Vào năm 1971, tôi đến nhà của nhà thơ Kiên Giang. Ngay cửa ra vào, tôi thấy hai câu thơ “Những phường bạc nghĩa xin đừng đến / Hãy để thềm ta xanh sắc rêu” dán hai bên cửa.
Nghe kể, tôi mới biết đó là hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Được biết hai câu thơ này đã đi suốt theo nhà thơ Kiên Giang từ ngôi nhà hoang ở Rạch Giá đến Sài Gòn.
Khi chưa là nhà thơ, chàng trai Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rất yêu thơ Nguyễn Bính. Một buổi sáng năm 1946, nghe tin thần tượng của mình đang ở Rạch Giá, Trinh đi tìm thì biết nhà thơ đang ngủ trước cửa đình Nguyễn Trung Trực.
Đến gần, ông thấy một chiếc nóp và có người đang nằm ngủ ở trong. Ông không dám gọi, phải kiên nhẫn đợi đến gần 10h nhà thơ mới thức dậy.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Bính. Ảnh tư liệu. |
Theo bài viết của nhà thơ Kiên Giang trong tạp chí Văn học (số đặc biệt về Nguyễn Bính, 1968) cho biết lúc ấy, Nguyễn Bính đang tá túc ở nhà của một công chức. Vợ của ông công chức này mê thơ Nguyễn Bính quá, tối ngày cứ ngâm Lỡ bước sang ngang, Hương cố nhân, Tâm hồn tôi… miết khiến cho ông chồng đâm ghen.
Để giữ hạnh phúc cho gia đình người công chức đó, nhà thơ đành phải từ biệt và ra ngủ trong cái nóp trước cửa đình.
Ngay lần đầu khi gặp Kiên Giang, chưa kịp rửa mặt, cuốn nóp, Nguyễn Bính đã làm tặng người ái mộ bốn câu thơ:
“Có những dòng sông chảy rất mau
Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu
Lá vàng hoa đỏ, trôi không gặp
Lưu lạc ai ngờ gặp lại nhau”.
Sau đó, Kiên Giang đi thuê một cái tạm gọi là nhà, xệu xạo của ông giữ sân banh Rạch Giá để thầy trò cùng làm “lều thơ” sáng tác. Nơi đây, trò Kiên Giang lấy gạo và tiền nhà đến nuôi “ông thầy thơ” cơm và rượu. Tại “ngôi nhà” này, Nguyễn Bính viết bốn câu thơ trên giấy nhựt trình dán lên hàng cột:
“Từ độ về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”.
Trong ngôi “lều thơ”, Nguyễn Bính uống rượu và làm thơ. Kiên Giang viết: “Trong mùa mưa bão, khi nào nhà hết rượu và hết gạo, tôi lại đội mưa trở về nhà lấy gạo và mua rượu chịu. Khi trở lại nhà hoang đã nghe giọng Bính vang lên: “Ở đây mưa ngày lại ngày / Nhà không mở ngỏ mưa đầy tuần trăng”.
(Bài thơ này rất dài, Nguyễn Bính viết trong cơn say để riêng tặng tôi nhưng bài thơ đã bị thất lạc).
Có rượu rồi, chúng tôi lại nối tiếp làm thơ và ngâm thơ. Hết dầu lửa, chúng tôi đốt đèn cầy. Hết đèn cầy, chúng tôi đốt lửa. Lửa tắt, chúng tôi mượn tiếng mưa rơi và tiếng sóng biển ì ầm làm nhạc đêm cho những vần thơ cảm khái, ru hồn mộng quên bóng tối và đêm dài”.
Sau một thời gian, Nguyễn Bính bị bắt do những bài thơ dán trên vách nhà vì bị chính quyền cho là truyền đơn. Những bài thơ được Nguyễn Bính viết trong thời gian ở căn nhà hoang đều bị tịch thu.
Kiên Giang thừa nhận mình có ảnh hưởng của Nguyễn Bính. Ảnh gia đình cung cấp. |
Một thời gian ngắn, Nguyễn Bính được thả ra khỏi bót Giếng Nước, trở lại căn nhà hoang với căn bệnh kiết lỵ. Rồi một thời gian ngắn sau, ông đã rời khỏi nơi đây để vào chiến khu như mấy câu thơ mà Kiên Giang thường nghe Nguyễn Bính ngâm sau khi ra tù.
“Chim kia có cánh thì bay
Con ơi có nước thì mầy phải thương
Thà rằng chết ở chiến trường
Còn hơn chết ở trên giường thê nhi”.
Đến năm 1947, hai thầy trò gặp nhau trong chiến khu. Lúc ấy, nhà thơ Nguyễn Bính đã có “chức sắc”, là Hội trưởng Hội Văn hóa, có một căn nhà nhỏ bên bờ kinh Chắc Băng […].
Sau này, Kiên Giang cũng thừa nhận là thơ ông có ảnh hưởng âm điệu thơ Nguyễn Bính. Nhà thơ Kiên Giang phát hiện câu “Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi” trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của mình chính là câu cuối bài thơ Chuông Ngọ của Nguyễn Bính mà khi viết ông không hề biết thơ Nguyễn Bính đã ăn sâu vào tiềm thức của ông như thế nào.