy lội mưa hè tại vùng này đây.
Các nhà sử học thuật lại: Đến tối hôm ấy, tối 18 tháng 6 năm 1815, sau các trận giáp chiến, trên cánh đồng rộng chừng sáu cây số vuông, ngổn ngang chồng chất thi thể những 25.000 chiến binh Pháp do Hoàng đế Napoléon I chỉ huy (xin phép lặp lại con số 25.000), cùng 22.000 binh lính Vương quốc Anh phối hợp với liên quân Đức, Hà Lan…, tất cả do Quận công Wellington, người của Vương quốc Anh làm Tổng tư lệnh.
Như vậy là có đến gần 5 vạn người chết hoặc tử thương đang ngoắc ngoải chờ chết trong máu và bùn. Đã thế, hầu hết số người bị thương tích nhẹ hơn rồi cũng sẽ bỏ mình vì nhiễm trùng mà vô phương cứu chữa, bởi thời ấy các nhà khoa học chưa tìm ra được các loại thuốc kháng sinh.
Bài thơ bi tráng của Victor Hugo viết về trận Waterloo tôi được đọc từ hồi còn nhỏ, cùng với vô vàn trang sử trần thuật trận đánh ấy khi đã lớn lên một ít đã thôi thúc tôi, gần bảy mươi năm sau, lần đến chốn này cho bằng được. Đúng vậy, cảnh vật nơi đây hôm nay tuyệt nhiên không mang bóng dáng chiến tranh, kể cả Chiến tranh thế giới thứ II.
Phải chăng tại người ta cố tình chỉ lưu giữ cho hậu thế những gì cần lưu giữ, còn các vết tích chiến tranh hãy cố xóa đi, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế thời hậu chiến.
Được biết, gần đây có một trang trại mang tên là Vieux Genappe, đó là nơi Hoàng đế Napoléon I tạm đặt đại bản doanh của ông. Tại đó, đêm 17 tháng 6 năm 1815, đích thân ông hoạch định kế hoạch tác chiến mấy ngày sắp tới.
Cảnh phục dựng Hoàng đế Napoléon tại trận Waterloo. Nguồn: eupoliticalreport. |
Cùng vào thời điểm ấy và cách nơi ấy chừng mười cây số về phía bắc, trong một quán trọ ven đường, vị quận công nước Anh Wellington cùng Bộ Tham mưu Liên quân do ông làm thống lĩnh đang toan tính các nước cờ tiêu diệt đạo quân của ngài hoàng đế Pháp.
Tôi đang mải mơ màng về quá khứ thì giọng cô gái vô hình bỗng lại cất lên: “Điểm đến của bạn cách đây 100 mét…, cách 50 mét…” Chiếc xe hơi lúc này đang lăn bánh trên một đường phố khá sang trọng. Ngay trước mặt, ở đầu giao lộ, một cửa hàng lộng lẫy bày bán loại xe Jaguar – thương hiệu cao cấp của Anh. “… Xin chú ý.., điểm đến của bạn ở về phía bên phải con đường”.
Tôi nhìn sang phải: đúng như lời cô nói. Ngay sát bên hè phố là một cái cổng sắt đồ sộ kiểu cổ, có gắn cái niên hiệu to tướng thếp màu vàng chóe: 1815. Máy định vị lại nhắc: “Điểm đến của bạn ở ngay bên phía tay phải của bạn. Hãy tiến lên ít nữa rồi rẽ sang phải, bãi đỗ xe còn cách đây 50 mét, tại phía sau tòa nhà này”.
Viện Bảo tàng Wellington – tên gọi của quần thể kiến trúc này, ngày xưa vốn là cái quán trọ. Một ngôi nhà hai tầng không cao lớn lắm, nhìn mặt trước thấy na ná dáng dấp biệt thự nhưng vào bên trong lại rất sâu, rất rộng, bên hông ngôi nhà còn có một khu vườn hẹp.
Cái cổng sắt đồ sộ mở ra đường phố chính, có gắn con số 1815 kia, tôi đồ chừng thời trước vốn dành cho chiếc xe ngựa của khách đường trường nghỉ lại qua đêm tiện đi thẳng vào, còn cổng chính của biệt thự này hẳn ở về phía khác. Lúc này còn vắng vẻ lắm. […]
Viện bảo tàng có các sa bàn chiến trận cùng nhiều hiện vật: vũ khí, quân trang, v.v. nhưng thật ra đối với những ai ít nhiều có đọc sử châu Âu, những thứ ấy chẳng có gì mới lạ cho lắm. Gây ấn tượng nhất là các kỷ vật.
Ngay ở gian phòng đầu tiên, còn có một chiếc giường gỗ mộc đơn sơ, trên trải tấm nệm đỏ. Tấm biển đỏ ghi rõ: tại cái giường này, Đại tá Huân tước Gordon, trợ lý chiến trường của quận công Tổng tư lệnh Quân đội liên minh Wellington, đã tắt thở ngay tối hôm đầu tiên lâm trận vì dính đạn pháo của quân Pháp.
Cuối phòng, bày một cái hộp gỗ chạm khắc cầu kỳ. Đó là vật dụng đựng khẩu phần thức ăn mang ra trận địa của nam tước Constant Rebecque, Tham mưu trưởng quân đội Thụy Sĩ. Còn thanh kiếm dài trang trí khá đẹp bày nơi kia là vũ khí bất ly thân của một sĩ quan tham mưu quân đội Đức…
Gian rộng nhất chiếm gần trọn tầng trệt ngôi nhà, chắc là mới được chỉnh trang về sau, dành để bày sa bàn trận cận chiến quyết định. Và chốn tham quan cuối cùng trước khi khách rời bảo tàng ra về là căn phòng riêng của chính quận công tổng tư lệnh, bên trong có một chiếc bàn gỗ mộc, một cái giường, cũng giản dị thô sơ như mọi thứ đồ đạc trong lữ quán này.
Trong phòng đang bày bức tượng của ông tướng mặc lễ phục ngồi trước bàn làm việc, lưng quay về lò sưởi, vẻ mặt tập trung, tay đang cầm cây bút lông ngỗng.
Đấy là hình ảnh ngài quận công lúc đang viết vội bản tường trình trận chiến quyết định vừa diễn ra ban ngày, ông viết ngay trong đêm quân đội Anh cùng liên minh của họ giành được chiến thắng trước đạo quân Pháp do Hoàng đế Napoléon I đích thân chỉ huy.
Ông viết ngay trong đêm vì hào hứng, dù lúc này người mệt nhoài, viết để còn kịp gửi hỏa tốc về triều đình Anh báo tiệp. Tại khung kính treo ở hành lang trước phòng, có bày trang nhật báo The Times xuất bản tại London số ra ngày thứ Ba, ngày 22 tháng 6 năm 1815, đăng toàn văn thông báo chính thức về trận thắng của liên quân do Anh cầm đầu.
Phần phía dưới trang, là danh sách sơ bộ những vị chỉ huy và sĩ quan cao cấp đã chết trận hoặc tử thương trong trận chiến ngày hôm ấy. Tôi tỉ mẩn đếm. Có đúng 39 người chết và khoảng chừng ấy người nữa bị trọng thương.
Trong số người tử trận có vị Quận công xứ Brunswik; ngài hoàng tử xứ Orange thì bị thương rất nặng, v.v. Chỉ chừng ấy tên tuổi hiện được lưu giữ và tôn vinh, trong tổng số 22.000 người bỏ mạng ngày hôm ấy và mấy hôm sau vì thương tích, vì không có thuốc chữa trị và cũng chẳng được mấy ai chăm sóc…