Lê Thần Tông tên húy là Lê Duy Kỳ, vị vua thứ sáu của nhà Lê Trung hưng. Ông là vị vua duy nhất của Đại Việt hai lần lên ngôi, cũng là người Việt đầu tiên lấy vợ… Tây phương. Song những “kỷ lục” kiểu này của ông còn nhiều nữa, sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Hoàng tử Lê Duy Kỳ sinh ngày 19 tháng 11 âm năm Đinh Mùi (1607). Ông là con vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, cũng là cháu nội của vua Lê Thế Tông và cháu ngoại của Trịnh Tùng.
Lê Duy Kỳ sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều cơ bản chấm dứt. Chính ông ngoại cậu là người có công đoạt lại kinh thành Thăng Long từ tay nhà Mạc, đẩy tàn dư của dòng họ này lên phía bắc. Nhờ đó Trịnh Tùng thâu tóm quyền lực về mình, vua Lê dần dần mất thế.
Điều này đã khiến vua cha Kính Tông bất bình, nhà vua câu kết với người con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân định lật đổ chúa. Việc không thành, tháng 5 năm 1619, ông ngoại Trịnh Tùng buộc vua cha Kính Tông thắt cổ chết, rồi lập Lê Duy Kỳ lên ngôi, tức Lê Thần Tông. Khi ấy nhà vua mới 12 tuổi.
Sách Những vị vua trẻ trong sử Việt. Ảnh: K.Đ. |
Tháng Bảy năm Quý Hợi (1623), nhân lúc Bình An Vương Trịnh Tùng qua đời, Trịnh Xuân một lần nữa đem quân nổi lên tranh ngôi chúa. Trịnh Tráng khi ấy đã được lập làm Vương thế tử cùng vua Thần Tông kéo quân vào Thanh Hóa mới dẹp yên được quân nổi loạn.
Thời gian Lê Thần Tông làm vua chính là lúc cuộc chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn ở phía nam bùng nổ dữ dội. Cả hai họ đều lấy danh nghĩa “phù Lê” để chống lại đối phương. Vì thế, dù không được nắm binh quyền, vua đã ba lần được chúa Trịnh rước vào nam, thân chinh đi đánh chúa Nguyễn.
Năm Canh Ngọ (1630), Lê Thần Tông lập hoàng hậu. Người đó là Trịnh Thị Ngọc Trúc, con gái chúa Trịnh Tráng. Ngọc Trúc vốn là vợ của người bác họ vua là Lê Trụ. Hai vợ chồng Lê Trụ và Ngọc Trúc đã có với nhau bốn người con. Vì Lê Trụ phạm tội, bị giam vào ngục, nên Trịnh Tráng đem con gái gả cho Thần Tông.
Không chỉ có bốn người con riêng, Ngọc Trúc còn hơn vua Thần Tông đến 12 tuổi. Triều thần nhiều người dâng sớ can, nhưng Thần Tông không thể cưỡng lại ý chúa nên chỉ nói: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy”.
Tháng mười năm Quý Mùi (1643), sau khi ở ngôi được 24 năm, vua nhường ngôi cho con trai cả là Lê Duy Hựu, tức Lê Chân Tông. Ông lên làm Thái thượng hoàng, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc làm hoàng thái hậu. Nhưng chỉ được 6 năm thì Lê Chân Tông mất (1649), ông lại được Trịnh Tráng đưa trở lại ngôi vua. Lê Thần Tông trở thành người Việt duy nhất hai lần làm vua.
Tháng 9 năm 1662, Thần Tông bị bệnh qua đời. Tính ra trong 55 cuộc đời, ông đã có tới ba lần làm vua và thái thượng hoàng trong 43 năm liên tiếp. Về “binh nghiệp”, ông đã ba lần theo các chúa Trịnh vào nam tiến đánh họ Nguyễn.
Tái hiện lễ ban quạt thời Lê Trung hưng tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VOV. |
Về đường vợ con, ngoài các cung tần cấp thấp, ông có tới 6 người vợ ở các thứ bậc cao, trong đó có 5 người vợ thuộc các dân tộc khác nhau. Vua Thần Tông có tất cả 10 con đẻ gồm 4 hoàng tử và 6 công chúa, trong đó cả bốn hoàng tử đều được lập làm vua. Sở dĩ phải nói “con đẻ” vì ông có ba người con nuôi, trong đó có một người Hà Lan tên là Charles Hartsink.
Ngoài ra, ông còn là người Việt Nam đầu tiên lấy vợ phương Tây, đó là bà Orona, con gái Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Năm 1630, trong chuyến theo thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam, bà Orona đã được gặp vua Lê Thần Tông ở Thăng Long. Nghe theo lời bố, bà đã ở lại làm vương phi của nhà vua.
Dưới triều vua Lê Thần Tông, việc triều chính đều do chúa Trịnh định đoạt cả. Có lẽ, trong suốt nhiều năm ở ngôi vua, chịu nhiều áp chế, ông cũng có lúc giống vua cha Kính Tông, từng có ý phản kháng, đoạt lại quyền hành cho họ Lê. Nhưng vì Trịnh Tùng là ông ngoại, Trịnh Tráng vừa là cậu, lại vừa là cha vợ, nên ông khó có thể chống lại họ.
Cũng chính vì thế mà trong “chính sách” của nhà Trịnh, các đời chúa thường lập các vua Lê còn nhỏ tuổi để dễ điều khiển, lại gả con gái cho họ để có thêm sự ràng buộc về thân tộc, khiến họ không dám có ý này khác…