Trong bộ phim It’s Okay to Not be Okay, nhân vật nữ chính Ko Moon Young là tác giả sách tranh dành cho thiếu nhi rất ăn khách.
Các cuốn sách của cô đều lấy chủ đề khá rùng rợn như Cậu bé lớn lên bằng ác mộng, Nhóc Zombie…, đề cập những đứa trẻ cầu xin phù thủy xóa đi các ký ức xấu để được sống hạnh phúc; hoặc về đứa trẻ sinh ra lúc nào cũng đói.
Buổi đứng lớp giảng giải về truyện cổ tích của nhân vật Ko Moon Young. Ảnh trong phim It’s Okay to Not be Okay. |
Trong một buổi đứng lớp văn học trong bệnh viện tâm thần, Ko Moon Young đã có một cách nhìn khác biệt về truyện cổ tích, thông điệp mà các câu chuyện muốn truyền tải. Theo cô, truyện cổ tích là một thế giới tưởng tượng tàn nhẫn vẽ lại theo hướng nghịch lý về đời thực đầy sự bạo lực và tàn khốc.
Ví dụ, truyện Vịt con xấu xí, bài học rút ra là nuôi con người khác tốn công, trông con mình cho tốt vào. Hay bài học của truyện Nàng tiên cá là nếu nhòm ngó người đã có hôn thê thì sẽ bị trừng phạt. Còn Ông vua có đôi tai lừa thì nếu không muốn bị bệnh, hãy nói sau lưng.
Tóm lại, truyện cổ tích không phải thuốc ảo giác nuôi dưỡng giấc mơ, mà là thuốc kích thích nhận ra hiện thực. Cô khuyên mọi người nên đọc càng nhiều truyện cổ tích càng tốt, để sớm tỉnh mộng ảo tưởng. Vào thời khắc nhận ra và chấp nhận được hiện thực đó, mọi người sẽ thấy hạnh phúc hơn.
Buổi học gây tranh cãi cho các y tá và điều dưỡng trong bệnh viện. Tuy nhiên, các bệnh nhân lại hứng thú và nhận thấy hợp lý. Nhân vật Ko Moon Young cũng được miêu tả là người mắc phải chứng rối loạn chống đối xã hội, không quan tâm người khác, thiếu trách nhiệm và không biết hối hận.
Quay trở lại các truyện cổ tích, có thực là mục đích của những câu chuyện này để khiến người khác thức tỉnh? Nếu vậy, truyện cổ tích dành cho ai?
Trên thế giới, bên cạnh Truyện cổ Andersen,Truyện cổ Grimm là tuyển tập nổi tiếng, được biết đến rộng rãi. Thế nhưng, nhiều câu chuyện mà trẻ em ngày nay biết đến khác xa rất nhiều so với nguyên gốc mà anh em nhà Grimm thu thập được.
Cuốn sách Truyện cổ tích của anh em Grimm được dịch lại từ văn bản gốc trong bản in năm 1857, ấn bản thứ 7 của Truyện cổ Grimm. |
Tiêu biểu, có thể kể đến Lọ Lem, kể về cô gái sớm mất mẹ, cha kết hôn với vợ mới và cũng sớm qua đời. Lọ Lem phải sống với mẹ kế và hai chị gái.
Khi nhà vua tổ chức vũ hội, Lọ Lem không được đi, bà tiên đỡ đầu xuất hiện và biến ra phép màu giúp cô trở nên lộng lẫy. Cô phải trở về trước khi chuông điểm 12h đêm.
Trong câu chuyện Lọ Lem của anh em nhà Grimm, cô chưa hề mất cha và không hề có bà tiên nào xuất hiện cả.
Tất cả váy áo đẹp của Lọ Lem đều đến từ cây dẻ mọc lên từ mộ của mẹ cô, nơi có một con chim trắng muốt lắng nghe nguyện ước của cô bé và thả đồ xuống giúp cô gái khốn khổ.
Khi vũ hội kết thúc, vì muốn giữ chân Lọ Lem, hoàng tử đổ nhựa thông lên bậc thềm và chiếc giày đẹp của cô bị giữ lại. Hai chị gái của Lọ Lem, vì mong muốn trở thành vợ hoàng tử, đã chặt cả ngón chân, cũng như gót chân để thử vừa giày.
Đến cuối truyện, hai chị gái bị đôi chim bồ câu mổ mắt, trở nên mù lòa, trả giá cho tính thâm độc và gian dối của mình.
Một số truyện cổ tích khác như Rapunzel, trong ấn bản đầu tiên, đã ngây thơ hỏi mẹ tại sao quần áo của cô bị chật ở phần bụng. Vậy nên, mụ phù thủy mới phát hiện hoàng tử ghé thăm, khiến cô mang thai, sau đó nhốt kỹ Rapunzel trên tòa lâu đài.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, chi tiết này đã bị lược bỏ và thay thế. Nhưng nhìn chung, các chi tiết bạo lực vẫn còn khá nhiều, dùng để trừng phạt nhân vật phản diện trong truyện cổ của anh em Grimm.
Rõ ràng, những cốt truyện như vậy không phù hợp trẻ em. Thực tế, hai anh em nhà Grimm là Jacob và Wilhelm, ban đầu, không hề có dự định viết truyện cho thiếu nhi. Các câu chuyện mà họ thu thập, được họ kể lại cho người trong vùng.
Mục đích là tập hợp và lưu trữ lại những truyện cổ được truyền miệng lâu đời nước Đức, bảo vệ nền văn hóa dân gian, khắc họa nguyên bản các đặc điểm lịch sử, tôn giáo của đất nước này.
Truyện cổ Grimm, sau đó, nhiều lần được chỉnh sửa trau chuốt hơn, thay đổi một vài chi tiết chưa phù hợp, để cho hầu hết truyện đều kết thúc có hậu và ca ngợi đức tính thật thà, lòng can đảm và kiên cường.
Nhiều truyện cổ tích đã lược bớt và thay đổi so với bản gốc để phù hợp trẻ em. Ảnh: Đinh Tị Books. |
Truyện cổ tích được định nghĩa là những truyện ngắn về về các nhân vật hư cấu, có liên quan tiên, bụt, yêu tinh, thần tiên, quỷ, người lùn, người khổng lồ, người cá…, với nhiều phép thuật, bùa chú.
Trẻ em thường chơi đùa và tự nghĩ ra những câu chuyện của riêng chúng, với những tưởng tượng từ chính cuộc sống hàng ngày. Phần lớn trong số đó đều không có thật hoặc có nhiều yếu tố kỳ ảo.
Truyện cổ tích bỗng chốc trở thành phương tiện cho trẻ em có cơ hội để học hỏi và phát triển. Bằng cách lược bỏ những chi tiết bạo lực hoặc không phù hợp, chỉ giữ lại cốt truyện chính, cùng từ ngữ đơn giản, truyện cổ tích có thể dạy trẻ em nhiều điều và giúp chúng giải trí.
Trẻ em sẽ tìm thấy việc nào đúng, việc nào sai, đâu là tốt, đâu là xấu. Chúng học cách phân biệt các nhân vật thông qua lời nói và hành động của họ.
Trong một bài luận On Fairy-Stories, nhà văn J.R.R Tolkien cho rằng trẻ em, cuối cùng, cũng phải lớn lên. Chúng không phải Peter Pan, không phải để mất đi sự ngây thơ và tính tò mò, mà là tiếp tục trên hành trình đã định sẵn. Hành trình trở thành người lớn và biết điều gì đúng, sai để chịu trách nhiệm cho chính mình.
Vậy nên, truyện cổ tích không nên chỉ dành cho trẻ em, mà khi trở thành người lớn, cũng nên đọc lại, như là một cách để xem xét và tự vấn bản thân.
Nhiều người cho rằng cái gì trẻ em yêu thích thì quá đơn giản đối với người lớn, ví dụ như những câu chuyện thần tiên trong truyện cổ tích. Họ không nhận ra rằng truyện cổ tích có thể được hiểu và đọc theo nhiều cách khác nhau. Mỗi truyện thường có nhiều lớp nghĩa cho trẻ em và người lớn đọc hiểu.
Trẻ em thấy những điều thần tiên mà chúng yêu thích, còn người lớn sẽ hiểu ra những thực tại mà truyện cổ tích truyền tải, và theo như cách diễn giải của nhân vật Ko Moon Young, cũng chẳng hề sai.