Nói đến Claude Lévi-Strauss (1908-2009) là nói đến nhà nhân chủng học, dân tộc học nổi tiếng không chỉ ở Pháp mà trên toàn thế giới. Ông được biết đến là “cha đẻ của nhân chủng học hiện đại”.
Và nhà nhân chủng học đến từ đất nước hình lục lăng đã hướng niềm đam mê của mình về vùng Viễn Đông nơi đất nước Nhật Bản. Để hiểu thêm về tình yêu, sự nhìn nhận sâu sắc về “đất nước Mặt Trời mọc” của Claude Lévi-Strauss, không thể bỏ qua chân giá trị về văn minh Nhật Bản nơi Mặt khác của trăng – Khảo luận về Nhật Bản.
Tác phẩm Mặt khác của trăng – Khảo luận về Nhật Bản của Claude Lévi-Strauss. Ảnh: Đình Ba. |
Nhật Bản trong chiếc gương soi của Claude Lévi-Strauss
Trong góc nhìn nhân chủng học qua Mặt khác của trăng, Claude Lévi-Strauss thấy rằng lịch sử của Nhật Bản được “bắt rễ trong các huyền thoại” và đây là một trong những điều làm nên sự mê hoặc nhất của đất nước này.
Một dẫn chứng cho sự mê hoặc ấy, chính là hai tập sách cổ xưa nhất của Nhật Bản: Kojiki (Cổ sự ký) và Nihon-shoki (Nhật Bản thư kỷ), được nhận định là “đã liên kết tất cả chủ đề lớn của thần thoại thế giới, và thần thoại ấy hòa tan một cách vô tình trong một lịch sử”. Tức là với thần thoại Nhật Bản, đã thu gom nhiều sự tương hợp có thể bắt gặp ở thần thoại xa xưa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Biểu hiện sự tương hợp ấy có thể thấy ở truyền thuyết cậu bé Ugayafukiaezu no Mikoto được người dì nuôi dạy, sau này lớn lên đã lấy dì mình làm vợ và bà trở thành mẹ của Hoàng đế Jimmu. Mô-típ ấy có thể bắt gặp ở Indonesia, châu Mỹ mà theo Claude Lévi-Strauss, sự đồng điệu này chỉ có thể tìm hiểu ngọn nguồn ở việc xưa kia, hai lục địa Á-Âu có lúc nối liền nhau khi chưa bị nước biển dâng chia cắt.
Nghiên cứu chuyên sâu vào mọi ngóc ngách của văn hóa Nhật Bản, nên nếu như vua Midas chạm tay vào vật gì cũng thành vàng, thì tưởng chừng Claude Lévi-Strauss chạm vào bất cứ mảnh văn hóa nào của xứ “thái dương thần nữ”, đều chạm đến tầng sâu nhất của khía cạnh ấy, từ vấn đề nghệ thuật đồ họa, cổ tích cho đến thư pháp, lễ nghi…
Nói về gốm Jōmon chẳng hạn, Claude Lévi-Strauss thấy rằng đây là loại gốm không giống với bất cứ loại gốm ở các giai đoạn văn hóa khác khi có những đặc trưng riêng nó như “hoa mỹ rườm rà” với hình trang trí cường điệu hóa bằng đường răng cưa, xoắn ốc có tuổi thọ mười thiên niên kỷ.
Với kịch Nō, bỏ qua những riêng khác về trang phục, sân khấu, cách biểu diễn, Claude Lévi-Strauss còn thấy rằng, trong loại hình nghệ thuật này “lao động có một giá trị thi ca thực sự chính bởi vì nó biểu thị một trong những hình thái giao tiếp giữa con người và thiên nhiên”.
Tìm trong cội gốc văn hóa Nhật Bản, Claude Lévi-Strauss thấy những mối liên hệ đáng ngạc nhiên với văn hóa phương Tây đến mức không thể ngờ được.
Minh chứng ấy có thể tìm thấy ở nhiều lĩnh vực. Nếu vua Midas chạm tay hóa vàng, bị thần Apollon biến tai thành tai lừa là câu chuyện đã được phổ biến ở Hy Lạp qua lời kể của Herodotus, thì thực sự ngạc nhiên khi câu chuyện tương tự thế cũng đã có ở Triều Tiên, Mông Cổ và Nhật Bản.
Diễn viên kịch Nō dùng mặt nạ gỗ. Ảnh: Livejapan. |
Mối lương duyên với Nhật Bản từ ấu thơ
Mỗi một trang sách Mặt khác của trăng lật mở, độc giả lại lượm thu không chỉ kiến thức, hiểu biết về đất nước mặt trời mọc. Cao hơn nữa, đó là góc nhìn riêng khác thể hiện sự am tường của một nhà nhân chủng học đối với đất nước, con người ở nơi không chỉ có động đất, sóng thần, mà bao chứa trong đó cả một nền văn hóa tiếp nối giữa truyền thông và hiện đại.
Mặt khác của trăng không phải là một tác phẩm dày dặn về mặt dung lượng chữ, nhưng lại cô đọng trong những biện giải về một Nhật Bản ở Đông phương dưới góc nhìn nhân học của một nhà nghiên cứu người Pháp, am tường đất nước Phù Tang như chính người bản xứ.
Điều này cũng dễ hiểu nếu biết rằng văn hóa Nhật Bản đã là niềm say mê của Claude Lévi-Strauss khi mới 5, 6 tuổi khởi nguồn từ những bức tranh mộc bản của Nhật được người cha sưu tầm. Loại tranh này có kỹ thuật làm tương tự như tranh Đông Hồ của Việt Nam.
Nói về đam mê nghiên cứu của mình hướng về đất nước “thái dương thần nữ”, ông xác nhận: “Không có ảnh hưởng nào sớm góp phần vào sự hình thành tư tưởng và đạo đức của tôi như ảnh hưởng của văn minh Nhật Bản”.
Nhà nhân học người Pháp Claude Lévi-Strauss (bên phải). Ảnh: The Guardian. |
Trong quãng đời nghiên cứu khoa học của mình, Claude Lévi-Strauss đã để lại nhiều công trình giá trị như Định chế tô tem hiện nay, Nhiệt đới buồn, Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại…
Trong số đó, Mặt khác của trăng thực sự là một trong những công trình nghiên cứu đáng giá của Claude Lévi-Strauss về Nhật Bản.
“Tôi đã dành trọn đời để nghiên cứu văn hóa Nhật Bản như một nhà nhân chủng học”, tác giả Mặt khác của trăng tâm sự.