TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho hay khi ban hành chính sách cộng điểm học lực lớp 12 vào điểm thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đã không nghiên cứu thấu đáo, đến khi chính sách đi vào thực tế lại cũng không có đánh giá tác động của nó đến việc học thật và dạy thật thế nào.
Chính vì vậy mới có tình trạng lúc đầu là 50%, sau giảm xuống 30% một cách tùy tiện sao không phải 35% hay 40% hoặc 20%, 25%. Ít quốc gia nào làm chính sách như vậy.
TS Hoàng Ngọc Vinh. |
Một khi hạ xuống 30% điểm học lực năm lớp 12 để cộng vào điểm tốt nghiệp, như một lẽ tự nhiên, một bộ phận giáo viên có thể sẽ nâng mạnh điểm học lực lên để bù vào 20% bị “hụt” đi so với năm trước để năm sau không tụt tỷ lệ tốt nghiệp. Hậu quả là xu hướng lạm phát điểm học bạ gia tăng.
Sau vụ gian lận thi cử, việc nghi ngờ điểm học bạ là hoàn toàn có cơ. Việc cho điểm đánh giá học lực THPT chắc chắn sẽ khó có một chuẩn thống nhất giữa các giáo viên, ở các trường và trên các vùng miền khác nhau. Ở đâu, trường nào giáo viên làm nghiêm túc thì có thể học sinh sẽ thiệt thòi hơn so với những nơi dễ dãi trong đánh giá học lực nếu lấy học bạ làm chuẩn xét tuyển.
Điều đó gây ra sự mất công bằng trong xét tuyển bằng học bạ vào ĐH. Các thầy cô có tâm lý thương học trò… đánh mất sự công bằng giữa các vùng miền, các trường lớp
“Việc dựa vào một cái tưởng là chuẩn nhưng không chuẩn sẽ mất chuẩn và gây ra các hệ lụy tiêu cực khác. Kết quả xét tốt nghiệp có 30% điểm học bạ nên việc trượt tốt nghiệp THPT có khi khó hơn đi lên trời. Một hệ lụy tiêu cực khác nữa cần chú ý tới là học sinh rất có thể phải đi học thêm ở nhà những giáo viên phụ trách môn học xét tuyển để cho đẹp học bạ và việc dẹp bỏ học thêm lại có điều kiện trỗi dậy mạnh hơn”, TS Vinh nêu thực tế.
Mặt khác, ông cho rằng do có sự đánh giá thiếu nghiêm túc mà ảnh hưởng đến xu hướng chọn lựa con đường học tập của một số thí sinh do nhầm tưởng mình học lực khá để vào đại học thay vì các em biết sức học thật của mình chuyển đi học nghề thì cơ hội thành công có thể cao hơn.
Vào học vài năm sức học đuối lại bị ra khỏi trường ĐH hoặc lưu ban (nếu trường đại học giữ nghiêm mức chất lượng) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các em sau này và lãng phí sức người, tiền của và chi phí cơ hội.
Do đó, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng nên bỏ ngay quy định 30% điểm học bạ trong xét tốt nghiệp.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên TS Hoàng Ngọc Vinh phản đối việc lấy tỉ lệ phần trăm trong một số chính sách của Bộ GD&ĐT. Ông cho biết ngày bắt đầu thi ba chung, Vụ Giáo dục ĐH đưa ra yêu cầu xét nguyện vọng 1 là 80%, còn nguyện vọng 2 là 20%.
Nhưng sau đó, chính sách này vỡ trận vì không biết được con số tuyệt đối bao nhiêu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, trong khi chỉ tiêu ngày đó do Bộ GD&ĐT “ấn định” cho các trường.
Đến năm 2016, Bộ GD&ĐT đưa chính sách cộng điểm học bạ THPT là 50% vào xét tốt nghiệp cho thí sinh, sau đó, hai năm nay rút xuống còn 30%.
Trong khi đó, đến giờ, bộ vẫn chưa công bố nghiên cứu nào để khẳng định tỷ lệ này là đúng, chính xác, công bằng với tất cả thí sinh. Không những thế, công cụ kiểm soát tình trạng học thật thi thật đến giờ vẫn hoàn toàn chưa có.
Không chỉ TS Hoàng Ngọc Vinh, nhiều chuyên gia cho rằng bộ nên trả lại kết quả “thật” cho thí sinh thông qua kỳ thi tốt nghiệp được đánh giá tương đối nghiêm túc, là thước đo chung toàn quốc cho thể tạm tin tưởng được cho đến thời điểm này và bỏ ngay “phao cứu sinh” 30% điểm học bạ lớp 12.