Với sự hỗ trợ của công nghệ cùng việc thay đổi thói quen sống do đại dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ đã tham gia vào các công việc sáng tạo khác nhau. Họ tạo ra những nghề mới trên nền tảng mạng xã hội và đạt được thành công nhất định.
Góp nhặt những tấm gương người thật, việc thật nhờ tinh thần sáng tạo mà làm nên những điều khác biệt, cây bút Nam Kha thực hiện cuốn sách Sáng ý tưởng, tạo thành công – Giữ chất riêng, làm khác biệt.
Bìa của cuốn sách. Ảnh: Thu Huệ. |
“Bật nút” sáng tạo
Chia sẻ với Zing, Nam Kha cho biết trong thời gian bản thân mắc Covid-19, bên cạnh việc nghỉ ngơi, anh dành nhiều thời gian để đọc sách và viết lách, bởi đây là hai hoạt động dễ thực hiện ngay tại nhà.
Theo cây bút trẻ, sáng tạo không phải là điều gì quá xa vời, nó ở xung quanh cuộc sống, trong bất kỳ khoảnh khắc nào. Sau khi sức khỏe ổn định, quay trở lại làm việc, anh nhanh chóng bắt nhịp với các ý tưởng đã được hình thành trong thời gian dưỡng bệnh.
Sách được thực hiện trong bối cảnh đại dịch, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và yếu tố sáng tạo ngày càng được đề cao, dần trở thành kỹ năng cần thiết trong học tập và công việc.
Ấn phẩm được chia làm hai cuốn, nằm ngược chiều nhau và có hai bìa sách lật mở tương ứng để độc giả có thể tự lựa chọn đọc phần nào trước tùy theo ý thích.
Ở phần một – Sáng ý tưởng, tạo thành công – theo tác giả, các dự báo tương lai về sự biến mất của công việc có tính chất lặp đi lặp lại và sự lên ngôi của những công việc mang tính sáng tạo dần trở thành hiện thực. Thậm chí, chúng tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Khi gấp sách lại, mỗi người có thể chiêm nghiệm và tự rút ra cho mình thông điệp, bài học thú vị áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Hy vọng sách sẽ khơi gợi tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực.
Tác giả Nam Kha
Nhờ sự hỗ trợ của Internet và thiết bị thông minh, nhiều ngành nghề mới ra đời như Vlogger, content creator, KOLs… nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng.
Bên cạnh các tên tuổi nổi tiếng trên mạng xã hội, những gương mặt gen Z cũng đã sớm ghi điểm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính những mảnh ghép ấy đã tạo nên một bức tranh mới cho “nền kinh tế sáng tạo nội dung hậu Covid-19”.
Tác giả dẫn dắt chia sẻ của nhà sáng tạo Nguyễn Thanh Mỹ: Có 4 cách để chúng ta sáng tạo. Đó là làm đúng những gì đang bị sai, làm tốt hơn những gì đang có, làm xuất hiện những cái chưa có và làm thật tốt một dấu ấn để lại cho đời.
Lật ngược cuốn sách, độc giả sẽ thấy phần hai có tên Giữ chất riêng, làm khác biệt gồm 17 câu chuyện của 17 nhân vật. Họ là những gương mặt trẻ tiêu biểu đã truyền cảm hứng sống đến mọi người xung quanh bằng những dự án có tính sáng tạo ở các lĩnh vực: Ngược dòng quá khứ tìm hiểu lịch sử, bước ra thế giới để khám phá chính mình, thoát khỏi vùng an toàn để theo đuổi đam mê.
Người đọc có cơ hội gặp gỡ các nhân vật tiêu biểu đó và lắng nghe câu chuyện về những ngày đầu họ ấp ủ ý tưởng, khởi động quá trình sáng tạo và biến ước mơ thành hiện thực.
Đó là blogger du lịch, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi và hành trình vượt qua đường biên của những nỗi sợ vô hình khi từ bỏ một công việc ổn định để tìm kiếm đam mê đích thực.
Phương Thu Thủy, vì không muốn làm những sợi tóc xoay vòng trong bồn rửa mặt nên đã lên đường khám phá Ấn Độ. Hoặc anh Tuấn Trần – người sáng lập nhóm “Việt Sử kiêu hùng” – đã biến lịch sử thành ý tưởng với các dự án phim diễn họa được cộng đồng đón nhận.
Đó còn là Nguyễn Phương Vy (sinh viên ĐH Mỹ Thuật), người đã biết bày tỏ tình yêu với loại hình nghệ thuật hát bội bằng việc sáng tạo nên bộ chữ “Bội tự”…
Qua những câu chuyện có thật, Nam Kha cho rằng sự khởi đầu nào cũng gặp nhiều thử thách. Tuy nhiên, phép màu sẽ xuất hiện khi chúng ta luôn tin tưởng và nỗ lực hết mình, dám dấn thân vào con đường đã chọn.
Tác giả Nam Kha. Ảnh: NVCC. |
Trải nghiệm mới lạ khi đọc sách
Nam Kha chia sẻ khi đọc cuốn 451 độ F (Ray Bradbury) phiên bản nước ngoài, anh thấy ấn tượng vì sách đi kèm một que diêm để độc giả thực hiện hành động đốt bìa sách theo đúng tinh thần nội dung tác phẩm. Điều đó khiến cây bút 9X này nghĩ đến ở Việt Nam, hình thức của sách mới chỉ dừng ở phần nhìn ngoài bìa.
“Nếu bìa và cách trình bày bên trong có sự tương tác nhất định với nội dung, sẽ không chỉ kích thích sự tò mò, thích thú đọc sách của độc giả, mà còn đem đến nhiều trải nghiệm thú vị”, Nam Kha nói.
Ý tưởng thiết kế sách “hai trong một” với cuốn Sáng ý tưởng, tạo thành công – Giữ chất riêng, làm khác biệt ra đời từ đó. Nó được anh ấp ủ ngay từ khi hoàn thành mục lục.
Phần ruột sách được thiết kế theo định dạng book-magazine hiện đại, thoáng mắt, đi kèm các câu trích dẫn dễ áp dụng vào đời sống. Còn phần bìa được thiết kế theo dạng “bốn trong một” với bốn mép gấp bìa khác nhau. Cách thiết kế này cũng nhằm nhấn mạnh tinh thần sáng tạo xuyên suốt nội dung sách.
“Tôi muốn tạo nên sự đặc biệt cho cuốn sách lần này để độc giả không chỉ ‘chơi’ với con chữ, mà còn có thể thoải mái ‘tung hứng’ với sách, bằng cách thay đổi, lật mở, cắt rời bìa và tạo thành những tấm thiệp khác nhau để gửi thông điệp đến người thân, bạn bè”, cây bút 9X lý giải.
Với phần thiết kế đặc biệt, mới mẻ này, những câu chuyện trong sách mang đến cách tiếp cận thú vị cho bạn đọc. Các nhân vật cũng cùng nhìn lại những cột mốc rực rỡ của tuổi trẻ mà mình đang trải qua.
Qua ngòi bút tường thuật của cây bút, nhà báo Nam Kha, những câu chuyện ấy được kể một cách tự nhiên, gần gũi như một lời tâm tình, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.