Nhiều thế hệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới đã say mê và theo dõi từng bước đường trưởng thành, trừ gian giệt áo và sau cùng là bảo vệ thế giới của Son Goku cùng những người bạn.
Dẫu vậy, thế giới được họa sĩ Akira Toriyama trong “Bảy viên ngọc rồng” vẫn đậm tính chất giả tưởng khi mèo, lợn có thể nói tiếng người; mây có thể sử dụng làm phương tiện di chuyển; thiên đường, địa ngục đều tồn tại, sự sống ngoài trái đất xuất hiện và việc các quái nhân tung chưởng lực hủy diệt cả hành tinh là điều diễn ra như cơm bữa.
Ở một khía cạnh khác, tính võ thuật trong “Bảy viên ngọc rồng” là thứ không thể bị xem thường.
Son Goku học kung-fu khi còn nhỏ từ ông nội Son Gohan. Ảnh: Siliconera. |
Chiêu thức đáng chú ý
Lần đầu nhân vật chính của bộ truyện, Son Goku, đề cập tới võ thuật mình được học là khi nói chuyện với Bulma trong hành trình đi tìm ngọc rồng ở những tập đầu tiên. Cậu nói mình “học kung-fu với ông từ bé”.
Ông của Goku, Son Gohan, vốn là học trò của Muten Roushi (Quy lão Kame), bậc kỳ tài võ học trên thế giới với tuyệt chiêu chưởng lực Kamehameha. Chiêu thức nổi tiếng nhất bộ truyện này dĩ nhiên là giả tưởng, nhưng trong lần cải trang làm Jackie Chun ở lần thượng đài đầu tiên, Quy lão đã thể hiện trình độ võ học rất đáng nể.
Ông sử dụng Túy quyền của phái Thiếu lâm một cách thuần thục. Sau này, khi Goku tới Thánh địa Karin để tìm uống nước thánh, Thần mèo trên đỉnh điện cũng khẳng định Quy lão Kame đã từng đấu võ tay đôi với mình 3 năm trời để gia tăng sức mạnh thông qua việc di chuyển và đánh võ liên tục trong điều kiện không khí loãng.
Phân đoạn sử dụng Túy quyền của Quy lão Kame khi đối đầu với Goku trong Đại hội võ thuật. |
Trong giai đoạn đầu mới dạy võ cho Goku, Quy lão đã chạy 100 m hết đúng 5 giây, tức nhanh gần gấp đôi so với Usain Bolt ngoài đời. Dĩ nhiên, đây là chi tiết phi lý, nhưng cũng cho thấy Quy lão mạnh đến mức nào.
Krilin, người bạn thân của Goku, vốn là học trò của của phái Thiếu lâm tại ngôi chùa Oorun. Tuy nhiên, vì thân hình nhỏ bé, Krilin đã rời chùa và tới tôn Quy lão Kame làm sư phụ. Trong truyện, Krilin có thể xem là người trái đất mạnh nhất khi bộ truyện kết thúc, vượt xa cả Tien hay Yamcha.
Không chỉ tồn tại hình thức võ thuật phương Đông, “Bảy viên ngọc rồng” cũng có đất cho võ thuật phương Tây. Nhân vật tướng Blue (Trung úy xanh lơ), là một trong những nhân vật sử dụng võ tự vệ phương Tây xuất sắc. Krilin từng bị hạ đo ván khi cả hai đấu tay đôi.
“Quy lão Kame” phải thừa nhận năng lực của nhân vật yểu mệnh này khi gã từng đột nhập tới Đảo Rùa mà ông hề hay biết.
Không chỉ có võ tay không, “Bảy viên ngọc rồng” còn có đất cho vũ khí. Nếu đã là fan của bộ truyện, hiếm ai có thể quên anh chàng béo Yarijo, người nổi tiếng với việc dùng kiếm.
Dựa vào hình dáng kiếm đạo và cách cầm chuôi kiếm trước khi ra đòn, Yarijo có thể là hậu duệ của samurai. Nhân vật này từng chỉ cần 1 nhát chém là cắt đôi người quái vật con của đại ma vương Piccolo. Yarijo cũng đóng vai trò quan trọng trong trận chiến bảo vệ thế giới của Goku với Vegeta (Ca-đíc) khi chặt đứt đuôi khỉ trong lúc ác nhân Saiyan này biến hình.
Xét về danh tiếng trong những giải đấu chính thức có mặt ngoài đời thật, võ sư nổi tiếng nhất bộ truyện là Satan (Santa tóc xù). Trong bản dịch của NXB Kim Đồng năm 1997, Santa được giới thiệu là huyền thoại 15 lần giành HCV Olympic võ tự do và từng tự nhận mình cứu thế giới khi đánh bại Cell (Xên bọ hung) dù hai cha con Goku mới là người hủy diệt được địch thủ. Santa cũng là bố vợ của Gohan.
Khổ luyện thành tài
Goku vốn là người Saiyan (Xay-da) và có đặc tính nổi bật nhất là mạnh lên gấp nhiều lần sau khi hồi phục thể lực. Trong những phần sau của bộ truyện, chính đặc tính này biến Goku thành võ sư số một thế giới về sức mạnh.
Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, “Khỉ con bất tử” đã phải luyện tập cực kỳ khắc nghiệt. Cậu cùng với Krilin thường xuyên dạy từ 4h, tập chạy bộ quanh đảo, dùng tay không cày ruộng. Quá trình này liên tục kéo dài trong 7 tháng trời. Sức mạnh, độ dẻo dai và tốc độ của Goku cũng gia tăng nhanh chóng.
Goku luôn là người tập luyện nặng nhất. Ảnh: Pinterest. |
Ngay cả khi được gia tăng sức mạnh qua Siêu thần thủy, Goku vẫn duy trì tập luyện hết sức khắt khe khi đeo kim loại vào người trở nên nhanh nhẹn hơn và lên thượng giới tập luyện với Thượng đế (người cùng 1 thân thể với Piccolo).
Khi di chuyển từ Trái Đất tới hành tinh Namek để ngăn cản Frieza, Goku còn sử dụng máy thay đổi trọng lực để khiến môi trường tập luyện có sức ép cực nặng, từ đó cải thiện khả năng di chuyển và ra đồn.
Những người thường trong bộ truyện này là Yamcha, Tien hay Krilin, cũng tiến bộ nhanh chóng trong quá trình khổ luyện. Quy lão Kame từng nhận định trước đại hội võ thuật lần thứ 3 Goku tham dự rằng bộ ba người Trái Đất nói trên đều “bị ám ảnh” bởi cách thức tập luyện võ học của Goku và đều đẩy mức độ tập luyện của mình lên mức mới để theo kịp người bạn có nguồn gốc ngoài trái đất.
Ý nghĩa của “Bảy viên ngọc rồng”
Tác giả Akira Toriyama chưa từng giấu việc lấy ý tưởng của bộ truyện từ tiểu thuyết Tây Du Ký nổi tiếng. Son Goku vốn là tên Tôn Ngộ Không trong tiếng Nhật Bản. Tien (Thên Xin-hăng) 3 mắt vốn là hình tượng từ Nhị Lang Thần.
Tuy nhiên, “Bảy viên ngọc rồng” vẫn có những giá trị của riêng nó, và chính điều ấy mới khiến bộ truyện này trở nên bất tử qua nhiều thế hệ.
Goku là biểu tượng cho sự trong sáng và nỗ lực thuần khiết. Xuyên suốt cả bộ truyện, Goku chưa từng cho thấy mình là người có dã tâm. Trong những phần đầu, Goku từng đối đầu với Quỷ vương có năng lực khuếch tán những ý nghị hèn hạ trong đầu và từ đó làm nổ tung não.
Song chưởng lực này vô dụng khi đi vào người Goku, bởi “Khỉ con” hoàn toàn không có bất kỳ ý nghĩ đen tối nào. Trong suốt phần sau của bộ truyện, Goku luôn chiến đấu để bảo vệ trái đất cho dù phải hy sinh chính bản thân mình.
Tại Việt Nam, “Bảy viên ngọc rồng” là bộ truyện tranh huyền thoại của lứa 8x và 9x. Ảnh: Pinterest. |
Hướng thiện, yêu hòa bình bởi vậy là ý nghĩa bao trùm lớn nhất lên “Bảy viên ngọc rồng”. Việc những đại ác ma như Piccolo, Vegeta, Pic, Poc… sau này cải tà quy chính cũng là điểm sáng về tính nhân văn của bộ truyện. Dù ác độc đến đâu, nếu quay đầu, lẽ phải vẫn luôn dang tay chào đón.
“Bảy viên ngọc rồng” cũng là bộ truyện cho thấy sự sáng tạo khó tin của Akira Toriyama. Thời điểm bộ truyện ra đời, năm 1984, vẫn chứng kiến sự hạn chế về khoa học công nghệ tại Nhật Bản. Song Toriyama vẫn tưởng tượng ra nhiều thứ thuộc về tương lai như máy du hành thời gian, tàu vũ trụ, viên nén có thể tạo ra xe máy hay ôtô trong nháy mắt hay máy hồi phục thể lực qua chất lỏng.
Tất cả những khía cạnh ấy đã tạo ra một thế giới “Bảy viên ngọc rồng” không thể nào quên với độc giả trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, “Bảy viên ngọc rồng” với bản dịch nhân vật chính là Sôn Gô Ku mãi mãi là bộ truyện tranh hay bậc nhất với lứa 8X,9X.
Hình ảnh những đứa trẻ cấp 2, cấp 3 trong ngày tập truyện mới ra mắt trốn tiệt trong lớp không ra chơi để ngấu nghiến từng trang mãi là ký ức không thể nào quên với cả một thế hệ.