Sách Thần Đất – Ông Địa & Thần Tài là kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Cuốn sách không chỉ cung cấp cho bạn đọc những dữ kiện cần thiết để có thể hiểu được những nội dung liên quan đến tín ngưỡng thờ thần Đất, mà còn chỉ ra mối liên hệ của thần Đất, thần Thổ Địa, thần Tài Lộc cùng với sự biến chuyển của chúng theo dòng lịch sử. |
Đất – nguyên tố cơ bản của ngũ hành – là đối tượng phản ánh trong hầu hết thần thoại sáng thế. Đất cũng là nơi cư trú và nuôi dưỡng muôn loài, nên trở thành đối tượng sùng tín của con người. Việc thờ tự thần Đất dựa vào hai tín lý cơ bản: Một là vị phúc thần bảo vệ cộng đồng dân cư; hai là vị thần ban sung túc, thịnh vượng. Ở nước ta, quan niệm “Trời tròn – Đất vuông”, “cha Trời – mẹ Đất” tồn tại trong nhiều thế kỷ. Trong Đạo giáo, đất được tôn là Hậu Thổ hoàng kỳ, gọi tắt là Thổ địa. Thổ địa là một trong Tứ trực công tào (4 vị sứ thần nhà trời). Các vị công tào có trách nhiệm theo dõi thiện ác trong dân gian để báo cáo lên đấng tối linh, thưởng phạt công minh. Ảnh tranh Tứ trực công tào. Tranh thờ của các dân tộc thiểu số phía bắc Việt Nam. |
Theo Đạo giáo vũ trụ chia làm 3 tầng: Thượng giới, Trung giới và Hạ giới. Mỗi giới có một vị thần trông coi và dưới cùng là Thổ địa cưỡi cọp vàng. Tín niệm vũ trụ 3 tầng này có phần tương đồng với quan niệm vũ trụ của tín ngưỡng thờ Mẫu, gọi là tam tòa tứ phủ. Tam tòa là ba vị Vương mẫu chủ quản ba cõi: Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ/Thủy phủ. Tứ phủ gồm 4 phủ: Trời, Rừng – Núi, Sông – Bể, Đất cát (Thổ Địa). Cai quản mỗi phủ vẫn là Vương Mẫu. Phủ của Vương Mẫu cai quản cõi đất là Địa phủ. Ảnh tranh Công Tào Thiên phủ, Địa phủ và Công Tào Dương phủ, Thủy phủ. |
Bảo vệ/ trấn giữ Địa phủ là Ngũ hổ. Mỗi thần hổ trấn giữ một phương: Hổ vàng (trung ương), hổ xanh (Đông), hổ trắng (Tây), hổ đỏ (Nam), hổ đen (Bắc). Màu sắc của Ngũ hổ tương ứng với quan niệm ngũ hành. |
Thần Thổ địa cưỡi hổ vàng chỉ báo thần chủ của hành thổ đóng ở trung ương và mặt khác cũng cho thấy sự kết hợp giữa Thổ địa và Sơn thần. Ảnh tranh Sơn thần – Thổ địa (sưu tầm trong dân tộc Cao Lan – Sán Chỉ) |
Thần linh dù có nguồn gốc là gì khi đã có một trú sở, có người thờ cúng thì đã là thần bảo hộ (phúc thần) một vùng đất nhất định. Thổ Công/ Thổ địa là thần bảo hộ một khoảng, một vùng có diện tích giới hạn như Hà Bá cai quản từng con sông, khúc sông. Về sau, Thổ công tích hợp cùng Táo quân… thành thần bản gia, thần bảo hộ gia đình. Ảnh tranh Thổ Công vị. |
Tượng Thổ địa Phước Đức chính thần. |
Tranh Thổ địa. |
Diện tích đất đai nhỏ bé nhất của thần Thổ địa là gia đình. Ở trong không gian ấm cúng này, vị thần Đất sống chung với các thế lực thiêng liêng và các gia thần khác. Về cơ cấu thần linh trong gia đình có thể chia ra: Tổ tiên gia chủ, các thần độ mạng cho vợ chồng gia chủ, các thần tổ nghiệp, các đối tượng thờ cúng có nguồn gốc từ tôn giáo, các thần bản gia. Trong các vị thần bản gia có Táo Quân, Thổ thần, Ngũ tự và thần Tài. Ảnh tượng thần Tài, chất liệu composite hiện đại, gốm men màu Lái Thiêu. |
Cuối thế kỷ XIX, sự phân biệt giữa Thổ thần và Tài thần vẫn chưa thực sự rõ rệt. Thổ thần và Tài thần đều là “Thần Đất, thần giữ tiền bạc”. Người ta thường thờ chung 2 vị này cùng một chỗ và xem đó một cặp đôi không tách rời được. Hiện tượng này xuất phát từ tín lý cổ xưa về thần Đất có 2 công năng: Một là bảo vệ đất đai, hai là sinh sản (hoa màu, nông sản). Nói cách khác Thổ địa làm cho gia chủ phát đạt, giàu có. Sau này, kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp, doanh nghiệp ngày càng có vị trí thì con người cần một hình tướng cho việc phát tài: Ông thần Tài. Thần Tài ở nước ta là một ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, giàu có, chứ không có thần tích, thần phả gì. Ảnh tượng cặp đôi Thổ địa – Thần Tài. |