Biết từ chối chẳng lo thua thiệt là cuốn sách của tác giả Li Jing, Phạm Thị Hiền dịch, Nhã Nam và NXB Thế giới phát hành. Cuốn sách hướng dẫn cách vững vàng trước những ý kiến và nhu cầu của người khác, dần dần biết từ chối một cách hiệu quả mà không làm tổn thương đối phương, tạo lập được không gian riêng cho bản thân, làm chủ cuộc sống của mình.
Được sự đồng ý của Nhã Nam – đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt cuốn sách – Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Với rất nhiều người, từ chối người khác là một việc vô cùng khó. Dù sao, nếu không phải vạn bất đắc dĩ, ai muốn hạ mình cầu xin người khác chứ? Đã đến nhờ vả mình, thì phải tìm đủ mọi cách giúp đỡ đối phương, nếu không tình nghĩa của hai người để vào đâu?
Tin rằng người có suy nghĩ như vậy không ít, vì nguyên nhân này mà có rất nhiều người không thể từ chối. Để tâm đến tình nghĩa không hề sai, nhưng nếu rõ ràng không làm được mà vì tình nghĩa miễn cưỡng nhận làm, vậy đối với hai bên đều chỉ thấy hại mà không thấy lợi.
Bìa sách Biết từ chối chẳng lo thua thiệt. |
Người đi nhờ vả đã mở miệng nhờ, đương nhiên là gặp phải việc nằm ngoài khả năng. Những việc này hoặc là khó, hoặc là gấp, nói tóm lại đều có tính thách thức nhất định. Trừ phi người được nhờ vả có năng lực vượt xa người đi nhờ, nếu không rất khó tìm được cách giải quyết trong thời gian ngắn.
Người được nhờ nhận việc như vậy, khó tránh tăng thêm áp lực cho bản thân. Nếu có thể giải quyết còn đỡ, nếu không thể thuận lợi như dự tính, vậy thì sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho cuộc sống của người đó.
Thậm chí, khi những việc như vậy không ngừng tăng lên, thậm chí vượt quá khả năng chịu đựng của người được nhờ, e rằng người đó sẽ rơi vào vòng tuần hoàn ác tính.
Những điều mà người được nhờ phải đối mặt ấy, người đi nhờ vả thường không hề hay biết. Dù sao người đồng ý gánh vác thường không muốn để người khác thấy mặt bất lực của mình.
Vì vậy điều mà người đi nhờ thấy chỉ là lời hứa không được thực hiện hoặc việc chưa thể hoàn thành. Một khi như vậy, người đi nhờ tự nhiên sẽ nghi ngờ, thậm chí trách móc người được nhờ, còn trong lòng người được nhờ khó trách cảm thấy ấm ức.
Khi hai bên xảy ra tranh chấp, thì sẽ không còn chỗ cho tình nghĩa tồn tại nữa.
Bởi vậy, vì tình nghĩa mà ôm đồm quá nhiều, đôi khi không chỉ không thể khiến tình nghĩa sâu đậm hơn, ngược lại có thể khiến hai bên trở nên xa cách.
Nếu là việc bản thân không làm được thì thà rằng ngay từ đầu đã từ chối dứt khoát, chỉ cần người được nhờ vả nói rõ lập trường, đưa ra lí do, tin rằng người đi nhờ có thể thông cảm, hơn nữa tình nghĩa giữa hai bên sẽ không bị tổn thương quá mức.
Vậy nên, khi cần từ chối thì phải quả quyết từ chối, đây là để tiếp tục kéo dài tình nghĩa, chứ không phải là bỏ mặc tình nghĩa giữa hai bên.